Gần 90% diện tích canh tác vụ Xuân ở Hà Nội đã có nước

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, tính đến trưa nay (9/2), khoảng 90% diện tích canh tác vụ Xuân 2022 trên địa bàn thành phố đã có nước. Nhiều địa phương hoàn thành công tác chống hạn vụ Xuân, như: Sóc Sơn, Phú Xuyên, Đan Phượng, Sơn Tây.

Chú thích ảnh
Nông dân huyện Thạch Thất gieo cấy lúa Xuân. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN

Để bảo đảm đủ nước gieo cấy vụ Xuân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi trên địa bàn thành phố triển khai nhiều giải pháp. Tuy nhiên, trước diễn biến sông Nhuệ - Đáy ngày càng thiếu hụt nguồn nước và ô nhiễm, việc xây dựng công trình thay thế nhiệm vụ lấy nước của Trạm bơm Liên Mạc là ứng phó cần thiết.

Thông tin từ 4 doanh nghiệp thuỷ lợi, ngày 9/2, các đơn vị tiếp tục vận hành tổng số 116 trạm bơm để tập trung lấy nước gieo cấy vụ Xuân 2022. Thực tế công tác chống hạn được các doanh nghiệp duy trì liên tục, kể cả trong giai đoạn người dân cả nước nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Vụ Xuân 2022, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ đảm nhiệm cấp nước làm đất, gieo cấy, tưới dưỡng cho gần 21.726 ha lúa của 8 quận, huyện thuộc thành phố Hà Nội và tạo nguồn nước tưới cho 7.415 ha trong vùng phục vụ của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy, 2.047 ha của Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hà Nam. Mặc dù trong vùng phục vụ có tới 3 dòng sông: Hồng, Nhuệ, Đáy nhưng đơn vị này luôn khó khăn về nguồn nước, đặc biệt là chất lượng nguồn nước.

Theo ông Bùi Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình (Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ), do biến đổi lòng dẫn nên mực nước trên sông Hồng từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau luôn ở mức rất thấp. Trong 2 đợt điều tiết hồ thủy điện vừa qua, cống Cẩm Đình không thể vận hành để đưa nước sông Hồng vào sông Đáy. Còn cống Liên Mạc phải thường xuyên đóng để ngăn nước lưu trong sông Nhuệ chảy ngược ra sông Hồng. Đặc biệt, thượng lưu sông Nhuệ, đoạn từ K0 đến K30+800 còn nhiều vị trí bị bồi lắng, chưa được nạo vét, cản trở dòng chảy tới hạ lưu…

Ngoài giải pháp trước mắt của doanh nghiệp thủy lợi, UBND thành phố Hà Nội có chủ trương đầu tư xây dựng cụm công trình thủy lợi đầu mối thay thế nhiệm vụ của cống Liên Mạc giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, trong thời gian chờ thực hiện dự án trên, doanh nghiệp thủy lợi và người dân các huyện: Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên... UBND thành phố cho phép lắp đặt bơm dã chiến thay thế một phần nhiệm vụ của cống Liên Mạc để thích ứng thiếu hụt nguồn nước, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường...

Theo ông Nguyễn Văn Quyến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, công tác chống hạn vụ Xuân 2022 của Hà Nội cơ bản đáp ứng yêu cầu về tiến độ. Tuy nhiên, doanh nghiệp thuỷ lợi cần tập trung vận hành tối đa công suất các trạm bơm để sớm hoàn thành lấy nước đổ ải. Bên cạnh đó, cần tận dụng nguồn nước trong đợt xả thứ 3 tới đây để tích nước phục vụ tưới dưỡng cho lúa Xuân. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nông dân thu hoạch sớm cây vụ Đông trên đất lúa. Tận dụng tối đa nguồn nước hiện có; thực hiện đưa nước đến đâu, làm đất gieo cấy đến đó; tuyệt đối tránh thất thoát, lãng phí nguồn nước gieo cấy vụ Xuân.

Nam Giang (TTXVN)
Nâng cấp đê biển Gò Công, bảo vệ trên 37.000 ha đất canh tác
Nâng cấp đê biển Gò Công, bảo vệ trên 37.000 ha đất canh tác

Tiền Giang đầu tư trên 887 tỷ đồng nâng cấp tuyến đê biển Gò Công (huyện Gò Công Đông). 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN