Đổi mới trong giao, cho thuê đất rừng

Tại hội thảo quốc gia về dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 16/12 tại Hà Nội, các góp ý của các đại biểu đều đồng tình khi Luật sửa đổi có bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với các hoạt động “kinh doanh, chế biến và thị trường lâm sản” và đề nghị lấy tên luật là “Luật Lâm nghiệp”.

 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 mới chỉ chú trọng vào việc quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng gỗ, chưa chú ý đến giá trị dịch vụ môi trường rừng. Trong khi những giá trị dịch vụ này có thể cao hơn nhiều, điển hình như hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm tương đương 22% tổng đầu tư xã hội vào ngành lâm nghiệp.

Khuyến khích người dân trồng rừng. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, luật sẽ được sửa đổi gần như cơ bản, trong đó đặc biệt là phạm vi điều chỉnh. Nhiều nội dung của luật phải sửa đổi nên việc đề nghị sửa đổi tên luật sao cho phù hợp, đồng thời thể hiện cần phải quản lý theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp theo cơ chế thị trường, thể hiện đồng bộ các luật chuyên ngành như Luật Thủy sản, Luật Thủy lợi (đang được xây dựng)…. việc sử đổi luật để phù hợp với chủ trương chính sách mới của Đảng, Nhà nước, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là Hiến pháp 2013 và một số Luật được Quốc hội mới thông qua; hài hòa với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Đồng thời  khắc phục những hạn chế, tồn tại của luật hiện hành về phân loại rừng, đổi mới công tác giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất đối với hộ gia đình cá nhân theo hướng không thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để khuyến khích trồng rừng, bổ sung các quy định về hoạt động chế biến và kinh doanh lâm sản, hoạt động đầu tư tín dụng tài chính trong lâm nghiệp.

“Dự thảo luật lần này đẩy nhanh, sâu sắc hơn chủ trương xã hội hóa trong lâm nghiệp. Tạo khung chính sách để thu hút các nguồn lực để đầu tư bảo vệ và phát triển rừng bền vững; đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, của chủ rừng và người làm nghề rừng để lâm nghiệp đóng góp ngày càng tăng vào nên kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển lâm nghiệp đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng từ trồng rừng đến khai thác, chế biến, dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái và thị trường lâm sản”,  ông Hà Công Tuấn cho biết.

Góp ý về việc phân chia thành 3 loại rừng trong dự thảo, ông Nguyễn Văn Lạng, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ góp ý, không nên chia rừng thành 3 loại mà chia rừng theo 2 loại và chia theo sở hữu gồm rừng Nhà nước và rừng theo sở hữu kinh tế. Bởi, việc quản lý và bảo vệ rừng cần tính theo cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều tiến bộ khoa công nghệ được ứng dụng cần đẩy mạnh vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, bảo vệ rừng.


Theo ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, trong luật cần quan tâm đến chủ thể rừng. Hiện chủ thể rừng rất khác nhau, quá trình giao đất, giao rừng của các công ty lâm nghiệp trước đây lại giao khoán cho hộ dân nhưng không loại trừ nhiều nơi việc giao khoán không rõ ràng nên hiệu quả chưa cao, đời sống của bà con được giao đất giao rừng còn khó khăn. Cần tính toán chủ thể, người được giao đất giao rừng có thể làm giàu trên mảnh đất này. Bên cạnh đó, hệ sinh thái rừng cần tiếp tục quy hoạch và phát triển theo kế hoạch nên sắp tới cần tính toán định giá trong môi trường rừng.

H.V
Đắk Nông trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ xô xát tranh chấp đất rừng
Đắk Nông trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ xô xát tranh chấp đất rừng

Sau 3 ngày xét xử, sáng 17/11, Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông đã trả hồ sơ nhằm điều tra bổ sung những vấn đề chưa được làm rõ và tránh bỏ lọt tội phạm vụ án nhóm nhân viên bảo vệ của Công ty Thương mại Cổ phần Long Sơn đánh người gây thương tích.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN