Giá thực phẩm không biến động nhiều

Mọi năm, từ lễ ông Công, ông Táo, giá thực phẩm đã có sự biến động mạnh. Tuy nhiên năm nay, do sức mua không cao, mặc dù đã cận Tết nhưng theo ghi nhận của phóng viên Tin Tức, giá thực phẩm không có có nhiều biến động như mọi năm. Bộ Công Thương cho biết: Hàng hóa phục vụ Tết năm nay rất dồi dào, chủng loại hàng hóa khá đa dạng, giá cả không tăng nhiều.


Chợ biến động nhẹ, siêu thị giữ giá


Trong 2 ngày qua, giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ vẫn cơ bản ổn định. Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức chiều 26/1, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết: Thời tiết thuận lợi đã tác động tốt đến nguồn cung thực phẩm tươi sống và rau xanh; hàng hóa dồi dào, sức mua yếu đã khiến giá cả không “sốt” như các dịp Tết trước.

Mua sắm mứt Tết tại phố Hàng Buồm, Hà Nội.


Khảo sát của phóng viên Tin Tức, các chợ đầu mối phía Nam, chợ Dịch Vọng, chợ Long Biên (Hà Nội) mỗi đêm tiếp nhận hàng chục xe tải đưa hàng về cung cấp, nên ngoài nguồn cung từ các huyện ngoại thành Hà Nội, các đầu mối cung cấp còn khai thác một lượng lớn từ các tỉnh, thành khác trong dịp Tết này. Chính vì nguồn cung phong phú nên giá cả các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh không biến động nhiều.


Theo đó, giá thịt lợn vẫn giữ nguyên như đầu tháng 1/2014, dao động ở mức 80.000 - 100.000 đồng/kg tùy loại; thịt thăn, sườn thăn 100.000 đồng/kg, thịt mông 80.000 đồng/kg. Giá thịt gà cũng ổn định, gà ta sống 110.000 đồng/kg, gà đồi 150.000 đồng/kg, gà công nghiệp làm sẵn 80.000 đồng/kg. Các loại hải sản tươi sống vẫn giữ mức giá cũ: cá trắm 70.000 đồng/kg, rô phi 50.000 đồng/kg, tôm lớp 250.000 đồng/kg. Giá bán các loại rau xanh ở mức thấp do thời tiết thuận lợi. Cụ thể: su hào 2.000 đồng/củ, bắp cải 7.000 đồng/cây, rau cần 3.000 đồng/mớ, cải cúc 2.000 đồng/mớ, cà chua 12.000 đồng/kg, khoai tây 13.000 đồng/kg...


Tuy nhiên, mặt hàng thịt bò đã tăng mạnh tới 20% so với trước. Hiện, bắp bò bán ra với giá 320.000 đồng/kg, phi lê 300.000 đồng/kg, thăn bò 320.000 đồng/kg. Trao đổi với phóng viên Tin Tức, ông Phú cho biết: Cách đây 1 tuần tại chợ Thành Công (Hà Nội), giá thịt thủ gói giò là 100.000 đồng/kg, giờ là 50.000 đồng/kg; trước tôm lớp là 265.000 đồng/kg, giờ là 300.000 - 310.000 đồng/kg; mặt hàng chuối xanh hiện là 65.000 đồng/nải (tăng 15.000 đồng/nải so với tuần trước). Cả biệt, giá cam canh trước là 60.000 đồng/kg thì sáng 26/1, tại các chợ như: Thành Công, Vĩnh hồ, Hoàng Ngọc Phách (Hà Nội) đều đã bán 1 giá thống nhất đến bất ngờ là 100.000 đồng/kg; bia lon Hà Nội bán khá chạy, một số cửa hàng hết hàng do giá phải chăng.


Theo khảo sát của phóng viên Tin Tức ở Hà Nội, giá hàng hóa tại siêu thị không thay đổi so với trước. Dù mức giá hàng hóa nhìn chung ở siêu thị thường cao hơn chợ cóc, chợ truyền thống từ 5 - 10% do chi phí bảo quản, thuế VAT nhưng bù lại, người tiêu dùng thường yên tâm vì hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Giá thịt thăn tại Siêu thị Ocean Mart là 121.000 - 125.000 đồng/kg; thịt bò là 300.000 đồng/kg.


Theo một nhân viên bán hàng tại Siêu thị Hapro E7 - Bách Khoa (Hà Nội), giá các loại hàng hóa, thực phẩm vẫn như trước. Trong đó, giá rau cải xanh 400g là hơn 5.000 đồng/túi; quả bí xanh 13.500 đồng/kg; khoai tây 8.400 đồng/túi. Giá các loại bánh kẹo, bia lon... không biến động nhiều. “Dù sức mua hiện có tăng so với ngày thường từ 1,5 - 2 lần nhưng vẫn vắng so với dịp Tết một vài năm trước”, nhân viên Hapro Bách Khoa nói.


Chia sẻ với phóng viên Tin Tức, nhân viên siêu thị Fivimart ở phố Đại La (Hà Nội) cho biết: Trong 2 ngày nay, mặc dù số lượng người mua đã tăng nhiều so với ngày thường nhưng nếu so với thời điểm Tết năm ngoái thì vẫn giảm khoảng 2 - 3 lần. Sức mua tại siêu thị đã nhích lên nhưng nhiều người tiêu dùng chỉ mua những thứ thật sự rất cần thiết, hoặc mua nhỏ lẻ chứ không có xu hướng mua nhiều, tích trữ.


Theo dự báo của lãnh đạo Hiệp hội siêu thị Hà Nội, doanh số bán hàng tại các chợ cóc, chợ truyền thống chỉ bằng 80% so với năm trước; còn tại siêu thị, ước doanh số sụt giảm 5 - 7%. Lường trước được sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu, thu nhập giảm nên cách đây 1,5 tháng, nhiều nhà cung cấp cũng chỉ sản xuất dè chừng, sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đấy. Còn tại phần lớn các siêu thị chỉ nhận bán hàng theo hình thức ký gửi hoặc bán hết đến đâu, gọi hàng tới đó.


Hàng tươi sống sẽ tăng vào 2 ngày cận Tết


Mặc dù hiện nay, các mặt hàng thiết yếu khác đỗ xanh, gạo nếp, miến, mộc nhĩ, đồ hộp, bánh mứt kẹo... đã được mua bán sôi động nhưng theo đánh giá của các tiểu thương có kinh nghiệm bán hàng lâu năm, người tiêu dùng thường sắm hàng tươi sống muộn nên giá cả nếu có biến động trong hai ngày cận Tết.


Đồng tình quan điểm này, đại diện Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết: Giá siêu thị tương đối ổn định trong dịp Tết nhưng tại chợ cóc, chợ tạm, chợ truyền thống vẫn tiềm ẩn nguy cơ biến động cho đến 29 Tết. “Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên có cái nhìn tiêu cực về sự tăng giá này vì vào những ngày 28, 29 Tết, mọi người đã được nghỉ ngơi ở nhà, bày biện, dọn dẹp thì nhiều tiểu thương vẫn phải buôn bán hàng nên giá có tăng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Cá nhân tôi cho rằng, các tiểu thương cũng chỉ nên tăng 5 - 10% là hợp lý để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng đang phải thắt chặt chi tiêu”, ông Phú nói.


Không ít chuyên gia thương mại dự báo: Đến ngày 28 - 29 Tết: một số mặt hàng tươi sống chắc chắn sẽ có khả năng tăng giá thêm. Trong đó, mặt hàng rau xanh, hoa quả, các loại thủy sản như cá trắm, cá chép, tôm... có thể tăng từ 10 - 20%. Riêng mặt hàng gà ta phục vụ nhu cầu cúng lễ đêm Giao thừa có thể tăng giá từ 20 - 30%.


Minh Phương - Đinh Thuận

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN