Giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần, quan trọng là hấp thụ vốn tốt

Cộng đồng doanh nghiệp đang đứng trước rất nhiều khó khăn về tiếp cận vốn tín dụng; thiếu đơn hàng do thị trường bị thu hẹp và tác động tiêu cực của COVID-19 vẫn còn kéo dài. Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nhấn mạnh: Giảm lãi suất không quan trọng bằng tiếp cận và đưa vốn vào sản xuất.

Chú thích ảnh
Bốc dỡ container gạo xuất khẩu đi Trung Quốc tại Cảng logistics Công ty TNHH Dương Vũ, huyện Thủ Thừa. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
 

Cầu yếu, tín dụng tăng thấp 

Tín dụng vẫn tăng thấp cho thấy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu hơn đáng kể so với năm ngoái. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà, đến hết tháng 5/2023, tín dụng trong nền kinh tế đạt trên 12,8 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022, trong khi cùng kỳ năm trước tăng khoảng 8%. 

“So với thời điểm này của năm 2022, khi đó mức tín dụng tăng xấp xỉ 8% so với cuối năm 2021. Trong điều kiện điều hành chính sách tín dụng của NHNN không thay đổi, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%, năm 2023 từ 14 - 15%, mà tín dụng tăng thấp như vậy cho thấy, sức hấp thụ vốn của kinh tế yếu hơn đáng kể so với năm ngoái”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết.

Theo lãnh đạo NHNN, một số nguyên nhân chính khiến cầu yếu, tín dụng tăng thấp là: Với các doanh nghiệp sản xuất, đầu ra tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn do thiếu đơn hàng dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút. Một số doanh nghiệp nhỏ có tình hình tài chính suy yếu, không có phương án khả thi dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng. “Nhiều dự án bất động sản gặp khó khăn, trong đó có khó khăn về pháp lý, ít có dự án mới triển khai nên nhu cầu tín dụng đối với bất động sản cũng giảm sút”, ông Phạm Thanh Hà nêu.

Đề cập về tình hình lãi suất, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết: Tổ chức tín dụng (TCTD) đang chịu áp lực trong giảm lãi suất cho vay. Hiện tại lãi suất cho vay chưa thể giảm tương ứng lãi suất huy động. Bởi lượng tiền cho vay hiện nay đến từ giai đoạn cuối năm 2022 và đầu quý I/2023, các ngân hàng phải huy động với lãi suất cao. Như vậy, các ngân hàng sẽ vẫn phải trả lãi cao cho số tiền huy động này trong một thời gian nữa. Do đó giảm lãi suất cho vay trong thời gian này tạo áp lực cho ngân hàng, NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) sẽ thu hẹp...

“Dù khó, song ngân hàng xác định đây là việc phải làm để hỗ trợ nền kinh tế. Vấn đề nữa là tín dụng của các ngân hàng đang diễn ra khá chậm, người dân, doanh nghiệp có xu hướng hạn chế vay. Do đó, dù có hơi áp lực nhưng giảm lãi suất cho vay có thể kích cầu tín dụng”, ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ.

“Cái khó hiện nay của doanh nghiệp không phải ở vấn đề lãi suất mà khó ở dòng tiền bán hàng. Hiện doanh nghiệp xuất khẩu khó ở việc đơn hàng xuất khẩu nên không có dòng tiền kinh doanh. Doanh nghiệp trong nước khó ở khẩu tiêu dùng nội địa”, TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế cho biết.

Dẹp bỏ quan niệm doanh nghiệp phải "đi xin, đi chạy" 

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trịnh Xuân An. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Theo ĐBQH Trịnh Xuân An, GDP quý I/2023 tăng thấp là 3,32% và để đạt được mục tiêu 6,5% trong năm 2023 cần phải có quyết tâm thật cao, mỗi quý còn lại phải đạt 7,5%. 

“Đối với doanh nghiệp, việc giảm lãi suất không quan trọng bằng việc tiếp cận được vốn và đưa nguồn vốn đó vào sản xuất, kinh doanh. Cùng với tín dụng, cần tiếp tục khơi thông các kênh dẫn vốn khác như: Trái phiếu, chứng khoán; đồng thời cần tiếp tục rà soát để đơn giản thủ tục hành chính một cách thực chất hơn. Đặc biệt, cần phải thay đổi văn hóa doanh nghiệp phải ‘đi xin, đi chạy’", ông Trịnh Xuân An nhấn mạnh.

Theo ĐBQH tỉnh Đồng Nai, chính quyền và nhà quản lý cần thể hiện thái độ phục vụ doanh nghiệp, chủ động, thực tâm, thực lòng đến với doanh nghiệp để gỡ khó. Những việc cần làm để hệ thống doanh nghiệp phát triển, nên làm ngay, quyết định ngay, bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, các bộ, ngành.

Nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình: Đối với những dự án pháp lý đầy đủ và làm đúng quy trình, các địa phương cần ký để triển khai ngay, tránh việc cứ rà soát mãi mà cả năm không ra đời được dự án nào. Trong bối cảnh khó khăn, cần bớt các nội dung kiểm tra, thanh tra làm khó doanh nghiệp để tránh tình trạng doanh nghiệp cứ phải lao đao đi giải trình lên xuống. 

“Với tinh thần đó, các biện pháp tháo gỡ, gỡ khó cho doanh nghiệp cần thúc đẩy cả thị trường trong và ngoài nước, phải đồng bộ, thống nhất các chính sách tiền tệ và tài khóa. Chủ trương để xử lý gỡ khó cho doanh nghiệp là nghẽn ở đâu thì chúng ta thông ở đó, vướng ở đâu thì gỡ ở đó”, ĐBQH Trịnh Xuân An đề xuất.

Ở bất kỳ quốc gia nào, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần nhiều chính sách phối hợp mới đạt hiệu quả. Tương tự ở Việt Nam, chính sách lãi suất cũng chỉ là một phần trong các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. “Ở góc độ chính sách vẫn còn nhiều chính sách khác có thể hỗ trợ sự phục hồi nền kinh tế như: Thúc đẩy đầu tư công hay cần sớm gỡ vướng pháp lý cho các dự án bất động sản. Bởi 70% vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản là từ pháp lý nên cần sớm được khắc phục để khai thông thị trường quan trọng này; cần phải có nhiều biện kích cầu tiêu dùng, tăng nhu cầu nội địa thì mới tạo lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, Tổng giám đốc OCB cho biết.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hiện nay, không thể trông chờ vào một chính sách đơn lẻ có thể thay đổi tất cả, cụ thể ở đây là câu chuyện lãi suất. Đó là chưa kể việc giảm lãi suất cũng cần phải được tính toán cẩn trọng, phù hợp với cả tình hình trong nước và quốc tế, đặc biệt là lạm phát. Nếu giảm sâu quá sẽ có những phản ứng phụ không mong muốn. Vấn đề ở đây là khả năng hấp thụ vốn, là môi trường kinh doanh, doanh nghiệp phải thấy cơ hội kinh doanh thực sự hiệu quả mới vay thêm vốn.

Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, ngành Ngân hàng, sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD, các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Hiện, lãi suất cho vay của các bảng vay mới bình quân hiện khoảng 9,07%, giảm 0,9% so với cuối năm ngoái. “Hệ thống ngân hàng huy động vốn để cho vay nên những khách hàng đủ điều kiện chắc chắn sẽ tiếp cận được vốn tín dụng”, ông Phạm Thanh Hà khẳng định.

Đối với khoản dư nợ hiện hữu, do khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ cho nên NHNN đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Phó Thống đốc khẳng định: sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD triển khai chính sách này để hỗ trợ cho doanh nghiệp có các khoản dư nợ hiện hữu. 

Nhiều chuyên gia ngân hàng đều cho rằng, giải pháp tăng sức cầu của nền kinh tế là rất quan trọng. Do đó, các bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ, thị trường bất động sản, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp.

 

PV/Báo Tin tức
Giảm lãi suất: Hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tín dụng​
Giảm lãi suất: Hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tín dụng​

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành là động thái tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tín dụng giúp nền kinh tế có thể tăng trưởng trong thời gian tới cùng với các chính sách tài khóa của Chính phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN