Động lực thúc đẩy và phát triển các làng nghề

Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ VII với chủ đề "Tinh hoa Nghề Việt" sẽ được diễn ra từ ngày 28/4 đến ngày 2/5/2017 tại thành phố Huế.

Nghề đúc đồng tại Phường Đúc, thành phố Huế.

Cùng với tổ chức thành công 6 kỳ trước đó, Festival Nghề truyền thống Huế không chỉ là một thương hiệu nổi tiếng được bạn bè trong nước và quốc tế biết đến. Đây là một lễ hội còn hướng đến việc bảo tồn những giá trị tinh hoa của nghề truyền thống Việt Nam.

Nghề và làng nghề truyền thống ra đời, tồn tại và phát triển, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Huế, có vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với chủ trương khôi phục và phát triển các nghề và làng nghề truyền thống góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ du lịch, kể từ năm 2005, Festival chuyên đề về nghề truyền thống được UBND thành phố Huế tổ chức vào các năm lẻ, đã trở thành nơi hội tụ của các nghệ nhân và làng nghề tiêu biểu của Thừa Thiên - Huế cùng nhiều địa phương trên cả nước.

Chủ tịch UBND thành phố Huế Nguyễn Văn Thành cho biết, nhiều làng nghề tưởng như mai một theo thời gian, đã "sống dậy" như: gốm Phước Tích, mộc Mỹ Xuyên (Phong Điền); mây tre đan (Quảng Điền) hay nghề nón, hoa giấy Thanh Tiên (Phú Vang); nón lá, thêu, đúc đồng, kim hoàn (TP Huế). Trong đó, một số làng nghề đã gây được tiếng vang và ký kết nhiều hợp đồng giá trị sau khi tham gia lễ hội Fesstival Nghề truyền thống Huế. Đặc biệt, qua Festival Nghề truyền thống, một số nghề đặc trưng như nghề dệt zèng ở A Lưới đã có điều kiện để được quảng bá rộng rãi hơn đến với công chúng, tạo nên động lực quan trọng để chắp cánh cho nghề truyền thống của đồng bào dân tộc phát triển mạnh mẽ. Trước thềm Festival Nghề truyền thống 2017, nghề dệt zèng vinh dự đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Tại mỗi kỳ tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tích cực kết nối các tour du lịch đến với các làng nghề, các điểm tham quan như: Tour du lịch trải nghiệm làng nghề đúc đồng ở Phường Đúc; nhà vườn Thủy Biều, Kim Long; tour du lịch ấn tượng Huế xanh; gốm, nón lá, hoa giấy, tranh làng Sình… Nhiều làng nghề truyền thống khác tại Huế cũng ăn nên làm ra nhờ biết tạo ra những sản phẩm phục vụ khách du lịch như nón Thúy (Phủ Cam), hoa giấy (Thanh Tiên), đan lát Bao La…

Chẳng hạn nghề chằm nón, từ các chợ lớn như Đông Ba, An Cựu, Bên Ngự... đến các chợ nhỏ như Sịa, Phò Trạch, Noong, Truồi..., ở đâu cũng có thể mua được chiếc nón lá Huế. Chợ Dạ Lê chuyên bán nón được duy trì từ hàng trăm năm nay, là đầu mối lớn để nón Huế vào Nam, ra Bắc.

Hiện nay, du lịch đang phát triển mạnh, nón lá trở thành mặt hàng lưu niệm mang nét văn hóa đặc sắc của Huế được du khách ưa chuộng. Rất nhiều du khách đã về tận các làng nón để được tận mắt chứng kiến và tham gia vào các công đoạn của nghề làm nón. Không ít người đã thực sự bất ngờ và thích thú khi được người thợ nón lưu ảnh, tên của mình trên chiếc nón bài thơ mang về làm kỷ niệm. Và chị Nguyễn Thị Thúy - một nghệ nhân làm nón nổi tiếng ở làng nón Phú Cam, đã từng được mời sang Nhật Bản biểu diễn và triển lãm nghề làm nón Huế. Những chiếc nón bài thơ là một nét duyên của Huế và cũng là một kênh quảng bá hình ảnh Huế rộng rãi mà hiệu quả nhất trong số các sản phẩm làng nghề truyền thống Huế hiện nay.

Khách đến Huế vào dịp Fesstival còn biết làng gốm Phước Tích (xã Phong Hoà, huyện Phong Điền) qua tour du lịch "Hương xưa làng cổ". Nghề gốm cổ trên 500 năm tuổi ở làng Phước Tích nằm bên dòng Ô Lâu hiền hòa sau hơn 20 năm tắt khói đã đỏ lửa trở lại qua các kỳ Festival Huế. Gốm Phước Tích từng nổi tiếng một thời với các sản phẩm gia dụng tiêu thụ trong dân gian và đặc biệt là các cổ vật tinh xảo được dùng trong hoàng cung triều Nguyễn xưa. Đây là một làng quê hết sức độc đáo, vì làng không có ruộng, chỉ có nghề gốm nuôi sống người dân nơi đây từ đời này sang đời khác. Từ khi tour du lịch "Hương xưa làng cổ" hình thành, nghề gốm cổ Phước Tích đang dần phục hồi và phát triển mạnh.

Phường Đúc đã xây dựng Trung tâm giới thiệu làng nghề với 12 quầy hàng chuyên bán các sản phẩm đồ đồng. Có 18 hộ làm nghề đúc đồng trong phường được chọn làm khu vực vừa sản xuất, vừa sắp xếp tổ chức cho khách tham quan trong một tour du lịch: giới thiệu và mua bán sản phẩm, hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ bằng đồng, đồ nghi lễ thờ cúng, chuông đồng, lư đồng. Đây cũng là hướng đi đúng cho việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề đúc đồng, vốn nổi tiếng của Cố đô Huế.

Phường Đúc hiện nay có trên 50 lò với các sản phẩm rất đa dạng: từ đồ lễ nghi như tượng, tráp, quả…cho đến đồ gia dụng như ống bút, bình hoa, xoong, nồi, chảo… Hiện nay đa phần trong số họ tập trung vào việc sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và đồ nghi lễ. So với các làng nghề khác ở Huế, Phường Đúc hiện nay là một trong những nơi sinh hoạt nghề nhộn nhịp nhất. Nét đáng quý là quá trình kỹ thuật truyền thống vẫn được những người thợ ở đây gìn giữ gần như nguyên vẹn. Ngoài việc thay chiếc bệ tạo gió thủ công bằng động cơ thổi khi nấu nguyên liệu, các quy trình còn lại hầu như đều làm bằng tay. Phường đang tổ chức lại làng nghề, kết hợp đầu tư phát triển nghề đúc đồng truyền thống với việc xây dựng các điểm tham quan làng nghề theo định hướng phát triển du lịch và dịch vụ du lịch.

Bày bán các sản phẩm của nghề đúc đồng tại Phường Đúc, thành phố Huế.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh khẳng định, đây được xem là cách để kết hợp khai thác tốt các tiềm năng du lịch di sản vốn có của Huế với vị thế là một trung tâm du lịch của quốc gia. Khi nghề truyền thống và làng nghề phát triển rất thích hợp để khai thác và phát triển du lịch. Bởi khách du lịch đến làng nghề không chỉ mua sắm, xem các nghệ nhân làm ra sản phẩm mà còn mong muốn tìm hiểu những giá trị phi vật thể tồn tại hàng nghìn năm.

Cũng cùng suy nghĩ trên, bà Phạm Thị Quỳnh Dao, Trưởng phòng Văn hóa thông tin thành phố Huế cho biết, sau các kỳ tổ chức, giờ đây Festival Nghề truyền thống Huế đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của Huế, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Sự phát triển của lễ hội này thể hiện không chỉ qua số lượng các làng nghề đăng ký ngày càng đông, mà còn ở tính chuyên nghiệp trong cách tổ chức, chủ trương xã hội hóa cũng được thể hiện rõ và ngày càng nhận được sự hưởng ứng của các nghệ nhân, làng nghề, doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Hiện tại, Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ VII đã có 34 cơ sở nghề, làng nghề truyền thống Huế và 20 cơ sở nghề, làng nghề tiêu biểu, đặc sắc trong cả nước tham dự. Đặc biệt, trong kỳ này có 8 làng nghề và cơ sở nghề lần đầu tiên tham dự Festival đó là dệt lanh thổ cẩm Mai Châu (Hòa Bình), làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), dệt lụa xã Nam Cao (Thái Bình), làng gốm Mỹ Thiện 200 năm tuổi, dệt làng Teng (Quảng Ngãi), làng nghề sản xuất gốm, thảm lục bình xã Bình Ninh (tỉnh Vĩnh Long); hoa đất sét Thời gian (Đà Lạt), mộc mỹ nghệ Chuyên Mỹ (Hà Nội)...

Festival nghề Huế 2017 cũng có sự tham gia của 5 thành phố và doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, trong đó riêng Nhật Bản, một quốc gia với nhiều nghề truyền thống nổi tiếng có đến 4 thành phố tham gia gồm: Takayama, Saijo, Shizuoka và Công ty may Kimono nổi tiếng Shuei. Sự góp mặt của các thành phố quốc tế vừa góp phần tạo nên sự phong phú mới lạ vừa nâng tầm Festival nghề truyền thống Huế. Festival lần này, ngoài các chương trình có dấu ấn từ Festival trước như lễ hội ẩm thực, chương trình hội tụ bản sắc châu Á, còn có những chương trình mới như: Lễ hội áo dài, liên hoan chiếu phim Hàn Quốc, lễ hội khinh khí cầu ở sân Hàm Nghi với sự có mặt của 13 khinh khí cầu lớn nhỏ.

Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế, Phó trưởng Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2017 cho biết, qua 6 kỳ tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế, thành phố đang dần định hình quy trình, công nghệ tổ chức Festival. Hiện, thành phố Huế đã xây dựng xong logo riêng cho Festival Nghề truyền thống Huế và đang nghiên cứu để đăng ký bản quyền thương hiệu lễ hội này ở tầm quốc gia. Việc đăng ký và khẳng định thương hiệu Festival Nghề truyền thống Huế là cơ sở để thành phố xây dựng Festival nghề ngày càng chuyên nghiệp, nhiều sáng tạo mới mẻ và có sức cuốn hút lớn hơn đối với bạn bè gần xa.

Hơn nữa, việc tổ chức các hội chợ, các lễ hội và mời nhiều ngành nghề tham gia thì ở đâu cũng có thể tổ chức, nhưng để tập trung các nghệ nhân giỏi nhất, có không gian trình diễn độc đáo nhất... thì có lẽ phải ở Festival Nghề truyền thống Huế. Kỳ vọng của thành phố Huế là biến các kỳ Festival Nghề truyền thống trở thành một sự kiện lớn, là nơi để hội tụ, gặp gỡ, giao lưu các nghệ nhân cả nước, và chính ở đây người dân và du khách sẽ nhìn thấy một bức tranh toàn cảnh làng nghề Việt Nam nói chung và thành phố Huế nói riêng thu nhỏ...

Bài và ảnh: Quốc Việt (TTXVN)
Festival nghề truyền thống Huế 2017: Tinh hoa nghề Việt
Festival nghề truyền thống Huế 2017: Tinh hoa nghề Việt

Ngày 5/4, tại Hà Nội, UBND thành phố Huế, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức họp báo về Festival nghề truyền thống Huế lần thứ VII năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN