Giá vàng vẫn tăng vượt mốc đỉnh 86,5 triệu đồng/lượng

Trong phiên đầu giờ sáng 7/5, giá vàng SJC tiếp tục tăng “phi mã”, vuợt mốc kỷ lục với giá bán là 86,52 triệu đồng/lượng, tăng tới 700.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cùng thời điểm sáng 6/5. So với giá thế giới, giá vàng miếng của SJC vẫn cao hơn 14,182 triệu đồng/lượng. 

Chú thích ảnh
Vàng trang sức được bày bán tại một cửa hàng kinh doanh vàng Bảo Tín Minh Châu. Ảnh: Trần Việt/ TTXVN

Một số phiên đấu thầu vàng không thành công thời gian qua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã không thỏa mãn được “cơn khát” nguồn cung vàng trên thị trường, khiến chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế vẫn cao. 

Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, giá vàng SJC mua vào – bán ra hiện ở mức 84,30 – 86,50 triệu đồng/lượng, tăng 800.000 đồng/lượng mua vào và 600.000 đồng/lượng bán ra so với sáng 6/5. 

Còn ở Bảo Tín – Minh Châu, giá vàng SJC mua vào – bán ra là 84,35 - 86,45 triệu đồng/lượng, tăng 650.000 đồng ở cả 2 chiều; Phú Quý SJC thu mua vàng miếng với giá 84,3 triệu đồng/lượng và bán ra 86,5 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 đồng ở cả 2 chiều so với đầu phiên sáng 6/5.

Giá vàng thương hiệu Doji tăng 800.000 đồng/lượng mua vào và 100.000 đồng/lượng bán ra với giao dịch 84,30 - 85,80 triệu đồng/lượng bán ra. Giá vàng miếng PNJ cũng được điều chỉnh tăng 800.000 đồng mua vào và 600.000 đồng bán ra, giao dịch 84,30 - 86,50 triệu đồng/lượng.

Tại Vietinbank, giá vàng SJC niêm yết 84,30 - 86,52 triệu đồng/lượng, tăng 800.000 đồng/lượng mua vào và 600.000 đồng/lượng bán ra so với sáng 6/5. 

Thời gian qua, dù NHNN đã liên tục tổ chức các phiên đấu thầu vàng nhằm tăng cung vàng, rút ngắn độ vênh giữa giá vàng trong nước và quốc tế, góp phần hạ nhiệt giá vàng SJC trong nước nhưng nghịch lý, NHNN đấu thầu, giá vàng vẫn tăng “phi mã”. 

Chuyên gia vàng, ông Trần Duy Phương, cho biết: Sau 4 lần tổ chức đấu thầu, đến nay chỉ một phiên đấu thầu ngày 23/4 diễn ra theo kế hoạch với kết quả là 2 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng 34 lô (3.400 lượng).

“Những đơn vị trúng thầu vừa qua thực chất là mua để bù vào lượng vàng đã bán, chứ không phải mua để tăng cung ra thị trường. Mặc dù giá vàng trong nước chịu tác động tới 70 - 80% từ giá thế giới nhưng việc khan hiếm nguồn cung vẫn có thể khiến giá bị đẩy lên cao. Vì thế, dù giá thế giới giảm nhưng giá trong nước vẫn đi lên là điều dễ hiểu”, ông Trần Duy Phương nhận định.

Chuyên gia kinh tế, PGS TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng: Nguyên nhân giá vàng SJC vẫn tăng mạnh thời gian qua một phần do tâm lý người mua. "Họ nghĩ rằng, đấu thầu vàng không thuận lợi tức là không tăng được nguồn cung ra thi trnờng. Cung không tăng, giá vàng sẽ tăng. Yếu tố tâm lý sẽ kích thích nguồn cầu ngày cao khiến giá vàng tăng. Ngoài ra, cũng có thể doanh nghiệp kinh doanh vàng đẩy giá do chịu sức ép của tình trạng thiếu hụt nguồn cung, chi phí nhập vàng cao", ông Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Việc quy định đấu thầu của NHNN hiện còn cứng nhắc, ví dụ yuê cầu doanh nghiệp phải đặt mua tối thiểu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng là điều kiện quá khó cho các doanh nghiệp. NHNN nên cân nhắc sửa điều kiện này, chỉ cần đáp ứng 4 - 5 lô, tức là 400 - 500 lượng vàng.

“Nếu không thể đấu thầu vàng thành công đồng nghĩa không thể tăng cung được ra thị trường, tiếp tục tạo áp lực kéo giãn khoảng cách giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, đi ngược với mục tiêu bình ổn giá vàng đã đề ra", chuyên gia Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.

Minh Phương/Báo Tin tức
Giá vàng thế giới bật tăng sau tín hiệu từ kinh tế Mỹ
Giá vàng thế giới bật tăng sau tín hiệu từ kinh tế Mỹ

Giá vàng thế giới tăng hơn 1% trong phiên ngày 6/5, do đồng USD suy yếu sau khi dữ liệu việc làm của Mỹ thấp hơn dự kiến, làm tăng kỳ vọng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN