Đưa làng nghề dệt chiếu xã Long Định vào 'bản đồ' du lịch

Tỉnh Tiền Giang có kế hoạch hỗ trợ phát triển làng nghề dệt chiếu xã Long Định gắn với các tuyến, điểm du lịch Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, Thiền viện Trúc lâm Chánh Giác.

Chú thích ảnh
Bên cạnh việc dệt theo phương pháp thủ công, người dân làng nghề còn sử dụng máy để dệt chiếu. 

Làng nghề dệt chiếu xã Long Định (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) có lịch sử hình thành gần 60 năm, do các dân cư vùng chiếu nổi tiếng ở Kim Sơn, Ninh Bình di cư vào miền Nam thành lập lên, việc duy trì và phát triển hoạt động của nghề dệt chiếu đã trở thành nét đặc trưng riêng của xã; đồng thời, góp phần phát triển kinh tế địa phương, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Để phát triển nghề dệt chiếu của tỉnh cũng như các ngành nghề thủ công khác, tỉnh Tiền Giang đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển làng nghề gắn với các tuyến, điểm du lịch.

Theo ông Trần Văn Thuê, Phó Chủ tịch UBND xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, hiện nay, có trên 400 lao động tham gia làng nghề; trong đó, có gần 300 lao động chuyên nghiệp, có chuyên môn, kỹ thuật cao.

Làng nghề dệt chiếu xã Long Định được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận làng nghề vào tháng 10/2003, chủ yếu phát triển trên địa bàn ấp Mới, Ấp Kinh 2A, khu phố Lương Minh Chánh, ấp Tây I…

Cũng theo ông Trần Văn Thuê, hiện nay, làng nghề có 77 máy dệt chiếu, mỗi tháng, cung cấp ra thị trường chủ yếu là các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên 15.000 chiếc chiếu, với giá bình quân từ 100.000 - 200.000 đồng/chiếc, đã đem lại nguồn thu hàng tỷ đồng. 

Việc dệt chiếu phải trải qua rất nhiều công đoạn như: xe sợi, phơi lát, dệt chiếu, in màu, hấp màu…Mỗi ngày, một người thợ lành nghề nếu dệt chiếu bằng máy sẽ làm ra khoảng 10 chiếc chiếu. Sau khi đã dệt lên 1 chiếc chiếu hoàn chỉnh, được phơi khô, công đoạn tiếp theo cần tới những người thợ gia công, in màu, hấp màu để chiếc chiếu được đẹp mắt, bền màu. 

Chú thích ảnh
Nhiều hộ dân vẫn giữ phương pháp dệt chiếu thủ công bằng tay. 

Anh Trần Thanh Sơn, Khu Phố Lương Minh Chánh (xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cho biết, gia đình đã làm nghề gia công (in họa tiết) chiếu được trên 20 năm, mỗi ngày gia đình nhận 50 - 60 chiếc chiếu từ bà con trong làng nghề để in họa tiết, hấp màu cho chiếu. Công việc này đã giúp tạo việc làm cho nhiều người với thu nhập trên 30 triệu đồng/người/năm.

Làng nghề dệt chiếu xã Long Định tuy đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn, tuy nhiên, hoạt động sản xuất vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Từ khi thành lập tới nay, làng nghề chưa có quỹ đất để xây dựng kho bãi, sân phơi, đa phần các hộ dân vẫn phải mang ra ven đường để phơi, điều này gây ảnh hưởng tới an toàn giao thông.

Mặt khác, người dân cũng gặp trở ngại trong vay vốn để đầu tư máy móc phát triển sản xuất. Ngoài ra, các hộ dân làng nghề hoạt động kinh doanh cá thể, đơn lẻ, chưa có tổ chức quản lý nên việc giao thương chưa tập chung, không quảng bá được sản phẩm ra thị trường. 

Chú thích ảnh
Công đoạn in hình lên chiếu sau khi đã dệt xong. 

Theo ông Võ Văn Lập, Chi cục trưởng, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang), để giải quyết những khó khăn mà làng nghề dệt chiếu xã Long Định gặp phải, đồng thời phát huy hơn nữa thế mạnh của làng nghề truyền thống, thời gian tới, tỉnh Tiền Giang tiếp tục bảo tồn và phát triển làng nghề. 

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hỗ trợ phát triển làng nghề gắn với các tuyến, điểm du lịch Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, Thiền viện Trúc lâm Chánh Giác. Đồng thời tuyên truyền, vận động các cơ sở, hộ kinh doanh tham gia mô hình kinh tế tập thể tổ hợp tác, hợp tác xã để có pháp nhân làm đầu mối tổ chức sản xuất, cung ứng nguyên liệu, thu mua, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm.

Tỉnh Tiền Giang cũng thực hiện chính sách khuyến khích người dân đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Bài và ảnh: Nam Thái (TTXVN)
Tâm huyết gìn giữ nghề dệt chiếu của đồng bào Khmer
Tâm huyết gìn giữ nghề dệt chiếu của đồng bào Khmer

Dù cho xu thế tiêu dùng ngày càng đa dạng khiến cho nghề truyền thống thủ công có nguy cơ mai một, song đồng bào Khmer ở Sóc Trăng vẫn tâm huyết gìn giữ nghề truyền thống, trong đó có nghề dệt chiếu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN