Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trang trại chuyển sang nuôi gia công

Tỉnh Đồng Nai hiện có gần 500 trang trại nuôi lợn, gà do khó khăn về nguồn vốn nên đã chuyển sang nuôi gia công cho các công ty. Tuy nhiên, khi nuôi gia công, nếu không tính toán kỹ, người nuôi sẽ thua thiệt.

“Đầu vào” cao vọt, “đầu ra” bấp bênh

Theo các chủ trang trại chăn nuôi lợn, gà, từ đầu năm đến nay, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) đã điều chỉnh giá tăng khoảng 5 - 6 lần, mỗi lần tăng từ 4.000 - 6.000 đồng/bao (25 kg). Điều này làm cho những trang trại có thâm niên trong nghề chăn nuôi từ 10 - 20 năm cũng lo ngại, phải giảm đàn.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, gây áp lực cho các trang trại nuôi lợn. Ảnh: Nguyên An


Chỉ tính từ đầu tháng 5/2011 đến nay, giá TACN được các công ty điều chỉnh tăng 1 - 2 đợt (tùy theo nhà sản xuất), tương đương 300 - 500 đồng/kg. Hiện giá TACN bình quân khoảng 13.000 đồng/kg, cộng cả tiền con giống, thuốc thú y, điện nước, công chăm sóc tăng, đã đẩy giá thành của 1 kg lợn hơi ước khoảng 45.000 - 46.000 đồng. Hiện giá lợn hơi từ 52.000 - 53.000 đồng/kg, người nuôi có lãi 600.000 - 800.000 đồng/tạ, thế nhưng các chủ trang trại vẫn không mặn mà với việc đầu tư mở rộng chăn nuôi, vì lo sợ thời gian tới, giá lợn hơi sẽ còn giảm trong khi giá TACN không giảm.

Trong khi đó, liên tục gần 1 năm nay, người chăn nuôi lợn, gà từ trang trại đến nhỏ lẻ trong tỉnh phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ từ dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, khó phòng trừ, trong khi giá bán lợn, gà lại bấp bênh, đa số chi phí đầu vào đều tăng từ 20-30%. Ông Nguyễn Quang ở ấp Đông Kim, xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), cho hay: "Từ cuối năm 2010 đến nay, giá TACN chỉ tăng chứ không giảm, dù có thời điểm giá nguyên liệu trên thế giới giảm mạnh. Tại thời điểm này, chăn nuôi lợn, gà vẫn có lãi, song đa số các trại đều bất an vì lo giá lợn, gà chỉ giữ mức cao trong một thời gian ngắn rồi lại giảm sâu".

Theo các công ty sản xuất TACN, do giá xăng dầu, nhân công tăng cao nên chi phí sản xuất, vận chuyển nguyên liệu bị đội lên. Vì vậy, nếu họ không điều chỉnh tăng giá TACN thì sẽ bị lỗ. Ông Nguyễn Văn Nhựt, Giám đốc Công ty CP Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc Proconco ở KCN Biên Hòa 1, cho biết: "Thời gian qua, giá điện, xăng dầu tăng cao buộc các doanh nghiệp sản xuất TACN phải tăng giá bán”.

Tuy nhiên, ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Thanh Bình, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho rằng: "Giá TACN thời điểm này so với giá lợn là phù hợp, vì cứ 1 kg lợn hơi xuất chuồng người nuôi lãi từ 6.000 - 8.000 đồng. Hiện giá khô đậu nành trên thị trường thế giới đang giảm mạnh và một số nguyên liệu chính khác phải nhập khẩu có xu thế giảm. Các công ty sản xuất TACN trong nước đa số không bị tồn kho, thời gian tới có thể giá TACN sẽ ổn định, không tăng. Vì nếu tăng nữa trong khi giá lợn, gà giảm, người chăn nuôi không có lời sẽ giảm đàn, ngưng chăn nuôi thì SX-KD của các công ty sẽ bị ảnh hưởng nặng nề".

Thấp thỏm nuôi gia công

Theo Chi cục Thú y Đồng Nai, tuy chăn nuôi lợn, gà hiện nay lãi khá cao nhưng đa số các trang trại đều không dám đầu tư khôi phục và tăng đàn vì thiếu vốn, vay ngân hàng lãi suất quá cao, lo ngại giá lợn, gà không ổn định, dịch bệnh nhiều, công thuê thợ cao... Do đó, nhiều trang trại chỉ dám nuôi 1/3 - 1/2 công suất, có trại chuyển qua nuôi gia công hoặc cho các công ty thuê lại chuồng trại và làm người nuôi thuê để giảm bớt rủi ro.

Gần đây, số trang trại nuôi lợn nái, lợn thịt gia công cũng tăng nhanh. Sở dĩ người dân chuyển qua nuôi gia công nhiều là do thời gian qua dịch bệnh, giá cả xuống thấp hơn giá thành sản xuất nên phần lớn các trang trại thiếu vốn, không đủ sức tự đầu tư khôi phục đàn.

Dù chăn nuôi gia công được các công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi và một phần vốn, thuốc thú y, nhưng nếu các trang trại không có kinh nghiệm quản lý, chăn nuôi tốt để giảm hao hụt đàn, lượng thức ăn và các chi phí đầu vào khác... thì sẽ khó có lãi. Bà Nguyễn Thị Lan, chủ trang trại nuôi lợn gia công ở ấp 2, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) nói: "Nuôi gia công lợi nhuận thấp nhưng bớt rủi ro, vì không phải bỏ vốn nhiều. Nhưng nếu chăn nuôi không tốt, lợn chậm lớn, thâm hụt quá lượng TACN công ty quy định thì sẽ hết lãi".

Ngoài ra, các trang trại nuôi gia công còn phải lo đủ thứ, như khi không may gặp phải đợt giống phía công ty cung cấp không đảm bảo chất lượng, thời tiết mưa nắng bất thường, lợn, gà sẽ thường xuyên bị bệnh, chậm lớn, làm tiêu tốn TACN nhiều hơn thì xem như cầm chắc lỗ trong tay.

Bà Đỗ Thị Mai, chủ trang trại lợn ở ấp 3, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom), cho biết: "Do thiếu vốn, tôi mới hợp đồng nuôi gia công lợn giống cho Công ty CP, mỗi tháng cung cấp khoảng 3.000 con lợn con. Với giá lợn giống như hiện nay, nếu chăn nuôi độc lập sẽ lãi 200.000 - 250.000 đồng/con, song nuôi gia công, trừ mọi chi phí chỉ lời gần 100.000 đồng/con. Tuy nhiên, cũng có lứa lợn tôi phải chịu lỗ không ít, vì tỷ lệ hao hụt đàn lớn, chi phí điện, dầu và lãi suất ngân hàng khá cao".

Lê Hiền

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN