Đồng bằng sông Cửu Long được “mùa vàng”

Người dân trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long lâu lắm rồi mới có một niềm vui thật sự trọn vẹn khi vừa được mùa, vừa được giá trong vụ thu hoạch lúa đông xuân 2013 - 2014. Hiện thương lái đang ráo riết thu mua lúa với giá khá cao, giúp nông dân đạt lợi nhuận trên 30%. Năng suất bình quân của hầu hết các cánh đồng đạt từ 6,5 tấn/ha trở lên, thậm chí có cánh đồng đã đạt đến 10 tấn/ha, cao hơn nhiều so với vụ năm trước.


Được mùa, được giá


Anh Phạm Văn Băng ở ấp 2 xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) không giấu được niềm vui vì vụ đông xuân này anh đã lãi trên 300 triệu đồng từ 12 ha lúa. “2, 3 năm vừa rồi giá lúa bấp bênh quá, chỉ có năm nay thì giá lúa có nhích lên, tính ra một công (1.000 m2) lời được 3 - 4 triệu đồng. Giá lúa như vậy giúp bà con nông dân có thu nhập khá”, anh Băng cho biết. Trong khi đó, anh Phạm Văn Công, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) phấn khởi cho biết, anh vừa thu hoạch xong 4 ha lúa đông xuân với lợi nhuận trên 100 triệu đồng. “Năng suất năm nay khá cao, đạt gần 10 tấn/ha, trong khi thương lái thu mua với giá 4.800 đồng/kg, cao hơn vụ trước từ 500 đến 600 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, tôi còn lãi khoảng 30 triệu đồng/ha”. Theo anh Công, điều phấn khởi nhất hiện nay là thương lái đã tìm đến tận hộ dân đặt cọc tiền mua lúa trước, nên người dân không còn sợ bị ép giá như những vụ mùa trước.

Thu hoạch lúa tại đồng bằng sông Cửu Long.


Theo ngành nông nghiệp các tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ... đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được gần 1/2 diện tích gieo sạ, với năng suất bình quân từ 6 - 7 tấn/ha. Cá biệt có nhiều diện tích cho năng suất trên 10 tấn/ha. Với giá lúa hiện tại, chẳng hạn IR 50404 được mua với giá 4.700 đồng/kg, các loại lúa hạt dài như OM 5451, OM 6976 có giá 5.200 đồng/kg hay các loại lúa chất lượng cao ở mức 5.400 - 5.600 đồng/kg nên năm nay nông dân có lãi khá cao. “Nếu vụ nào cũng trúng mùa, trúng giá như thế này thì người nông dân sẽ có cơ hội làm giàu từ nghề nông”, nông dân Nguyễn Thanh Hậu (Tiền Giang) nhận định.


Tăng cường liên kết doanh nghiệp - nông dân


Đồng Tháp là một trong những tỉnh thu hoạch lúa đông xuân khá sớm, đạt gần 50% diện tích gieo sạ, với mức giá đều có lãi cho nông dân. Theo tính toán của Bộ Tài chính, giá thành sản xuất vụ đông xuân năm nay tại Đồng Tháp là 4.166 đồng/kg, trong khi giá lúa tại đây dao động từ 4.800 đến 5.600 đồng/kg. Đây là kết quả từ đề án nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo của tỉnh được khởi động năm 2013 theo hướng quy hoạch lại các vùng lúa cho xuất khẩu, rút ngắn khâu trung gian và chia sẻ hài hòa lợi nhuận giữa doanh nghiệp và người dân. “Qua tuyên truyền thực hiện đề án tái cơ cấu, năm 2014 này, diện tích trồng lúa IR 50404 đã giảm rất là nhiều. Trước đây ở các huyện phía Nam là 90%, còn giờ giảm đi còn 40%. Qua tuyên truyền, người dân đã nhận thức được lúa xuất khẩu phải là lúa chất lượng cao”, ông Nguyễn Thành Hưởng, Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Đồng Tháp, cho biết.


Trong khi đó, một chuyển biến khá rõ nét nữa tại các tỉnh ĐBSCL trong năm 2014 này là sự mở rộng diện tích cánh đồng liên kết. Đây là cơ sở hình thành những cánh đồng chỉ sản xuất một loại giống chất lượng cao, gắn với xuất khẩu và hợp tác xã kiểu mới. Theo đó, nếu như năm 2008, toàn tỉnh Đồng Tháp chỉ có gần 2.400 ha, thì dự kiến năm 2014 đã tăng lên 80.000 ha. Tại tỉnh An Giang, theo ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh An Giang đã quy hoạch tiểu vùng sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn với quy mô 25.000 ha, sản xuất từ 2 đến 3 vụ/năm, nâng tổng diện tích này trên 60.000 ha/năm. Trong khi đó, tại các tỉnh khác như Long An, Cần Thơ, Bạc Liêu, Vĩnh Long... diện tích cánh đồng mẫu lớn cũng không ngừng tăng lên.


Ông Nguyễn Văn Trải, Chủ nhiệm hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Cường, huyện Tam Nông (Đồng Tháp), cho biết các hợp tác xã đồng thời trở thành doanh nghiệp cung ứng đầu vào, cạnh tranh lại các doanh nghiệp bên ngoài. Từ đó, người dân được hưởng lợi từ chất lượng đến giá cả của vật tư, phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật..., giúp tiết giảm chi phí sản xuất và tối đa lợi nhuận cho nông dân. Theo đó, ngoài giảm chi phí sản xuất, những diện tích tham gia vào cánh đồng liên kết đã được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn từ 100 - 200 đồng/kg so với thị trường. Theo tính toán của các nông dân, lãi từ mô hình này tăng hơn khoảng 1,2 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất ngoài mô hình. Chính từ hiệu quả này, người dân đều thấy được nhiều mặt lợi đã sẵn sàng tham gia.

Mặc dù giá lúa vẫn ổn định với mức cao từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 3, thế nhưng hiện đang có dấu hiệu tụt giảm do bước vào thời điểm các tỉnh thu hoạch rộ. Ghi nhận của phóng viên Tin Tức ngày 6/3 tại Cần Thơ và Đồng Tháp cho thấy, giá lúa đã giảm nhẹ từ 100 - 300 đồng/kg tùy loại. Dù giảm, nhưng thời điểm này, nông dân trồng lúa vẫn có lãi.


Bài và ảnh: M.Thuyết - H.Giang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN