“Đòn bẩy” giúp nông dân Phú Thọ

Từ nhiều năm nay, nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Phú Thọ đã trở thành “đòn bẩy” giúp hàng chục nghìn hộ nông dân vùng khó khăn vươn lên phát triển triển sản xuất, thoát nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Yên Lập cho biết: Yên Lập là huyện miền núi nghèo của tỉnh với 17 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm gần 80%. Đời sống của người dân nơi đây vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp, sản xuất manh mún và thiếu vốn. Bởi vậy, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện đầu tư phát triển kinh tế.

Chị Nguyễn Thị Hạnh được vay vốn ưu đãi để chăn nuôi bò. Ảnh: Công Huy


Hằng năm, NHCSXH huyện phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương rà soát và thống kê chính xác, cụ thể số hộ nghèo, cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn có nhu cầu vay vốn ưu đãi. Tính đến nay, NHCSXH đã cho 4.933 hộ vay với số tiền gần 97,8 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo được vay vốn chiếm 56,6% tổng số hộ nghèo toàn huyện. Qua khảo sát, kiểm tra, hầu hết các hộ dân sử dụng vốn đúng mục đích như đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng các công trình nước sạch, đi xuất khẩu lao động, đầu tư học hành...

Anh Trần Văn Thái, dân tộc Mường, khu 3 xã Mỹ Lương, huyện Yên Lập trước đây là hộ nghèo nhất của xã. Nhờ được vay 20 triệu đồng từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Yên Lập và 50 triệu đồng từ chương trình cho vay thương nhân hoạt động vùng khó khăn của Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh để đầu tư trang trại. Khu trang trại của gia đình anh Thái được thiết kế liên hoàn với hai ao nuôi cá hơn 4.000 m2 và khu đồi hơn 1 ha được trồng nhiều cây ăn quả kết hợp nuôi lợn lai rừng, thả gà. Mặc dù trang trại mới được đầu tư 2 năm nhưng đã đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, giúp gia đình anh thoát nghèo và trở một trong những hộ khá giả của xã, được nhiều người đến tham quan học tập.

Cùng chung niềm vui thoát nghèo, chị Nguyễn Thị Hạnh ở khu 5, xã Phong Phú, huyện Đoan Hùng cho biết: Gia đình có 4 khẩu với 2 sào ruộng, nghề phụ không có nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2013, gia đình chị được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo của NHCSXH huyện Đoan Hùng để đầu chăn nuôi, xây dựng chuồng trại mua bò sinh sản về nuôi để có thêm thu nhập. Hiện bò cái đã sinh được bê con, chỉ vài tháng nữa là có thể xuất bán. Được khoản tiền này, gia đình chị sẽ tiếp tục mở rộng chăn nuôi thêm lợn và gà... hết năm 2014 gia đình chị sẽ thoát khỏi hộ cận nghèo.

Phó Giám đốc NHCSXH huyện Đoan Hùng Nguyễn Văn Hòa chia sẻ, nhờ có các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời giúp các địa phương trong huyện thực hiện thành công các tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, đơn vị đã giải ngân trên 30 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ lên gần 244 tỷ đồng của 9 chương trình tín dụng chính sách. Qua khảo sát, kiểm tra, hầu hết các hộ dân sử dụng vốn đúng mục đích như đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng các công trình nước sạch, đi xuất khẩu lao động, đầu tư học hành...

Ông Trương Việt Phương, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Thọ cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận với nguồn vốn chính sách, NHCSXH tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, giám sát chặt chẽ trong quá trình giải ngân bảo đảm nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Ngoài việc phối hợp với các xã, thị trấn rà soát, lập danh sách các hộ có nhu cầu về vốn, đơn vị cùng với các ban, ngành liên quan công khai chủ trương, chính sách, đối tượng thụ hưởng và danh sách các hộ được vay để người dân biết.
Tính đến nay, tổng dư nợ cho vay của NHCSXH tỉnh đạt 2.864 tỷ đồng, tăng 2,92% so với năm 2013, chiếm 11,86%/tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên toàn địa bàn.

Trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo 968 tỷ đồng, cho vay học sinh sinh viên 749 tỷ đồng, cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm 68 tỷ đồng, cho vay xuất khẩu lao động 30 tỷ đồng, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường 343 tỷ đồng, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở 100 tỷ đồng, cho vay vùng dân tộc thiểu số 17 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo 188 tỷ đồng... Nguồn vốn vay này đã góp phần giải quyết những khó khăn về vốn, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động khu vực nông thôn, mỗi năm giúp hàng nghìn hộ vươn lên thoát nghèo, cải thiện về nhà ở, nhiều học sinh, sinh viên có điều kiện để học tập.

Theo NHCSXH tỉnh, hiện nay lượng vốn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, trong đó nguồn vốn ưu đãi dành cho hộ cận nghèo mới đáp ứng được 30% nhu cầu. Thời gian tới, cùng với việc kiến nghị bổ sung nguồn vốn vay đối với chương trình này, NHCSXH tỉnh tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay, phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể và chính quyền cơ sở tăng cường giám sát quy trình bình xét cho vay bảo đảm dân chủ, khách quan, đúng đối tượng...

Lâm Đào An

Lấp khoảng trống chính sách tín dụng giảm nghèo
Lấp khoảng trống chính sách tín dụng giảm nghèo

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay đối với hộ mới thoát nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội, để lấy ý kiến đóng góp của cá nhân và tổ chức. Phóng viên báo Tin Tức đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc NHCSXH...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN