Giảm cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tăng sản xuất rau an toàn

Chiều 6/1, Đoàn giám sát của Quốc hội do ông Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc cùng UBND thành phố Hà Nội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016”.

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sau khi tiến hành các cuộc khảo sát thực tế trên địa bàn Thủ đô.

* Siết chặt quản lý giết mổ gia súc, gia cầm

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 3 cơ sở giết mổ công nghiệp đang hoạt động, 7 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 4 khu giết mổ thủ công và 1.047 điểm giết mổ nhỏ lẻ. Các lò giết mổ nhỏ lẻ ẩn chứa nguy cơ mất vệ sinh cao, dễ gây phát sinh dịch bệnh trong khi nhiều cơ sở giết mổ công nghiệp và bán công nghiệp của Hà Nội hoạt động cầm chừng hoặc đã ngừng giết mổ. Vì vậy, việc quản lý giết mổ, quản lý vận chuyển, kinh doanh buôn bán động vật, sản phẩm động vật tươi sống còn hạn chế.

Nhân viên Chi cục Thú y kiểm tra, kiểm soát sản phẩm gia cầm tại chợ đầu mối gia cầm thủy cầm Hà Vỹ, xã Hà Vỹ, huyện Thường Tín, Hà Nội. Ảnh: Vũ Sinh /TTXVN

Ông Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, tổ trưởng tổ công tác số 4 (Đoàn giám sát Quốc hội) cho biết, qua khảo sát thực tế tại cơ sở giết mổ ở xã Hữu Văn (huyện Chương Mỹ) nhận thấy, các cơ sở giết mổ ở đây đều nằm trong khu dân cư và chưa đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y.

Cụ thể, các lò giết mổ không có chứng nhận đăng ký kinh doanh, sản phẩm không có dấu kiểm dịch cũng như chưa thực hiện đúng quy trình giết mổ, phương tiện giết mổ thủ công. Việc vận chuyển gia súc không đúng quy định, lợn sau giết mổ được vận chuyển bằng xe máy, không được che đậy, bảo quản trong các thiết bị chuyên dụng. Chất thải từ quá trình giết mổ (nước thải, chất thải rắn, khí thải...) chưa được phân loại, xử lý theo quy định dẫn tới ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020. Hà Nội phấn đấu giai đoạn 2016-2020, sẽ đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giảm xuống còn 30% cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát nên các điểm, hộ giết mổ thủ công nằm trong khu dân cư không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và không được kiểm soát chiếm tỷ lệ cao. Bản thân các hộ giết mổ chưa nhận thức đúng về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm mà chỉ chạy theo lợi ích trước mắt nên chưa ủng hộ việc đưa động vật vào giết mổ tập trung…

Theo ông Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, qua thực hiện kiểm tra các cơ sở giết mổ trên địa bàn Hà Nội của Đoàn giám sát Quốc hội cho thấy tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm rất đáng lo ngại. Chính vì vậy, công việc quan trọng và cấp bách hiện nay là thành phố cần siết chặt công tác tổ chức và quản lý giết mổ trên địa bàn. Đặc biệt, cần tập trung xây dựng các khu giết mổ tập trung để hạn chế đến mức tối đa nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

*Quy hoạch vùng rau an toàn

Qua khảo sát thực tế tại 2 vùng trồng rau thuộc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Ba Chữ (xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội) và cơ sở trồng rau Tiền Yên (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội) kết hợp với khảo sát tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố, Đoàn giám sát nhận định, sản xuất rau an toàn theo chuỗi là hướng đi đúng đắn mà Hà Nội cần hướng tới. Tuy nhiên, thực tế triển khai còn nhiều khó khăn, nan giải.

Hiện nay, tổng diện tích canh tác rau của Hà Nội là 12.000 ha, trong đó có 5.044 ha được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, 224 ha rau VietGAP và gần 50 ha rau hữu cơ. Thành phố đã xây dựng 8 cơ sở sơ chế gắn với vùng sản xuất tập trung và 64 cơ sở sơ chế nhỏ của hợp tác xã và doanh nghiệp.

Một số cơ sở trồng rau bước đầu đã áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đây là điểm tiến bộ của thành phố Hà Nội, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, thành viên tổ giám sát số 1 nhận định. Tuy nhiên, những mô hình sản xuất này còn manh mún, chưa đạt hiệu quả cao. Muốn nâng cao năng suất và chất lượng sản xuất rau an toàn, nhiệm vụ quan trọng nhất là thành phố phải làm tốt khâu quy hoạch vùng sản xuất tập trung.


Quy hoạch vùng sản xuất hợp lý cũng là ý kiến của hầu hết các đại biểu trong Đoàn giám sát. Đoàn giám sát đã đi thực tế tại cơ sở trồng rau Tiền Yên. Cơ sở này có tổng diện tích trồng rau là 33 ha, trong đó có 2,5 ha trồng lưới. Từ năm 2014, cơ sở đã cải thiện hệ thống giao thông, tưới tiêu và tiến hành sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP nên năng suất tăng lên khoảng 2,5 lần so với trước đây, với thu nhập của người dân trồng rau thường vào khoảng 400 triệu/ha, trồng lưới khoảng 700-800 triệu/ha. Cùng với năng suất, giá bán rau cũng tăng khoảng 30% so với trước khi canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP.

Từ thực tế kiểm tra, Đoàn giám sát nhận định: Chất lượng gieo trồng tăng nhưng vấn đề đầu ra cho rau an toàn vẫn là vấn đề nan giải. Hiện nay, các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào khâu sơ chế, tiêu thụ sản phẩm còn ít. Rau sản xuất ra nhưng thiếu đầu mối thu mua, người dân phải tự mang bán tại các chợ đầu mối, chợ cóc, chợ tạm, gây khó khăn cho công tác quản lý. Chính vì thế, để duy trì và nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn, ngoài quy hoạch vùng sản xuất, thành phố Hà Nội cần hỗ trợ người dân trong thu mua, tiêu thụ sản phẩm.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã đánh giá vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu hiện nay của Việt Nam, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội – nơi tập trung đông dân cư hàng đầu cả nước. Vì vậy, cần có giải pháp hiệu quả đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn, để Hà Nội xứng đáng là trung tâm chính trị - văn hóa – xã hội, là thành phố đáng sống đối với mọi người dân.

Tiếp thu các ý kiến của Đoàn giám sát, ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, thành phố đã nỗ lực giải quyết các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể, thành phố đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm, đặc biệt là quy hoạch xây dựng lò giết mổ tập trung, đồng thời kêu gọi các hộ giết mổ nhỏ lẻ thay đổi tư duy, tham gia vào công cuộc giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm chung của thành phố.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã và đang mở rộng quy hoạch vùng trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Thành phố cũng đã kí kết hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước, tiến tới sản xuất sản phẩm theo chuỗi, rõ nguồn gốc xuất xứ. Thành phố cũng kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ xây dựng chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh với quy trình công nghệ hiện đại. Đồng thời, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiên tiến vào sản xuất và chế biến thực phẩm...

Hà An – Mai Linh (TTXVN)
Tăng giám sát thực hiện chính sách an toàn thực phẩm
Tăng giám sát thực hiện chính sách an toàn thực phẩm

Ngày 4/1, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã làm việc với UBND tỉnh để nghe báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN