Giá vàng giao ngay tăng 0,3%, lên 1.286,18 USD/ounce vào lúc 14 giờ 12 phút theo giờ Việt Nam, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 5/6/2018 là 1.287,31 USD/ounce trước đó cùng phiên.
Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,5%, lên 1.288,10 USD/ounce.
Nhà phân tích về hàng hóa Lu Jiaxuan thuộc Phillip Futures cho rằng giá vàng đang được hỗ trợ khi tâm lý chung của nhà đầu tư rất bất ổn và lòng tin thị trường vẫn yếu do những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Chỉ số đồng USD, thước đo giá trị của đồng bạc xanh so với rổ các đồng tiền mạnh khác - đã ở gần mức thấp nhất trong hai tháng được ghi nhận vào phiên trước. Đồng USD yếu hơn khiến vàng rẻ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác.
Trong khi đó, chứng khoán châu Á cũng mất điểm trong phiên giao dịch đầu tiên của Năm Mới, khi số liệu kinh tế gây thêm thất vọng của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã khiến nhà đầu tư thận trọng.
Chỉ số nhà quản lý mua hàng của Trung Quốc tháng 12/2018, theo khảo sát của Caixin và Markit, giảm xuống 49,7 điểm, so với mức 50,2 điểm trong tháng 11/2018, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ tháng 5/2017, sau khi một loạt số liệu thương mại của các nước châu Á khác cũng kém khả quan.
Giám đốc nghiên cứu của Nirmal Bang Commodities ở Mumbai (Ấn Độ), Kunal Shah, cho rằng những lo ngại về kinh tế toàn cầu cùng với những bất ổn địa chính trị cho thấy việc vàng lên giá chỉ là vấn đề thời gian.
Các thị trường đang chờ xem Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell sẽ có quan điểm ra sao về triển vọng kinh tế Mỹ và kế hoạch tăng lãi suất trong năm 2019, khi ông tham dự cuộc thảo luận với các cựu Chủ tịch Fed là bà Janet Yellen và ông Ben Bernanke vào cuối tuần này. Thị trường cũng đang chờ kết quả khảo sát về hoạt động chế tạo của Mỹ dự kiến được công bố ngày 3/1, tiếp đến là báo cáo việc làm ngày 4/1.
Có nhận định cho rằng chu kỳ tăng lãi suất kéo dài ba năm tại Mỹ sẽ kết thúc khi Fed không tăng lãi suất một lần nào trong năm tới. Nếu dự đoán này là đúng, kim loại quý không sinh lời như vàng sẽ được lợi.