Đưa điện về vùng cao vì lợi ích xã hội

Trong điều kiện công tác đưa điện về các xã nghèo, xã vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn được đánh giá là không hiệu quả về mặt kinh tế nhưng chắc chắn sẽ mang hiệu quả xã hội to lớn, góp phần giúp đồng bào vùng cao phát triển kinh tế - xã hội, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa vùng đồng bằng và vùng cao.

Đổi thay nhờ có điện

Huyện Quản Bạ, là một trong 4 huyện vùng cao núi đá phía bắc của tỉnh Hà Giang có địa hình phức tạp. Đây cũng là một trong 62 huyện nghèo nhất của cả nước. Huyện có 17 dân tộc anh em sinh sống với 5 xã biên giới giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đến nay 13/13 xã và thị trấn trong huyện đã có điện lưới quốc gia với 72% số thôn có điện và trên 73,6% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, chủ yếu phục vụ sinh hoạt. Thế mới biết được kỳ tích của việc đưa điện đến các thôn bản vùng cao gian nan đến mức nào. Giám đốc Điện lực Quản Bạ, Lệnh Thế Tùng cho biết, do đường sá đi lại khó khăn nên các công việc bảo dưỡng đường dây và trạm biến áp định kỳ, ghi chỉ số công tơ hàng tháng, công nhân sử dụng phương tiện chủ yếu là xe máy. Một số nơi chưa có đường giao thông, anh em phải đi bộ trên 30 phút từ máy biến áp mới đến được nhà dân.

Công nhân Công ty Điện lực Hà Giang vận hành cấp điện cho các hộ dân tại xã biên giới Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ - nơi vẫn còn 3/9 thôn chưa có điện. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN


Xã Bát Đại Sơn là một trong 5 xã vùng cao biên giới khó khăn của huyện Quản Bạ. Xã được đóng điện từ năm 2004, hiện nay 6/9 thôn và 303/526 hộ được sử dụng điện lưới quốc gia. Bí thư Đảng ủy xã Chu Mạnh Hùng cho biết, với 2.814 khẩu thuộc hai dân tộc: Mông chiếm 70%, còn lại là Dao, xã có địa hình khá phức tạp, 6 tháng trong năm không có nước, chỉ trông chờ vào mùa mưa. Thôn xa nhất là Thào Chu Phìn cách trung tâm xã 12km nhưng phải đi bộ vì không có đường giao thông. Hiện nay, tại những thôn đã có điện, bà con đã mua máy xát gạo, nghiền ngô phục vụ chăn nuôi, giải phóng sức lao động.

Tại nhà anh Giàng Mí Lừ, thôn Sán Trồ, anh Lừ cho biết từ khi có điện, nhà anh đã mua máy nghiền ngô, xát thóc phục vụ cho việc chăn nuôi lợn, sắm ti vi, nồi cơm điện. Mỗi tối bọn trẻ có điện sáng choang để học bài, không phải đốt đèn dầu tối mù như trước. Chăn nuôi phát triển, có tiền nhà anh đang xây bể nước to để trữ trong mùa cạn.

Cũng từ khi có điện, các thôn bản trong xã đều có trường học với 99,7% học sinh trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Mặc dù còn tự cung tự cấp nhưng sản lượng lương thực đầu người năm 2011 trong xã đã đạt 580,3kg/năm, tăng 10,3/kg/người/năm so với năm trước đó. Hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn 71,6%, giảm 8,24% so với năm 2010. Năm nay, xã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 7% so với năm qua.

Trong ba thôn chưa có điện là Thào Chu Phìn, Xà Phìn và Pải Chu Phìn vì chưa có đường giao thông, người dân đang phải sử dụng đèn dầu theo chính sách hỗ trợ của nhà nước (70.000 đồng/hộ gia đình/quý để mua dầu đèn). Xã cũng xác định mở đường và đưa điện về ba thôn vùng cao này là hai nhiệm vụ ưu tiên của xã trong giai đoạn từ nay đến năm 2015. "Phải mở đường mới làm được điện nhưng vẫn phải tùy thuộc vào nguồn vốn phân bổ của Trung ương từ chương trình 30a của Chính phủ, các chương trình, dự án lồng ghép xóa đói giảm nghèo của địa phương ", Bí thư Hùng nói.

Đem nỗi niềm trăn trở đưa ánh sáng về các thôn bản chưa có điện tới Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang Bùi Minh Đại, anh cho biết trong điều kiện ngành điện còn khó khăn về nguồn vốn đầu tư nhưng bằng các nguồn vốn WB, các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo, 135, 661 (hỗ trợ các xã biên giới của tỉnh), các chương trình lồng ghép của tỉnh... ngay từ năm 2006, công ty đã tập trung đưa điện về 100% trung tâm xã với 67,13% số hộ nông thôn có điện. Năm nay, mục tiêu của công ty là đưa điện về 30 thôn của 581 thôn chưa có điện trong tỉnh. Việc phấn đấu 100% thôn trong tỉnh có điện phụ thuộc vào nguồn vốn có hay không. Với mức đầu tư bình quân khoảng 4 tỷ đồng/thôn thì hiện nay những địa bàn dân cư tập trung đông đúc đã có điện hết, giờ chỉ còn những địa bàn dân cư sống rải rác, chi phí đầu tư lớn. Tuy nhiên, so với các tỉnh biên giới, trừ Quảng Ninh thì Hà Giang vẫn là tỉnh đứng đầu về số hộ có điện trên địa bàn.

Vì lợi ích xã hội

Thống kê của ngành điện cho biết, tính đến nay đã có 97,74% số xã có điện, hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch Đảng và Nhà nước đề ra là đến năm 2010 có 95% số xã có điện.

Năm 2012, cùng với việc triển khai dự án cấp điện cho đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu, một trong những hoạt động đầu tư đưa điện phủ đến các xã vùng xa, các huyện đảo của EVN là dự án sử dụng cáp ngầm xuyên biển cấp điện ra hai huyện đảo Quan Lạn và Cô Tô. Hiện nay, công trình đưa điện đến với nhân dân trên huyện đảo đang được EVN và UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp xây dựng và triển khai. Quảng Ninh cũng đang xúc tiến, huy động vốn đầu tư dự án cấp điện cho hai huyện đảo này từ nhiều nguồn. Riêng EVN sẽ đóng góp khoảng 200 tỷ đồng để đầu tư một phần các công trình trạm 110kV và các tuyến cáp ngầm, đường dây đưa điện ra đảo. Dự kiến, sau Tết Nguyên đán năm 2013, công trình sẽ hoàn thành, đảm bảo đưa điện về huyện đảo Cô Tô phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh Quảng Ninh.

Đánh giá của EVN, trong quá trình đưa điện về vùng sâu, vùng xa cho thấy mặc dù việc đầu tư điện lưới đến các hộ dân vùng sâu, vùng xa không mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng nó lại mang hiệu quả xã hội rõ rệt, đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội.

Điều dễ thấy nhất là giao thông tại khu vực này đi lại rất khó khăn, dân cư phân bổ thưa thớt nên việc đầu tư xây dựng các công trình đưa điện về các xã thực sự là một bài toán khó do chi phí quản lý quá lớn. Thử một phép tính đơn giản nếu mức sử dụng điện bình quân chỉ 13kWh/hộ/tháng như ở Hà Giang hiện nay, với giá điện bình quân là 1.304đồng/kWh thì mỗi tháng mức sử dụng điện của một hộ gia đình chỉ vào khoảng gần 17.000 đồng. Hiệu quả kinh doanh như vậy là quá thấp.

Qua những chuyến khảo sát thực tế tại xã vùng biên giới, vùng cao của Hà Giang, Lai Châu cũng cho thấy, nhiều vùng cao bà con sống thưa thớt, kéo điện hàng ki lô mét chỉ cho vài ba hộ sử dụng, lượng điện sử dụng một tháng chỉ mấy kWh, hóa đơn tiền điện hàng tháng chỉ vài nghìn đồng, nhân viên thu ngân điện lực trèo đèo, leo núi mất nửa ngày chưa thu đủ tiền điện, thì rõ ràng không thể tính toán được hiệu quả kinh tế. Nhưng về mặt hiệu quả xã hội thì chắc chắn không chỉ EVN NPC mà toàn ngành điện cũng phải làm vì mục tiêu quốc gia lớn hơn: Điện khí hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn.

Hiện tại, với các công trình khó có hiệu quả kinh tế thì việc thu xếp vốn đầu tư lại càng gặp khó khăn. Mục tiêu của ngành điện trong những năm tới là phấn đấu đưa điện đến 100% số xã thuộc các huyện, thị trên địa bàn 27 tỉnh phía Bắc. Do đó, để điện khí hóa nông thôn miền Bắc, cần sự chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, sự chung tay giúp đỡ của các cấp, các ngành trong hoạt động ưu đãi vay vốn đầu tư, đặc biệt là ưu đãi về tài chính đối với những công trình cấp điện tại các xã vùng sâu, vùng xa. Một cơ chế phù hợp để mọi cư dân miền núi được hưởng thụ điện như miền xuôi là điều mà các ngành chức năng cần phải tính đến.

Mai Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN