Giá cước vận tải giảm từ 2 đến 32%

Ngày 25/11, Bộ Tài chính đã có thông tin về kết quả kiểm tra, nắm tình hình kê khai lại giá cước vận tải cho phù hợp với diễn biến của giá nhiên liệu tại một số địa phương.


Theo đó, tại Hà Nội, ngày 14/11, Đoàn công tác gồm đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Vụ Vận tải (Bộ GTVT), Sở Tài chính, Sở Giao Thông vận tải thành phố Hà Nội đã kiểm tra tình hình thực hiện kê khai giá cước vận tải bằng ôtô trên địa bàn. Kết quả cho thấy các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá trung bình từ 2-10%, kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá trung bình từ 5,8-10% và vận tải hàng hóa kê khai giảm giá 3,4-3,9% .


Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, theo báo cáo của Sở Tài chính Thành phố, trước tình hình giá xăng dầu trong nước liên tục giảm Sở Tài chính đã có 2 công văn gửi Hiệp hội Taxi Thành phố, các bến xe và các doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hoá trên địa bàn Thành phố đề nghị các đơn vị giảm giá cước vận tải và thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải hành khách, hàng hoá bằng xe ô tô nhằm thực hiện bình ổn giá, kiểm soát lạm phát.


Kết quả cho thấy tại thời điểm kiểm tra (17/11), nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi đã kê khai giảm giá cước từ 2,7-9% (tuỳ cự ly vận chuyển), vận tải hành khách tuyến cố định đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá từ 2-11,33%.


Tại Đà Nẵng, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi kê khai giảm giá từ 3-32%, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đã kê khai giảm từ 3,2-6,7% so với giá liền kề.


Theo Bộ Tài chính, các địa phương vẫn đang kiểm tra, rà soát yêu cầu doanh nghiệp vận tải tiếp tục kê khai giảm giá cước phù hợp với diễn biến giảm của giá xăng dầu, tình hình thị trường và điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính; đồng thời Liên ngành Giao thông vận tải – Tài chính (Bộ Giao thông vận tải chủ trì) cũng đang tiếp tục phối hợp triển khai làm việc với một số địa phương về nội dung trên.


Bộ Tài chính còn cho biết theo quy định tại Luật Giá, các Luật chuyên ngành và văn bản pháp luật hướng dẫn có liên quan thì Nhà nước thực hiện quản lý giá cước vận tải theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật; đồng thời Nhà nước thực hiện điều tiết giá để bình ổn giá; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.


Trong lĩnh vực vận tải bằng xe ô tô, theo Thông tư liên tịch số 129/2010/TTLT-BTC-BGTVT ngày 27/8/2010 của liên Bộ Tài chính – Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải đường bộ và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ thì các doanh nghiệp tự quy định giá cước vận tải, thực hiện niêm yết giá và kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền


Về trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước chung trong lĩnh vực giá, Bộ GTVT, UBND tỉnh chịu trách nhiệm quản lý các doanh nghiệp vận tải và giá cước vận tải trên địa bàn.


Thùy Dương

Viettel giảm hơn 70% giá cước cho sinh viên vượt khó
Viettel giảm hơn 70% giá cước cho sinh viên vượt khó

Viettel sẽ tặng 1.000 học bổng với tổng trị giá hơn 2,3 tỷ đồng cho sinh viên vượt khó các trường đại học và cao đẳng...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN