Giá sữa giảm từ 10-20%

Bắt đầu từ ngày 1/6, quy định về áp giá trần đối với 25 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bắt đầu có hiệu lực. Động thái mạnh mẽ của cơ quan quản lý giá nhằm “kìm” giá sữa dành cho trẻ em mang lại niềm vui cho hàng triệu bà mẹ nuôi con nhỏ.


Nhiều hãng sữa giảm giá


Theo quy định của Bộ Tài chính, thực hiện quy định về giá trần trong khâu bán buôn chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày quyết định có hiệu lực thi hành và thực hiện khâu bán lẻ chậm nhất sau 20 ngày kể từ ngày quyết định có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều hãng sữa bắt đầu thông báo giảm giá sữa, nhiều siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã áp dụng mức giá mới.

 

Giá sữa giảm mang lại tín hiệu vui cho người tiêu dùng.Ảnh:N.T.Thành


Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, phụ trách truyền thông siêu thị Big C khu vực miền Bắc và miền Trung cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin xác nhận giá bán buôn từ nhà cung cấp, Big C đã điều chỉnh giá bán lẻ mới của các sản phẩm sữa Abbott, Nestle nằm trong quy định áp giá trần của Bộ Tài chính. Mức giá mới giảm dao động từ 10 - 20%, tùy theo từng sản phẩm. Đối với các sản phẩm còn lại theo quy định áp giá trần của Bộ Tài chính, Big C đang làm việc với các nhà cung cấp để triển khai. Theo Big C đây là một quy định tích cực của Bộ Tài chính, giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn phù hợp với túi tiền cũng như góp phần bình ổn giá sữa trên địa bàn.

Theo Quyết định 1079/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày 1/6, mức giá tối đa trong khâu bán buôn đối với 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi chính thức có hiệu lực thi hành; chậm nhất sau 20 ngày kể từ ngày 1/6, giá bán lẻ của 25 mặt hàng này sẽ chính thức áp dụng.


Tại thị trường Hà Nội, sản phẩm sữa Abbott của hãng 3A giảm từ 40.000 - 138.000 đồng/hộp, cụ thể: Giá sữa Grow G-Power Vanilla 900 g giảm còn 372.000 đồng/hộp (giảm 50.000 đồng/hộp), Grow G-Power Vanilla 1.700g giảm còn 641.000 đồng/hộp (giảm 101.000 đồng/hộp), Similac GainPlus IQ loại 1.700g giá 727.000 đồng/hộp (giảm 138.000 đồng/hộp). Tương tự, sản phẩm sữa Enfa của hãng Mead Johnson giảm từ 36.000 - 175.000 đồng/hộp, cụ thể: Enfagrow A+3 hộp 1,8 kg giảm 175.000 đồng/hộp, Enfamil A+2 hộp 900g giảm 73.000 đồng/hộp, Enfamil A+1 hộp 400g giảm 36.000 đồng/hộp…


Tại thị trường TP Hồ Chí Minh, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã thực hiện xong việc đăng ký và áp dụng giá bán lẻ mới cho 12 sản phẩm sữa, gồm có 5 sản phẩm của các nhà cung cấp 3A (hiện đang cung cấp các sản phẩm của Abbott); 2 sản phẩm của nhà cung cấp Nestle (hiện đang cung cấp các sản phẩm của Nestle); 5 sản phẩm (theo mẫu cũ) của nhà cung cấp Tiên Tiến (hiện đang cung cấp các sản phẩm của Mead Johnson). Mức giảm giá trung bình từ 38.000 - 205.000 đồng/hộp. Riêng đối với 2 nhà cung cấp còn lại: Dutch Lady, Vinamilk, Saigon Co.op đang đàm phán với mục đích mang đến cho người tiêu dùng giá tốt nhất trong thời gian sớm nhất.


Giám sát chặt việc điều chỉnh giá


Việc quản lý giá sữa theo giá trần là một quy định tích cực của ngành chức năng nhằm giúp ổn định thị trường sữa. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại doanh nghiệp sữa có thể lách luật bằng cách thay đổi mẫu mã nhãn hàng nhằm tránh bị áp giá trần, hoặc cố gắng giảm trọng lượng sản phẩm… Do đó, nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất, để quy định áp giá trần đối với mặt hàng sữa trẻ em của Bộ Tài chính thực sự có hiệu quả, mang lại quyền lợi cho người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện của các công ty phân phối, các cửa hàng bán lẻ sữa; tránh trường hợp các đơn vị, cơ sở lách luật để kiếm lợi bất chính.


“Để ngăn ngừa việc doanh nghiệp lách luật, theo quy định về quản lý giá của Bộ Tài chính, doanh nghiệp muốn đưa ra sản phẩm mới ra thị trường phải làm thủ tục đăng ký mới. Bên cạnh đó, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi và không thuộc dòng sản phẩm đã công bố giá trần tối đa theo quy định vẫn bị cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chi phí… Riêng Bộ Tài chính mới đây cũng đã quy định, sau 5 ngày kể từ khi nộp hồ sơ đăng ký, Bộ sẽ công bố mức giá trần mới cho sản phẩm đó. Với những sản phẩm thay đổi bao bì, thành phần giữ nguyên mà giảm trọng lượng sẽ phải giảm giá bán...”, bà Nguyễn Thu Phương, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Nam Dương cho biết.


Anh Hồ Quốc Nguyên, phụ trách quan hệ công chúng Big C nhận xét, “việc quản lý giá sữa theo giá trần là một quy định tích cực của ngành chức năng nhằm giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn phù hợp với túi tiền cũng như góp phần bình ổn giá sữa trên thị trường. Điều chúng tôi quan tâm là công tác hậu kiểm cần làm thường xuyên nhằm đảm bảo các doanh nghiệp, nhà phân phối thực hiện nghiêm quy định này, tránh trường hợp quản lý theo kiểu đánh trống bỏ dùi như thời gian qua”.


Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho biết: Để ngăn ngừa tình huống doanh nghiệp sữa có thể lách bằng cách thay đổi mẫu mã nhãn hàng để ra khỏi danh mục áp giá trần, Bộ Tài chính đã quy định, bất cứ nhãn sữa mới nào cũng phải làm thủ tục đăng ký giá theo quy định. Hơn nữa, với doanh nghiệp, việc thay đổi mẫu mã, bao bì, chất lượng đều phải cân nhắc kỹ. Bởi vì, doanh nghiệp sẽ không chỉ tốn kém về chi phí mà còn có nguy cơ bị giảm thị phần do người tiêu dùng không quen với bao bì, mẫu mã mới.


Đinh Thị Thuận - Lê Nghĩa

Tín hiệu vui khi giá sữa giảm
Tín hiệu vui khi giá sữa giảm

Bắt đầu từ ngày 1/6, giá trần 25 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi do Bộ Tài chính quy định nhằm “kìm” giá sữa trẻ em vốn chỉ biết tăng đã bắt đầu có hiệu lực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN