Gian lận báo cáo kinh doanh - cần thuốc đặc trị

Mùa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016, Công ty Cổ phần gỗ Trường Thành và Công ty Cổ phần NTACO gây “sốc” cho các nhà đầu tư khi công bố bị lỗ do báo cáo hàng tồn kho “biến mất”. Thông tin này khiến giá cổ phiếu TTF và ATA giảm thê thảm khiến các nhà đầu tư đang nắm giữ hai cổ phiếu này thua lỗ nặng.

   Mập mờ công bố thông tin

Đầu tháng 8/2016, Công ty Cổ phần Gỗ Trường Thành với mã niêm yết trên thị trường chứng khoán là TTF bất ngờ công bố lỗ hơn 1.100 tỷ đồng trong quý II/2016, do phát hiện thiếu tới gần 980 tỷ đồng hàng tồn kho và trích lập dự phòng đối với khoản phải thu khó đòi 227 tỷ đồng. Thông tin được công bố, giá cổ phiếu của TTF đang từ mức hơn 43.700 đồng/cổ phiếu (ngày 19/7), giảm giá một mạch đến 19/8 chỉ còn 8.100 đồng/CP. Cổ phiếu TTF mất giá đột ngột tới 80% đã khiến nhiều nhà đầu tư không kịp trở tay, bức xúc vì bị thua lỗ nặng. Cũng giống như TTF, Công ty Cổ phần NTACO  ( mã chứng khoán ATA) cũng vừa tạo cú sốc thứ hai khi báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2016 của doanh nghiệp này được công bố bất ngờ báo lỗ 426 tỷ đồng. Dù báo cáo tự lập trước đó, ATA ghi nhận khoản lợi nhuận hơn 30 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản mục hàng tồn kho 364 tỉ đồng mà công ty công bố năm tài chính 2015 đã “bốc hơi” mà không giải trình.


Khách hàng giao dịch chứng khoán tại sàn giao dịch BSC số 8 Lê Thái Tổ, Hà Nội. Ảnh (tư liệu): Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Theo các nhà đầu tư chứng khoán, từ trước đến nay, nhà đầu tư chỉ biết tin cậy vào báo cáo kiểm toán doanh nghiệp của các công ty kiểm toán để ra quyết địh đầu tư. Nhưng vụ việc này đã cho thấy, nếu như  ban lãnh đạo doanh nghiệp chủ động che giấu thông tin thì kiểm toán cũng không thể phát hiện. Ông Trịnh Đức Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính) thừa nhận thực tế này và cho rằng, việc lập BCTC và cung cấp tài liệu cho kiểm toán là trách nhiệm của doanh nghiệp. Kiểm toán không phải là cơ quan điều tra để có thể xác minh tài liệu là thật hay giả, họ chỉ đưa ra ý kiến trên cơ sở các tài liệu được cung cấp, căn cứ vào các bằng chứng kiểm toán và thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán. Do đó, nếu doanh nghiệp cố tình lừa dối, cung cấp tài liệu, thông tin không trung thực thì kiểm toán lại chính là nạn nhân?  

Cần chế tài đối với việc gian lận    

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Chủ tịch Hiệp hội đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), những năm gần đây, thị trường chứng khoán (TTCK) đã có nhiều doanh nghiệp lên sàn niêm yết cổ phiếu, nhưng việc có nhiều công ty tham gia vào thị trường thì đi cùng với đó là sự gian lận BCTC cũng gia tăng. Nhưng điều gây quan ngại cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước là sự gian lận đang ngày càng phát triển mà lại không có sự răn đe hay chế tài hiệu quả, dẫn đến hiện tượng doanh nghiệp làm liều. Theo quan sát của hiệp hội, những gian lận BCTC của doanh nghiệp thể hiện ở việc không trích lập dự phòng nợ khó đòi, trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho hay tạo ra lợi nhuận doanh thu ảo để nhằm mục đích đẩy giá cổ phiếu lên kiếm lời cho những người điều hành doanh nghiệp, hoặc che giấu lỗ để tiếp tục tại vị trong ban lãnh đạo doanh nghiệp, che giấu lỗ để thăng quan tiến chức (nếu là doanh nghiệp có cổ phần nhà nước chi phối).

Về nguyên nhân của tình trạng gian lận BCTC của doanh nghiệp, ông Hải VAFI cho rằng do Luật Chứng khoán chưa cụ thể, chặt chẽ, chính sách dưới luật quy định về quản lý và chế tài đối với các hành vi gian lận, làm giá chứng khoán chưa hiệu quả. Bên cạnh đó là nếu việc giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng, như UBCKNN nghiêm minh, kịp thời chấn chỉnh những hành vi gian lận chớm xuất hiện thì sẽ không xảy ra hiện tượng như TTF và ATA.Thứ hai là việc hoạch định chính sách quản lý TTCK yếu kém, chậm thay đổi. Cùng đó là cán bộ quản lý chưa làm hết trách nhiệm. 

Theo các chuyên gia của VAFI, trong khi chờ chỉnh sửa Luật Chứng khoán có thể lâu, giải pháp hiệu quả mà UBCKNN có thể làm ngay được là trình Bộ Tài chính quy định, mỗi công ty kiểm toán chỉ được kiểm toán tại doanh nghiệp 1 – 2 năm là tối đa để hạn chế sự quen thân, thông đồng gian lận báo cáo. 

Đối với trường hợp TTF, do DN cố ý công bố báo cáo không trung thực, gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Do đó, không cần phải nhà đầu tư khởi kiện, các cơ quan chức năng vẫn có thể khởi tố vụ án về tội lừa đảo, gian lận”, ông Hải VAFI nói.  
XH
Nhận diện “rào chắn” chống gian lận thuế
Nhận diện “rào chắn” chống gian lận thuế

Kiểm tra thuế, nợ thuế luôn là vấn đề nóng được đặt ra tại các cục thuế mỗi khi tìm giải pháp thực hiện thu của năm. Năm nay cũng không phải là một ngoại trừ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN