Giá sắn thấp kỷ lục, nông dân khốn đốn

Chưa kịp vượt khó khăn do mưa lũ gây ra vào cuối năm 2016 vừa qua, thì giờ đây, người nông dân ở Ia Pa, tỉnh Gia Lai lại tiếp tục đón nhận “trái đắng” khi giá sắn bất ngờ xuống thấp kỷ lục.

Điệp khúc nông sản “được mùa mất giá, được giá mất mùa” như vòng luẩn quẩn cứ bám riết lấy người nông dân một nắng hai sương khiến họ quanh năm luôn phải đối mặt với nợ nần, đói khát.

Dù đã quá thời kỳ thu hoạch nhưng hơn 1 ha sắn của gia đình anh Đặng Văn Khoan ở thôn Kim Năng 1, xã IaMrơn vẫn hàng ngày trầm mình dưới cái nắng chói chang. Nguồn thu nhập chính trông chờ tất cả vào rẫy sắn này nên gia đình anh không còn cách nào khác là kiên trì chờ đợi với hy vọng giá nhích lên mới bán. Với giá chỉ còn hơn 700 đồng/kg sắn tươi như hiện nay, nếu bán gia đình anh sẽ lỗ hơn 5 triệu đồng, mà có bán cũng khó tìm được thương lái đến mua.

"Tôi không biết phải làm sao chỉ mong ngành chức năng tìm giải pháp gỡ khó cho nông dân chúng tôi, về phía ngân hàng nghiên cứu có phương án hỗ trợ lãi suất để chúng tôi vượt qua khó khăn", anh Khoan nói.

Cùng cảnh ngộ với gia đình anh Khoan, gia đình chị Trịnh Thị Thúy Nga trú cùng thôn Kim Năng 1 không còn cách nào khác đành phải ngậm ngùi bán 2 ha để lấy ít tiền trang trải cuộc sống gia đình và tái đầu tư cho vụ sau. Vụ sắn năm nay, gia đình chị bỏ ra hơn 50 triệu đồng đầu tư trồng hơn 3 ha, với giá thấp như hiện nay, không tính công chăm sóc, gia đình chị thiệt hại hơn 15 triệu đồng.

Chị Nga cho biết, giá sắn năm nay tụt giảm kéo dài trong khi thời đểm vụ mùa tới lại đang cận kề khiến nông dân đã khó lại càng khó hơn. Mặc dù đã bán 2 ha nhưng gia đình chị vẫn phải vay mượn thêm tiền ngoài để chăm lo cho cuộc sống hàng ngày và chuẩn bị sản xuất vụ sau. Nhiều hộ gia đình khác cũng không ngoại lệ và họ đang tính đến phương án chấp nhận gánh lãi suất để mua chịu thuốc trừ sâu, phân bón cho vụ tới.

Huyện Ia Pa là địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó của tỉnh Gia Lai, đời sống của người dân quanh năm chủ yếu dựa vào hai loại cây trồng thoát nghèo chủ lực là mía và sắn. Năm nay, toàn huyện gieo trồng hơn 8.000 ha sắn, với giá thấp kỷ lục như hiện nay, nông dân trên địa bàn huyện đang đối mặt với nợ nần và nguy cơ đói nghèo đang hiện hữu.

Ông Nguyễn Văn Diện, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ia Pa cho biết, chưa năm nào nông dân trồng sắn lại gặp khó như năm nay. Trước thực trạng giá xuống thấp kỷ lục, giảm gần 50% so với mọi năm, về phía ngành nông nghiệp cũng đã khuyến cáo nông dân chuyển đổi giống sắn năng suất cao KM419 vào sản xuất thay thế cho giống KM 94 kém hiệu quả.

Ngoài ra, theo ông Diện, do thổ nhưỡng của vùng đất "khát" Ia Pa chỉ phù hợp với cây sắn và mía nên ngành cũng đã hướng dẫn người dân chuyển đổi một phần diện tích đất phù hợp sang trồng mía và trồng rừng.


Cùng với đó, Nhà máy sản xuất tinh bột sắn nằm trên địa bàn huyện đang trong giai đoạn hoàn thiện với công suất 200 tấn/ngày sẽ là điều kiện quan trọng để ổn định giá trong thời gian tới và người nông dân có thêm cơ hội gắn bó lâu dài với cây xóa đói, giảm nghèo đặc thù của địa phương.

Không riêng gì ở Ia Pa, nông dân trồng sắn cả tỉnh Gia Lai đang đối mặt với tình cảnh “dở khóc, dở cười”, họ chấp nhận thua thiệt như một sự cam chịu không biết tỏ cùng ai. Một mùa xuân nữa lại về, thời điểm mọi người mong ước được sum vầy bên gia đình đón không khí ấm cúng, đủ đầy thì giờ đây mong ước ấy là quá đỗi xa xỉ với những người nông dân trồng mỳ một nắng, hai sương. Với họ Xuân này là mùa xuân chưa trọn vẹn.

Nguyễn Hoài Nam (TTXVN)
Thêm một mùa sắn “đắng”
Thêm một mùa sắn “đắng”

Tỉnh Kon Tum đang bước vào vụ ép sắn mới gần 2 tháng nay, tuy nhiên, việc giá sắn xuống thấp khiến nhiều nông dân trồng mì đang đối mặt với việc lỗ vốn. Điệp khúc “được mùa mất giá” đang tiếp tục tái diễn với nhiều nông dân trồng sắn ở tỉnh Kon Tum.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN