Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chủ trang trại cầm cự

Giá thức ăn chăn nuôi đã tăng gần gấp đôi so với cuối năm ngoái, bên cạnh đó các chi phí khác như: Điện, nước, nhân công, con giống và lãi suất ngân hàng cũng tăng theo khiến nhiều trang trại chưa dám tiếp tục đầu tư sản xuất.

Dè dặt đầu tư

Theo phản ánh của các chủ trang trại ngoại thành Hà Nội, giá thức ăn chăn nuôi hiện đã tăng từ 30 – 50% so với thời điểm cuối năm ngoái.

Ông Nguyễn Văn Phúc, chủ một trại nuôi lợn có 1.000 con tại xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết: “Giá thức ăn chăn nuôi đã tăng gần 50% so với năm ngoái, ví dụ cám 52S của Công ty Thức ăn chăn nuôi CP năm ngoái có giá 220.000 đồng/bao 25 kg, hiện giờ đã tăng lên 310.000 đồng/bao 25 kg”.

Theo ông Phúc, mặc dù giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nhưng chưa ảnh hưởng nhiều tới các trang trại vì giá thịt lợn trên thị trường cũng tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm ngoái.

Nhưng “Giá thịt lợn cao có duy trì được lâu dài hay không, hay giá thức ăn chăn nuôi có tăng giá nữa không vẫn chưa có lời giải, bên cạnh đó giá con giống cũng đang ở mức cao. Vì vậy, nhiều gia đình chưa dám mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi” ông Phúc nói.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến nhiều trang trại chưa dám tiếp tục đầu tư sản xuất. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Tương tự, ông Nguyễn Trọng Long, chủ một trang trại tại xã Tân Ước (huyện Thanh Oai, Hà Nội), cho biết: “Trang trại của tôi có khoảng 3.000 lợn. So với trước đây, các chi phí như nhân công, điện, nước đều tăng. Hiện trang trại chúng tôi phải mua điện với mức 1.000 đồng/kWh, mỗi tháng phải chi tới 2 triệu tiền điện” chủ yếu cho thắp sáng và các thứ lặt vặt khác” ông Long cho biết.

Theo ông Long, nếu Nhà nước muốn khuyến khích phát triển chăn nuôi thì phải có chính sách giảm giá đầu vào cho các trang trại, ví dụ như giảm thuế thức ăn chăn nuôi, giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp chăn nuôi. Còn nếu giá thức ăn chăn nuôi cứ duy trì như mức hiện tại mà giá thịt lợn lại giảm giá thì người chăn nuôi không dám đầu tư.

Hài hòa lợi ích hai nhà

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, từ đầu năm tới nay các trang trại đã trải qua nhiều khó khăn: Dịch bệnh tai xanh hoành hành, dịch lở mồm long móng, thời tiết rét đậm... bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng và các chi phí khác đang ở mức cao nên nhiều trang trại không có vốn để đầu tư, điều đó có thể gây ra nguồn cung khan hiếm.

Ông Phúc kiến nghị nên có chính sách hỗ trợ cho những trang trại bị dịch bệnh trong thời gian qua. Cần bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, để người nuôi vững tâm đầu tư lâu dài.

Theo ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng nhưng không ảnh hưởng nhiều tới các trang trại vì giá thịt lợn trên thị trường đã tăng gấp đôi so với cuối năm ngoái. Người chăn nuôi đang có lãi, vì vậy, người dân không bỏ trống chuồng trại.

“Thực tế, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi chưa tăng giá theo kịp thị trường, vì nếu tăng giá quá nhanh thì người chăn nuôi sẽ không chịu nổi, bỏ trống truồng trại, không tiếp tục đầu tư thì không thể bán được thức ăn chăn nuôi” ông Giao cho biết.

Khi các trang trại hồi phục, giá thực phẩm vẫn ở mức cao thì các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có thể sẽ tăng giá tiếp” ông Giao nhận định.

Do vậy, “Chúng tôi phải kiểm soát thị trường để hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và những người chăn nuôi, không để giá thức ăn chăn nuôi tăng quá nhanh, đe dọa tới sự phát triển của ngành chăn nuôi. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng tới việc kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi” ông Giao nói.

Hữu Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN