Dự báo năm nay xuất siêu 1,5 tỷ USD

Thống kê từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, tính đến hết tháng 11/2014, con số xuất siêu đã đạt xấp xỉ 2,1 tỷ USD. Tuy nhiên do tháng cuối năm các doanh nghiệp sẽ phải đẩy mạnh nhập khẩu nguyên, nhiên liệu để phục vụ cho sản xuất nên dự báo cả năm 2014 xuất siêu của cả nước sẽ đạt khoảng 1,5 tỷ USD.

Theo Cục Xuất Nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trong 11 tháng đạt 137 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 44,8 tỷ USD, tăng 13%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 92,2 tỷ USD, tăng 14,1%.

Điều đáng nói là kim ngạch xuất khẩu đã tăng trưởng ở hầu khắp các nhóm hàng, trong đó giữ vững ngôi đầu vẫn là nhóm công nghiệp chế biến. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hóa này đã đạt mức 100,14 tỷ USD sau 11 tháng, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Tiếp theo, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, thủy sản đạt kim ngạch gần 20,6 tỷ USD, tăng 14,5%. Riêng nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản, do tình hình khó khăn chung về thị trường cũng như quy định hạn chế xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này chỉ đạt trên 8,42 tỷ USD trong 11 tháng, giảm 4,2% so với cùng kỳ.

Ảnh minh họa - TTXVN.


Xét về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục giữ vững vị trí là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 26,2 tỷ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2013. Nếu nhìn vào tổng thể kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ thì con số xuất khẩu của Việt Nam quá nhỏ bé, chỉ những năm gần đây có mức tăng trưởng từ 15-20%. Cụ thể, năm 2001 Việt Nam chỉ xuất khẩu hơn 1 tỷ USD sang Hoa Kỳ nhưng đến hết năm 2013 Việt Nam đã chiếm 0,98% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ (năm 2013, Hoa Kỳ nhập khẩu đến 2.320 tỷ USD).

Cơ hội này càng nhìn thấy rõ hơn khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) chuẩn bị được ký kết. Vì thế, thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được kỳ vọng sẽ có tăng trưởng đột biến trong thời gian tới, đóng góp đáng kể vào thành tích xuất khẩu nói chung. Thị trường lớn tiếp theo là EU, đạt 24,8 tỷ USD, tăng 11,4%; ASEAN đạt 17,3 tỷ USD, tăng 3%; Trung Quốc đạt 13,5 tỷ USD, tăng 13,1%... Song hành với đó, tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 11 tháng đạt 135 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2013.

Do quy luật thị trường, tháng 11 thường là thời điểm các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để trả những đơn hàng cuối cùng trong năm nên hoạt động sản xuất thường diễn ra khá sôi nổi. Do đó, kim ngạch nhập khẩu các nhóm hàng nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất cũng có dấu hiệu tăng trưởng đáng kể. Tính chung trong 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ sản xuất chiếm tỷ trọng lớn và có mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 20,5 tỷ USD, tăng 21,1%; vải đạt 8,7 tỷ USD, tăng 14,6%; xăng dầu đạt 7,2 tỷ USD, tăng 13,9%; sắt thép đạt 7 tỷ USD, tăng 13,7%...

Việc kim ngạch nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu đã khiến cán cân thương mại của cả nước nhập siêu 300 triệu USD trong tháng 11, tăng mạnh so với mức nhập siêu tháng trước (4 triệu USD). Tuy nhiên, tính chung 11 tháng năm nay, Việt Nam xuất siêu xấp xỉ 2,1 tỷ USD, vẫn vượt ngưỡng xuất siêu 1,5 tỷ USD đã đề ra cho cả năm 2014.

Bộ Công Thương chỉ đạo từ nay đến cuối năm bên cạnh các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, các doanh nghiệp cần tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới, thị trường tiềm năng tại Châu Phi, Trung Đông và Mỹ La tinh cho các sản phẩm của Việt Nam nhất là những sản phẩm có lợi thế như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày...


Uyên Hương
10 tháng, Việt Nam xuất siêu 1,87 tỷ USD
10 tháng, Việt Nam xuất siêu 1,87 tỷ USD

Tính đến hết tháng 10/2014, xuất siêu đã đạt mức 1,87 tỷ USD, góp phần tích cực trong việc bảo đảm dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN