Đồng hành cùng người trồng mía

Những năm gần đây giá đường liên tục giảm khiến nông dân nhiều nơi không còn mặn mà với trồng mía; song Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn vẫn ổn định được vùng nguyên liệu, năng suất mía đạt 64 - 65 tấn/ha.


Hỗ trợ máy móc,vay vốn

Ông Lê Bá Triều, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn cho biết, để nông dân yên tâm và gắn bó với cây mía, trong những năm qua, Công ty đã trực tiếp đứng ra vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau đó cho nông dân vay với lãi suất thấp 7%/năm. Cùng với đó toàn bộ khâu làm đất cũng được Công ty hỗ trợ bằng cơ giới. Đến nay đã có trên 90% hộ dân trồng mía sử dụng máy làm làm đất của Công ty. Những chi phí về vay vốn đầu tư sản xuất, chi phí làm đất bằng cơ giới, nông dân được trả chậm vào cuối vụ thu hoạch mía.

Năng suất trồng mía sẽ tăng lên khi được doanh nghiệp hỗ trợ vốn, công nghệ. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN


Bên cạnh việc hỗ trợ nông dân, trong những năm gần đây, Công ty đang khuyến khích các hộ và nhóm hộ thay đổi quy mô sản xuất nhỏ lẻ sang xây dựng những cánh đồng mía lớn. Theo đó, Hiệp hội Mía đường Lam Sơn đã thành lập câu lạc bộ người trồng mía có diện tích lớn. Trong vụ mía 2015 - 2016 đã có trên 100 hộ có diện tích mía từ 5 ha trở lên tham gia vào câu lạc bộ. Dự kiến đến năm 2020 câu lạc bộ sẽ có trên 1.000 hội viên.

Khi các hộ viên tham gia câu lạc bộ này, ngoài việc được hưởng các chính sách hỗ trợ về vay vốn, làm đất, nếu nông dân đăng ký xây dựng mô hình trồng mía thâm canh cao còn được hỗ trợ từ 3 đến 5 triệu đồng. Ngoài ra, nông dân còn được Công ty đầu tư xây dựng nhà lưới công nghệ cao với quy mô 3.000 m2 và được chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau, quả sạch; được cung cấp giống, vốn. Sản phẩm cũng được Công ty đứng ra bao tiêu.

Ông Nguyễn Văn Chi ở xã Trí Nang, huyện Lang Chánh có 45 ha mía cho hay, thực tế hiện nay giá mía đường liên tục giảm, nhưng những năm qua Công ty hỗ trợ cả về vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thâm canh nên cây mía của gia đình ông luôn cho năng suất cao từ 70 - 80 tấn/ha (cao hơn mức trung bình ở các hộ trồng nhỏ lẻ khác 60 - 64 tấn/ha).

Nâng cao chất lượng mía

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Mai Nhữ Thắng, Thanh Hóa là một trong những tỉnh có sản lượng đường lớn nhất cả nước. Trong 3 vụ mía vừa qua, giá đường liên tục giảm, nhưng Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn vẫn ổn định thu mua mía nguyên liệu với giá khoảng 950.000 đồng/tấn đối với mía có trữ đường 10 CCS.

Ngoài việc hỗ trợ nông dân trồng, chăm sóc, thu hoạch mía, Công ty còn đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng mía. Theo đó, Công ty đã xây dựng Trung tâm nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn nghiên cứu ứng dụng nuôi cấy mô nhiều giống mía cho năng suất, chất lượng cao như giống YT 006, TQ1, VĐ 00236...

Hiện các giống này đã được khảo nghiệm và cho năng suất, chất lượng rất khả quan, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu vùng đất Lam Sơn - Sao Vàng và các huyện miền Tây Thanh Hóa. Mấy năm gần đây các hộ, các hợp tác xã trồng các giống mới này đều có khả năng chống chịu được sâu bệnh và có năng suất trên 100 tấn/ha, chữ đường đạt trên 10 CCS. Niên vụ 2015 - 2016 các giống mới này đã được nông dân trồng trên 2.000 ha.

Trong những năm gần đây, Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn cũng đang xây dựng các mô hình cánh đồng mía lớn với phương thức thuê lại đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả của nông dân để chuyển sang trồng mía. Công ty cũng khép kín quy trình sản xuất đường để hạ giá thành sản phẩm như tận dụng bã mía để sản xuất điện.

Trịnh Duy Hưng
Người trồng mía lao đao vì giá thấp
Người trồng mía lao đao vì giá thấp

Do giá mía sụt giảm mạnh, người trồng không có lãi nên hiện nay nhiều nông dân của Hậu Giang đã bỏ mía để trồng lúa hoặc các loại rau màu khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN