Dự thảo Chiến lược phát triển DNNVV: Trông chờ sự đột phá chiến lược

Trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp gặp khó khăn, dự thảo Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT) chủ trì được đặc biệt quan tâm.

 

Xây dựng mục tiêu sát thực tế


Theo Bộ KH và ĐT, DNNVV đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo.


 

Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (Bình Phước) là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam được Tạp chí Forbes (Mỹ) vinh danh vào tốp 200 công ty vừa và nhỏ tốt nhất châu Á năm 2011. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

 

Cụ thể, Báo cáo của Ban soạn thảo Kế hoạch cho thấy, kết thúc giai đoạn 2006 - 2010, cả nước có khoảng 370.000 DNNVV được thành lập mới, tạo thêm khoảng 2,7 triệu chỗ làm mới, 7% tổng số DN này trực tiếp tham gia xuất khẩu. Quy mô vốn trung bình của một DN tăng từ 3 tỉ đồng năm 2000 lên 17,6 tỉ đồng năm 2009, tăng gấp gần sáu lần.


Dự thảo Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011 - 2015 đặt ra rất nhiều mục tiêu, trong đó có mục tiêu tăng số lượng DNNVV thành lập mới trong thời gian tới . Ông Nguyễn Việt Huệ, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH và ĐT, cho biết: Mục tiêu phát triển DNNVV 2011 - 2015 là thành lập mới 450.000 DN (giai đoạn 2006 - 2010 khoảng 370.000 DN); tỷ lệ DNNVV trực tiếp tham gia xuất khẩu đạt từ 10 - 12% (hiện khoảng 7%); chiếm 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; đóng góp khoảng 30% GDP, 35% tổng thu ngân sách nhà nước; và tạo thêm khoảng 4 triệu chỗ làm việc (trong 2006 - 2010 đã tạo ra khoảng 2,7 triệu chỗ làm việc).


Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở KH và ĐT TP Hồ Chí Minh nêu vấn đề liệu tiêu chí tăng 10 - 12% DNNVV tham gia xuất khẩu trực tiếp (hiện tại là 7%) có mâu thuẫn với các chính sách hiện hành khi các chính sách mới ban hành đang có xu hướng giảm đầu mối xuất khẩu, tránh tản mạn, phân tán hay không. Ngoài ra, chỉ tiêu thành lập mới DN cũng cần phải xem xét lại. Tại TP Hồ Chí Minh hiện nay, DNNVV đang chiếm hơn 40% số DN trên cả nước đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng thống kê cho thấy chỉ có khoảng 2/3 số DN được thành lập ra làm ăn lành mạnh, còn 1/3 DN là hoạt động không hiệu quả. Do đó, việc tăng số lượng DNNVV phải đi cùng với nâng cao hiệu quả hoạt động.

 

Các giải pháp cần cụ thể hơn


Theo đánh giá, với mục tiêu 5 năm tới tạo ra gần 500.000 DNVVN, các giải pháp cần được xây dựng phù hợp mới có thể đạt được chỉ tiêu này. Cụ thể, trước tiên phải quan tâm hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể để các hộ này có đủ lực chuyển đổi thành DN nhỏ. Phải tạo cơ chế chính sách về mua bán, sáp nhập DN một cách thuận lợi. Qua hoạt động này, những DN có quy mô vừa, có năng lực về quản trị, năng lực tài chính và công nghệ được thành lập, đáp ứng được các điều kiện cạnh tranh của nền kinh tế.


Để tháo gỡ khó khăn cho DNNVV, Chính phủ đã ban hành chính sách miễn, giảm, giãn thuế thu nhập DNNVV. Tuy nhiên, bà Từ Thị Bích Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Anh cho rằng, tiền thuế đất đã bị nâng lên quá cao. Chỉ một lần nâng thuế, DN của bà đã phải chịu tiền thuê đất tăng tới 17 lần. Rồi sau đó, Nhà nước không hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN mà dùng khoản này khấu trừ ngay vào tiền thuê đất của DN. Ngoài ra, mức đóng phí bảo hiểm xã hội hiện nay cao, chiếm tỷ lệ tới 28% lương. Hiện, 75% doanh thu của DN chỉ để dành cho chi lương. Vì vậy, đề nghị Chính phủ có những giải pháp tháo gỡ khó khăn về vấn đề này cho DN.


Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, nhận định, chúng ta mới đánh giá về sự phát triển DNNVV ở mặt số lượng mà chưa nhìn rõ vấn đề chất lượng. Hiện nay, số lượng DN sản xuất chỉ chiếm chưa đến 30% trên tổng số DNNVV. Bởi vậy, trong kế hoạch phát triển DNNVV cần làm rõ hơn tỉ trọng ngành, lĩnh vực để có giải pháp hỗ trợ cho những khu vực tiềm năng.


Đóng góp ý kiến vào dự thảo, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, số lượng DN đang thực sự hoạt động sản xuất kinh doanh thấp hơn rất nhiều con số báo cáo. Nhiều DN không chỉ là hoạt động kém hiệu quả mà còn được thành lập để gian lận thuế, mua bán hóa đơn. Một số khác thì đã ngừng sản xuất kinh doanh nhưng không làm được thủ tục giải thể, phá sản. Vì thế, vấn đề hoàn thiện khung pháp lý để DN rút khỏi thị trường cũng cần được xem xét toàn diện.


Về các nhóm giải pháp đất đai, tài chính, đào tạo, thông tin thị trường được xây dựng trong dự thảo, nhiều chuyên gia đánh giá đây không phải là những giải pháp hoàn toàn mới. Tuy nhiên, có thể nhận thấy cách tiếp cận và cách làm đã thể hiện tính đột phá. Ví dụ, dự thảo đã lưu ý đến việc phát triển cụm liên kết, vấn đề liên kết các DN trong cụm và liên kết các cụm DN, khu công nghiệp mới. Vì chưa có mối liên kết giữa các DN, cụm DN, khu công nghiệp nên sức mạnh của các DN vẫn bị hạn chế rất nhiều. Vì vậy, nếu chúng ta thực hiện đúng tiêu chí cụm liên kết như dự thảo, không chỉ năng lực của cụm DN, khu công nghiệp được phát huy mà năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế cũng sẽ được nâng lên đáng kể.


Quang Toàn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN