Giá dầu ngọt nhẹ vượt ngưỡng 90 USD/thùng trong tuần qua

Cũng giống như hầu hết các thị trường tài chính và hàng hóa khác, trong tuần qua, thị trường dầu mỏ thế giới đã bị "nhân tố châu Âu" chi phối mạnh mẽ và "nhất cử nhất động" của các nhà lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) đều được các nhà đầu tư trên toàn cầu chăm chú dõi theo.

Ngay từ phiên đầu tuần 24/10, giá dầu trên tất cả các thị trường từ Âu, Á sang Mỹ đã nhất loạt tăng, cùng chiều với các thị trường cổ phiếu, nhờ tâm lý lạc quan của giới đầu tư sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất vào hôm 23/10 của Liên minh châu Âu (EU). Các nhà đầu tư hy vọng rằng giới lãnh đạo EU có thể sẽ nhất trí được về một kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài đã hơn 2 năm nay tại khu vực Eurozone.

Chốt phiên 27/10 trên thị trường Niu Yoóc, giá dầu thô ngọt nhẹ Niu Yoóc giao tháng 12/2011 tăng 3,76 USD lên 93,96 USD/thùng, trong khi tại Luân Đôn, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ tăng 3,02 USD lên 111,93 USD/thùng. Ảnh: Internet.


Chốt phiên đầu tuần 24/10 trên thị trường Niu Yoóc, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 12/2011 đã tăng lên trên ngưỡng 90 USD/thùng (đạt 91,35 USD/thùng) sau nhiều tuần giao dịch ở dưới ngưỡng này. Giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tăng lên 111,45 USD/thùng.

Sang các phiên tiếp theo, giá dầu bắt đầu có những diễn biến trái chiều, do giới đầu tư có tâm lý chờ đợi kết quả cuộc họp thượng đỉnh EU thứ hai vào ngày 26/10, sau khi cuộc họp thứ nhất vào ngày 23/10 trước đó chưa đạt được sự đồng thuận về các giải pháp giải quyết khủng hoảng nợ công tại khu vực Eurozone. Giá dầu thô ngọt nhẹ chủ yếu là đi lên, thậm chí đóng cửa phiên ngày 25/10, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 12/2011 đã tăng lên 93,17 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng 2 tháng qua, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc liên tục đi xuống.

Bước sang phiên 27/10, các thị trường đã thực sự bùng nổ khi các nhà đầu tư phấn chấn đón nhận thông tin tại cuộc họp thượng đỉnh EU lần thứ hai, lãnh đạo các nước EU đã đạt được một số thỏa thuận được cho là "bước ngoặt" và hết sức quan trọng trong tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực. Các thỏa thuận này - nâng quy mô quỹ cứu trợ châu Âu lên 1.000 tỷ euro (1,4 nghìn tỷ USD), yêu cầu các ngân hàng chấp thuận xóa 50% trong khoản nợ ước tính 350 tỷ euro (490 triệu USD) cho Hy Lạp, tái cấu trúc các ngân hàng châu Âu và củng cố hệ thống tài chính toàn khu vực..., đã thổi một làn gió mát lên khắp các thị trường hàng hóa và tài chính toàn cầu, trong đó có thị trường dầu mỏ, đẩy các thị trường phi mã đi lên.

Các thị trường còn được nâng đỡ nhờ thông tin lạc quan từ nền kinh tế Mỹ - quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, theo đó GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã tăng mạnh ngoài dự kiến, tới 2,5% trong quý III vừa qua.

Chốt phiên 27/10 trên thị trường Niu Yoóc, giá dầu thô ngọt nhẹ Niu Yoóc giao tháng 12/2011 tăng 3,76 USD lên 93,96 USD/thùng, trong khi tại Luân Đôn, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ tăng 3,02 USD lên 111,93 USD/thùng.

Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần ngày 28/7, đà tăng mạnh của phiên liền trước đã chững lại khi các nhà đầu tư tranh thủ bán ra chốt lời sau khi đã có lãi và các thị trường có vẻ như đang chùng lại để "nghiền ngẫm" kỹ hơn về các chi tiết của các thỏa thuận nói trên. Nhiều nhà phân tích cho rằng các thỏa thuận trên mang tính "thỏa thuận" nhiều hơn là các "hợp đồng" thực sự và vẫn mới chỉ là kế hoạch "trên giấy", còn việc thực hiện cụ thể thì chưa biết đến bao giờ. Có vẻ như các thỏa thuận vừa đạt được chỉ giúp nâng đỡ các thị trường trong ngắn hạn, còn về lâu dài, tình hình ở châu Âu nói chung và khu vực Eurozone nói riêng vẫn khó mà thoát ra khỏi "mớ bòng bong" nợ nần và nguy cơ suy thoái vẫn treo lơ lửng.

Chốt phiên cuối tuần 28/10 trên thị trường Niu Yoóc, giá dầu thô ngọt nhẹ Niu Yoóc giao tháng 12/2011 đứng ở mức 92,89 USD/thùng, tăng so với 87,93 USD/thùng của tuần trước nữa. Còn tại Luân Đôn, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ dứng ở mức 110,10 USD/thùng , giảm nhẹ so với 110,77 USD/thùng của tuần trước nữa.

Thùy Chi (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN