Giải pháp cho xử lý nợ xấu

Hiện nay, các ngân hàng (NH) đều cho biết nợ xấu đang ở dưới mức 3%, đạt yêu cầu mà NH Nhà nước (NHNN) đã quy định. Thế nhưng, trên thực tế nợ xấu chỉ chuyển từ NH sang Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Trong khi đó, nợ xấu VAMC mua về chỉ mới được xử lý chưa tới 10% trong tổng số nợ xấu hơn 210.000 tỷ đồng.

Chưa xử lý thực chất

Đến thời điểm hiện tại, nhiều NH như Sacombank, Eximbank, Nam Á Bank, Vietcombank... đã công bố ngày họp đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của mình, tập trung chính vào tháng 4/2016. Theo các báo cáo được đưa ra trước thềm đại hội, nợ xấu hầu hết được xử lý ở mức “khá đẹp”, dưới 3%. Thậm chí, nhiều NH như Sacombank, SCB... nợ xấu còn được kéo về mức dưới 2% hoặc 1%. Tỷ lệ đã về con số được coi là an toàn.

Tài sản bảo đảm bằng bất động sản đang là nợ xấu rất khó giải quyết đối với các ngân hàng hiện nay.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là những khoản nợ xấu NH tuy giảm, nhưng thực chất lại “tồn” ở VAMC. Theo quy định, nếu VAMC không xử lý được thì các NH phải nhận lại sau 5 năm. Điều này có nghĩa nợ xấu vẫn là tiềm ẩn, chứ không hề đẹp như các tỷ lệ được báo cáo. TS Bùi Quang Tín, ĐH NH TP Hồ Chí Minh, lo ngại: “Nếu sau 5 năm khoản nợ mà VAMC mua của các NH không bán được để thu hồi vốn thì món nợ xấu đó sẽ quay trở lại NH. Khi đó, nợ xấu sẽ trở thành rất xấu, không thể xử lý được. Điều này có nghĩa dù nợ xấu được chuyển giao sang VAMC, song trách nhiệm chính về khoản nợ vẫn thuộc về các NH”.

Ngoài ra, xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) của các khoản nợ xấu cũng rất khó vì phần lớn không được nhiều khách hàng hỗ trợ. Trong khi, các tổ chức tín dụng (TCTD) lại không lường được hết những khó khăn khi ký kết hợp đồng tín dụng với khách hàng nên không thể tiến hành phát mãi ngay TSBĐ được. Có thể kể đến một số trường hợp như: TSBĐ tuy thuộc sở hữu của bên bảo đảm, nhưng lại là tài sản đang thuộc diện di sản thừa kế, đang bị kê biên để thi hành án, hoặc tài sản đang trong quá trình giải quyết tranh chấp với một bên thứ ba phát sinh sau khi ký kết hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp.

Đề xuất các giải pháp

Có thể thấy, thời gian 5 năm đã đi qua gần nửa chặng đường, nhưng nợ xấu vẫn là điểm nghẽn của chính sách. PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã từng ví von: “Nợ xấu như con chó dữ, vì đây là loại nợ xấu khó có thể xử lý được bình thường, và không thể giải quyết được triệt để mà đến kỳ lại phải “thả” ra. Do đó, lũy kế nợ xấu VAMC mua được 210.000 tỷ đồng, nhưng số nợ thu hồi được chỉ mới 13.000 tỷ đồng”.

“NHNN nên cho phép một số NH nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, quản trị doanh nghiệp tốt mua lại những NH yếu kém. Những NH yếu kém là những NH có quản trị kinh doanh yếu kém, có tỷ lệ nợ xấu rất cao”.

TS Bùi Quang Tín

Để giải quyết tình trạng này, NHNN đã ban hành Thông tư 14/2015/TT - NHNN, mở ra kỳ vọng mới về tiến trình xử lý nợ xấu của VAMC thông qua việc quy định chi tiết về việc mua lại nợ xấu theo giá thị trường. Mặc dù vậy, với vốn điều lệ mới 2.000 tỷ đồng, việc mua nợ theo giá thị trường của VAMC vẫn gặp nhiều hạn chế ở giá trị và khối lượng các khoản nợ xấu có thể mua. Chính vì vậy, mới đây VAMC cũng đã đề xuất NHNN tăng vốn điều lệ thêm 1.500 tỷ đồng để tạo điều kiện cho phương án mua nợ theo giá thị trường. Cùng với đó, theo thông tư, VAMC có quyền chủ động hơn đối với việc định giá các khoản nợ và bán nợ xấu. Tuy nhiên, các quy định về pháp lý liên quan đến xử lý TSBĐ (đặc biệt là TSBĐ bằng bất động sản) vẫn gây cản trở đối với việc bán nợ của VAMC.

Trước tình hình trên, TS Bùi Quang Tín đề xuất các giải pháp để giải quyết hiệu quả nợ xấu gồm: Thứ nhất, cần thay đổi khung pháp lý để giải quyết đối với trường hợp TSBĐ khác, không phải là quyền sử dụng đất thì TCTD vẫn có quyền chuyển nhượng hoặc bán đấu giá khi chưa có sự chấp thuận của khách hàng, trong trường hợp khách hàng không có khả năng trả được lãi và/hoặc nợ gốc. Thứ 2, tăng vốn điều lệ của VAMC để hoạt động của VAMC thực chất tuân theo cơ chế thị trường (mua bán nợ xấu theo giá thị trường). Thứ 3, các NH cần chủ động tăng mức trích lập dự phòng các khoản nợ xấu, chấp nhận giảm lợi nhuận hoặc thua lỗ.

Việc làm này sẽ giúp NHTM nhanh chóng bù đắp tổn thất, giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, có thể giảm quỹ lương nhưng làm tăng khả năng tài chính nội tại của NH. Thứ 4, thực hiện chứng khoán hóa các khoản nợ khó đòi của các NH theo 2 phương pháp: Nếu doanh nghiệp có lịch sử quản trị kinh doanh tốt, đang gặp khó khăn về nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc do các dự án đầu tư đang triển khai chưa đi vào hoạt động... có thể chuyển một phần nợ gốc thành trái phiếu trung hạn. Điều này nhằm hỗ trợ thanh khoản và giúp doanh nghiệp tồn tại, phát triển. Phương pháp thứ hai là chuyển nợ quá hạn, nợ xấu thành cổ phần. Đồng thời, chuyển vị thế các NH đang là chủ nợ thành cổ đông lớn nắm đa số cổ phần nếu nhận thấy sau tái cấu trúc doanh nghiệp có khả năng tồn tại và phát triển. Đây là cách thức xử lý khá phổ biến theo thông lệ thế giới.

Bài và ảnh: Hải Yên
Nợ xấu chồng chất tại các ngân hàng Trung Quốc
Nợ xấu chồng chất tại các ngân hàng Trung Quốc

Ngân hàng là lĩnh vực gánh chịu nhiều tác động nhất bởi tình trạng kinh tế Trung Quốc giảm tốc, với lợi nhuận tăng chậm lại trong khi tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng lên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN