Xăng tăng giá tác động không nhỏ đến các dịch vụ vận tải, đặc biệt là những người thường xuyên sử dụng ô tô, xe máy để mưu sinh như các tài xế, xe ôm công nghệ. Anh Nguyễn Văn Cường, một lái xe ôm công nghệ cho biết, xăng tăng từ 22.000 đồng rồi lên 26.000 đồng giờ lên hơn 30.000/lít là cao quá.
Trước đây giá xăng chỉ có hơn 20.000 đồng/lít, thu nhập một ngày được khoảng 150.000 – 200.000 đồng nhưng giờ giá xăng tăng nên thu nhập trừ chi phí chỉ còn từ 120.000-140.000 đồng. Nếu mọi khi thu nhập được khoảng 200.000 đồng có thể mua gạo, thịt, rau nhưng giờ tiền xăng chiếm mất 1/3 nên ăn uống cũng phải giảm đi.
Giá xăng tăng không chỉ các bác lái xe công nghệ lo lắng, mà ngay cả các tiểu thương buôn bán tại các chợ truyền thống cũng phàn nàn, khi giá cả tăng lên từng ngày, lượng khách mua lại không tăng nếu tăng giá các mặt hàng lên thì lại không có người mua.
Bác Phạm Thị Hoàn, tiểu thương chợ Nguyễn Công Trứ, ở quận Hai Bà Trưng - Hà Nội cha sẻ, mặt hàng nào cũng được điều chỉnh tăng giá nguyên nhân là do chi phí vận chuyển tăng cao. Nếu không tăng giá thì không có lãi nhưng nếu tăng nhiều quá thì lại không có khách mua. Vào thời điểm này, kinh doanh rất khó khăn, vì 2 năm qua đã bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 rồi nay giá xăng lại tăng chóng mặt.
Qua khảo sát tại các chợ truyền thống như chợ Hôm Đức Viên, Mùng 8/3, Trại Găng, Kim Liên, Nguyễn Công Trứ, Thành Công, Hàng Bè... thấy giá các loại rau xanh, củ quả đều tăng giá mạnh, như bắp cải tăng từ 7.000 - 15.000 đồng/kg; cải xoong từ 10.000 - 15.000 đồng/mớ; khoai tây từ 10.000 -17.000 đồng/kg, rau cần 7000 -15.000 đồng/mớ, xà lách 18.000 - 32.000 đồng/kg, cải thảo từ 8.000 - 14.000 đồng, cải canh từ 5.000 - 10.000 đồng/mớ, rau ngót từ 6.000 - 10.000 đồng/mớ, bí xanh từ 12.000 - 25.000 đồng/kg, cà rốt từ 2.000 - 5.000 đồng/củ, rau muống từ 10.000 - 25.000 đồng/mớ, dưa chuột từ 13.000 - 25.000 đồng/kg, rau cải cúc từ 4.000 - 8.000 đồng/mớ, cà chua có giá từ 8.000 - 15.000 đồng/kg...
Bên cạnh đó, các mặt hàng thịt lợn, cá, tôm cũng tăng như, sườn non từ 155.000 đồng/kg tăng lên 185.000 đồng/kg, ba rọi, nạc vai phổ biến ở mức 140.000 - 160.000 đồng/kg, nạc thăn từ 130.000 đồng/kg lên thành 150.000 đồng/kg. Tương tự, đối với mặt hàng thịt bò như thăn, phi lê, dẻ sườn... đang phổ biến trong khoảng 250.000 - 350.000 đồng/kg tùy loại; trong đó, giá thịt gầu bò ở mức 280.000 đồng/kg, thịt bò phi lê 350.000 đồng/kg, tôm 300.000 - 450.000 đồng/kg, cá trắm đen 75.000 - 120.000 đồng/kg….
Giá cả tăng khiến các bà nội trợ cũng phải đau đầu tính toán chi li cho từng bữa ăn gia đình, vừa đảm bảo sức khỏe vừa hợp túi tiền. Chị Trịnh Thu Hằng, ở phố Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, mặc dù biết khi xăng tăng giá sẽ kéo theo giá cả leo thang, song trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng từ dịch COVID -19, điều này đang khiến cuộc sống của gia đình chị bấp bênh hơn.
“Ra chợ những ngày này thấy mặt hàng nào cũng tăng giá, từ thịt cá cho đến rau cỏ, mắm muối… trong khi lương của chúng tôi vẫn thế. Kiếm tiền thì ngày càng khó khăn, đi làm bây giờ chỉ mong đủ ăn là mừng”, chị Hằng than thở.
Lý giải về vấn đề giá rau xanh tăng mạnh trong những ngày, theo anh Nguyễn Văn Bính, ở xã Vân Nội, huyện Đông Anh (Hà Nội), do thời tiết Hà Nội mấy hôm nay mưa lớn kéo dài, cùng với giá cả vật tư nông nghiệp như phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, nên chi phí bỏ ra để chăm sóc cây rau màu cũng tăng mạnh.
Để thích ứng với tình hình giá cả các mặt hàng vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ tăng cao do biến động của thị trường thế giới, ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, Hà Nội khuyến khích bà con chuyển hướng sang sử dụng phân bón hữu cơ tự ủ thay cho phân bón vô cơ, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất như che phủ ni lông, nhà lưới, nhà màng...
Để giảm chi phí sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Phương khuyến cáo người nông dân cần tìm các biện pháp thay thế, cũng như sử dụng các loại phân bón khác và thực hiện "5 đúng" là: bón đúng chủng loại phân, bón đúng nhu cầu sinh lý của cây, bón đúng nhu cầu sinh thái, bón đúng vụ và thời tiết, bón đúng phương pháp...
Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay, giá vật tư nông nghiệp, phân bón tăng mạnh làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Để hỗ trợ nông dân, Sở đã nghiên cứu, thực hiện nhiều giải pháp; trong đó, trước hết, tạo điều kiện cho các hợp tác xã, hộ nông dân liên kết tiếp cận nguồn vật tư nông nghiệp trực tiếp tại các nhà máy sản xuất.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tăng cường hướng dẫn nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Đồng thời, tận dụng rác thải hữu cơ trong sinh hoạt để ủ thành phân hữu cơ; ứng dụng công nghệ vận hành hệ thống tưới nước và phân bón nhỏ giọt tự động trên các loại cây trồng, mô hình công nghệ cao.
Ngoài ra, các trang trại chăn nuôi tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có (cám, ngô, bã đậu, rau xanh, phụ phẩm nông nghiệp...) thay thế một phần nguồn thức ăn hỗn hợp mua từ thị trường; chủ động liên kết với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi để mua cám tận gốc, bảo đảm sản xuất không bị đình trệ do vật tư tăng cao.
Đặc biệt, Hà Nội đang thúc đẩy các mô hình sản xuất tuần hoàn, thuận theo tự nhiên. Thời gian tới, đối với từng loại hình sản xuất, ngành nông nghiệp sẽ xây dựng hành lang kỹ thuật và phổ biến rộng rãi để các hộ nông dân có thể áp dụng thông qua các mô hình khuyến nông mới. Mỗi năm, các địa phương của Hà Nội sẽ có từ 1-5 mô hình sản xuất tuần hoàn điểm, phù hợp với địa hình canh tác, tập quán sản xuất của người dân... làm cơ sở để nhân rộng.