Đội giá tiền tỷ do xây trường học chậm tiến độ

Trường mầm non xã Vạn Phúc (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) khởi công từ cuối năm 2010 đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Không những người dân địa phương mòn mỏi mong ngóng, hàng trăm trẻ phải học trong nhà kho cũ của hợp tác xã trong khi ngôi trường bị đội giá nhiều tỷ đồng do thi công kéo dài hơn 5 năm.

Thấp thỏm học trong nhà kho cũ

So với mặt bằng chung trong huyện, Trường mầm non xã Vạn Phúc có thể nói là ngôi trường “hoàn cảnh” nhất. Trường hiện có trên 250 học sinh đang học xé lẻ tại 3 điểm trường. Các phòng học đều là những nhà kho cũ của các hợp tác xã trước kia, được cải tạo lại. Điều kiện học như vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với cô và trò. Những cánh cửa gỗ đã mối mọt, song sắt cửa sổ hoen rỉ. Trong lớp, những chiếc cột nhà án ngữ ngay giữa phòng cản trở việc tổ chức các hoạt động giáo dục. Diện tích mỗi phòng học chỉ rộng từ 20 - 25m2. Có phòng rộng chỉ 20 m2 nhưng có tới 25 trẻ.

Trường mới xây hơn 5 năm chưa xong.

Theo cô Phạm Thị Kiền, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Vạn Phúc, nhiều năm nay các em đều học ở những nhà kho cũ này, phòng học đều đã xuống cấp, không đảm bảo diện tích cho các cháu hoạt động học tập, vui chơi. Cả phụ huynh và giáo viên không thể yên tâm khi con em mình học tại đây, nhất là những khi thời tiết mưa bão xảy ra. Những nhà kho này đã được xây dựng từ những năm 1960 - 1970, nay đã xuống cấp. Phòng chật, các cháu đông, lớp phân bố không tập trung nên việc chăm sóc các cháu gặp nhiều khó khăn, ông Phạm Trung Nhoáng, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc cũng thừa nhận.

Trước những bất cập trong cơ sở vật chất trường lớp kéo dài nhiều năm như vậy, năm 2010, xã đã được tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng Trường mầm non Vạn Phúc trên một vị trí mới. “Khi được biết chủ trương xây trường mới, từ Ban giám hiệu đến các bậc phụ huynh đều rất phấn khởi. Nhưng việc xây dựng lâu quá! 5 năm rồi mà vẫn chưa xong”, cô Kiền chia sẻ.

Cần sớm hoàn thiện, đưa vào sử dụng

Trường mầm non Vạn Phúc được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt tại Quyết định 2446/QĐ-UBND với tổng mức đầu tư là 6,243 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách tỉnh hỗ trợ phần kinh phí xây lắp gồm 2,592 tỷ đồng. Còn lại là nguồn vốn của huyện, xã và các nguồn vốn khác. Đơn vị đảm nhiệm thi công là Công ty cổ phần xây dựng, cấp thoát nước môi trường Hải Dương; công trình được khởi công vào tháng 12/2010.

Đã hơn 5 năm trôi qua, đến nay, công trình vẫn chưa hoàn thiện. Toàn bộ khuôn viên 5.000 m2 mới xong phần tường bao và phần thô của công trình. Trong sân, cỏ lau mọc um tùm; tường gạch đã loang lổ rêu mốc, trần nhà rạn nứt nhiều chỗ...

Trao đổi với phóng viên về nguyên nhân ngôi trường bị chậm tiến độ, ông Phạm Trung Nhoáng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vạn Phúc cho biết: đến năm 2013, bên thi công đã sử dụng hết số vốn được cấp nhưng xã chưa có vốn đối ứng (do chưa bán được đất) nên công trình đã buộc phải tạm dừng thi công.

Còn về phía nhà thầu, ông Bùi Văn Tỉnh, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng, cấp thoát nước môi trường Hải Dương biện bạch: thời điểm đang triển khai công trình thì có Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát những công trình nào chưa bố trí vốn theo được kế hoạch thì đề nghị dừng, giãn tiến độ, sau năm 2015 mới thực hiện tiếp. Xã tuân thủ nghiêm Chỉ thị này nên đã có công văn yêu cầu giãn tiến độ công trình, chờ bố trí vốn thực hiện. Ngay cả khi công ty có vốn cũng không dám thi công, ông Bùi Văn Tỉnh khẳng định.

Mặc dù việc tạm dừng xây dựng, theo lý giải của phía nhà thầu là đã tuân thủ đúng yêu cầu của Thủ tướng, nhưng ngay từ đầu, nếu Ủy ban nhân dân xã tính toán kỹ lưỡng, chuẩn bị sẵn vốn đối ứng trước khi gọi thầu thì đã không xảy ra việc công trình bị tạm dừng trong thời gian dài như vậy.

Mặt khác, việc xây dựng ngôi trường chậm, trong một thời gian dài cũng khiến dư luận đặt câu hỏi về năng lực của nhà thầu. Thực tế, theo hợp đồng ký kết giữa xã và nhà thầu thì công trình sẽ phải hoàn thành sau 400 ngày trừ ngày lễ và ngày nghỉ, tức là chỉ khoảng đầu năm 2012 sẽ xong. Nhưng đến năm 2013, đơn vị này vẫn chưa hoàn thành công trình, để rồi sau đó “vin” vào Chỉ thị 1792 để tạm dừng thi công.

Đến nay, xã đã bố trí được vốn đối ứng nhưng việc triển khai xây dựng vẫn rất chậm. Theo ông Phạm Trung Nhoáng, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc thì vốn đã được bố trí nhưng mỗi ngày, nhà thầu chỉ đưa vài ba công nhân đến làm cầm chừng. Quan sát thực tế của phóng viên cũng cho thấy, tại công trường chỉ có 4 - 5 công nhân làm việc rời rạc, vừa làm vừa chơi. Những công nhân này chia sẻ, vì công xá thấp nên chẳng ai muốn vào làm. Trong khi đó, làm việc với phóng viên, ông Bùi Văn Tỉnh lại khẳng định công ty sẽ bàn giao công trình vào tháng 4/2017.

Công trình xây dựng dở dang, kéo dài nhiều năm không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng mà mỗi lần điều chỉnh lại đội vốn lên nhiều lần. Cụ thể như ở công trình này, lúc phê duyệt chỉ trên 6 tỷ đồng nhưng sau đó đã đội lên đến trên 10 tỷ đồng.
Mạnh Minh
Rùng mình các công trình giao thông đội giá
Rùng mình các công trình giao thông đội giá

Mới đây, khi Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1) thì nhiều người mới biết một sự thật đáng giật mình: Vốn đầu tư cho công trình này đã bị đội giá hơn 5.000 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với mức được phê duyệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN