Doanh nhân kiều bào tìm cơ hội đầu tư về nước

"Với hơn 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập tại 103 nước và vùng lãnh thổ, đây là tiềm lực kinh tế, tri thức không nhỏ để góp phần phát triển cộng đồng, tham gia xây dựng và phát triển đất nước; nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, Việt Nam chính là điểm đầu tư kinh doanh hiệu quả và thuận lợi nhất", ông Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, khẳng định.


Thu hút nguồn lực đầu tư


Theo thống kê của Bộ Ngoại giao, hàng năm có khoảng 500.000 lượt kiều bào về nước, trong đó không ít chuyên gia, trí thức về làm việc và tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh. Hiện có trên 3.500 doanh nghiệp trong nước được thành lập hoặc góp vốn của kiều bào với tổng số vốn đăng ký khoảng 8,4 tỷ USD. Kiều hối gửi về nước tăng trung bình 10 – 15%/năm. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2012, lượng kiều hối về Việt Nam đạt khoảng 6,4 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào việc ổn định cán cân thanh toán và kinh tế của đất nước. Riêng năm 2011, đạt trên 9 tỷ USD, chiếm 1/10 GDP, đưa Việt Nam trở thành một trong số 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất.

 

Kiều bào tham quan quy hoạch phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu những thông tin đầu tư trong lĩnh vực bất động sản. Ảnh : Thế Anh - TTXVN


Theo ông Đặng Trần Phong, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ Kinh tế, Khoa học công nghệ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), với tiềm lực không nhỏ trên, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài đã mang nhiều dự án đầu tư lớn về cho đất nước. Họ là cổ đông chính trong một số ngân hàng lớn tại Việt Nam như: Techcombank, VPBank…; Chủ đầu tư các dự án: VinGroup, Melinh Plaza, Eurowindow, Masan, Sun Group, Eden Resort Dalat, Bana Hill….


Có thể thấy, sự thay đổi chính sách của Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho NVNONN về Việt Nam tham gia xây dựng phát triển đất nước, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm, cơ hội đầu tư kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước đã giúp các kiều bào Việt Nam ở nước ngoài có điều kiện thuận lợi về Việt Nam đầu tư. Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị đi vào thực hiện, các Quy chế miễn thị thực, Luật Quốc tịch cho phép NVNONN được mang 2 quốc tịch, Luật Nhà ở cho phép mở rộng đối tượng NVNONN được sở hữu nhà ở trong nước đã được đáp ứng nhu cầu cho nhiều doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào…


Thừa nhận những chính sách mà Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện, ông Bùi Đình Dĩnh – Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho biết: Kể từ sau khi Hội nghị NVNONN tổ chức lần thứ nhất, hiệp hội đã được thành lập. Đến nay, hiệp hội đã quy tụ được 208 hội viên là các doanh nhân Việt Nam đang sinh sống và hoạt động kinh doanh ở khắp nơi trên thế giới. Trong số các hội viên của hiệp hội, có rất nhiều gương mặt doanh nhân tiêu biểu, kinh doanh thành đạt và có ảnh hưởng uy tín cao trong cộng đồng. Với sứ mệnh làm cầu nối, hiệp hội đã có những hoạt động ý nghĩa, thiết thực góp phần tạo môi trường để hợp tác và trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp, doanh nhân, các hiệp hội trong và ngoài nước.


Ông Đỗ Trác Bàng – Chủ tịch hiệp hội Hữu nghị CanaĐa – Việt Nam, Đại sứ Hữu nghị của thành phố Toronto tại Việt Nam:

Cần đẩy mạnh người Việt Nam dùng hàng Việt Nam

 Từ sau khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, rất nhiều nhà đầu tư đã vào Việt Nam. Tuy nhiên, họ luôn trăn trở về việc tiêu thụ hàng hóa Việt Nam ra quốc tế. Đây là sự cạnh tranh rất khốc liệt với các nước xuất khẩu Đông Nam Á, nhất là Thái Lan và Trung Quốc. Thực tế hiện nay, hàng sản xuất tại Việt Nam vẫn bị tồn kho, chậm tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước. Trong khi đó, rất nhiều kiều bào nước ngoài muốn về Việt Nam để xuất hàng sang nước sở tại. Hiện nay tại các chợ truyền thống trong nước vẫn chủ yếu là hàng hóa Trung Quốc. Vì thế, song song với khẩu hiệu “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, Chính phủ cần phải quyết liệt đưa phong trào trên đi vào thực tiễn nhằm phát huy tinh thần yêu nước của cộng đồng người Việt nói chung và của kiều bào nói riêng. Có như thế, cộng đồng kiều bào Việt Nam mới có thể thấy được sức mạnh cũng như chất lượng của hàng Việt, từ đó thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt sang các nước trên thế giới.

Bà Helena – Giám đốc Công ty Scandia Villa & Resort (Kiều bào đang sinh sống tại Thụy Điển):

Giảm thủ tục hành chính để tăng cơ hội cho kiều bào

Tôi mất 5 năm để xin đầu tư tại Phú Yên, đến năm 2009 Chính phủ mới chấp thuận. Tuy nhiên, từ đó đến nay tôi phải từ Thụy Điển về Việt Nam và ngược lại nhiều lần để giải quyết các thủ tục hành chính. Trong khi đó, tôi đã đóng tiền thuê đất 50 năm, nhưng đất được giao để đầu tư vẫn “chưa sạch”. Cây cối vẫn trồng trên đất, chính quyền vẫn chậm giải quyết thủ tục, gây mất nhiều thời gian và công sức. Và đặc biệt, cơ hội đầu tư đã dần trôi qua, gây thiệt hại kinh tế không chỉ cho nhà đầu tư mà cả tỉnh Phú Yên cũng như Nhà nước. Vì thế, Chính phủ cần nhanh chóng thay đổi chính sách, cải cách giảm thủ tục hành chính để tăng cơ hội đầu tư tại Việt Nam cho các kiều bào.

Đồng tình quan điểm, ông Đặng Minh Trường (kiều bào Ucraina, Tổng giám đốc Tập đoàn Sun - Group) cho biết: “Với những ưu đãi về chính sách, tôi quyết định về nước đầu tư. Tuy nhiên, trước đó bản thân tôi và nhiều người Việt ở nước ngoài cho rằng, Việt Nam vẫn đang bị chiến tranh tàn phá và chưa phát triển. Tuy nhiên mọi thứ thay đổi khi mọi người đặt chân đến Việt Nam. Có khá nhiều lĩnh vực đầu tư mang lại hiệu quả cao, trong đó có cả những ngành “nóng” như bất động sản và chứng khoán. Thế nhưng, tôi đã chọn một hướng đi khác là đầu tư vào ngành du lịch và xây dựng. Theo đó, 2 dự án Bà Nà Hills và Intercontinental Resort tại Đà Nẵng đã ra đời”. Hiện nay, dự án Bà Nà Hills và Intercontinental Resort tại Đà Nẵng đã chính thức hoàn thành và đưa vào khai thác, tạo thêm hàng ngàn việc làm cho lao động địa phương và đóng góp vào nguồn thu ngân sách.


Trong những năm qua, cộng đồng NVNONN ngày càng ổn định, hòa nhập vào xã hội sở tại, có tiềm lực về kinh tế. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh vẫn lo ngại trước những khó khăn và thách thức mà NVNONN đang phải đối mặt.


Thực tế, cuộc sống của kiều bào ở không ít nơi còn gặp khó khăn, địa vị pháp lý còn thấp. Nhất là một số nước siết chặt quy chế cư trú và kinh doanh làm cho bà con gặp nhiều khó khăn trong làm ăn và hợp pháp hóa giấy tờ. Tình trạng phụ nữ lấy chồng nước ngoài, đi lao động qua môi giới lậu gia tăng. Một số vụ cô dâu bị ngược đãi, sát hại, xưởng may đen… gây bức xúc trong dư luận. Tội phạm người Việt trong buôn bán ma túy, rửa tiền, trồng cần sa… phát triển, ảnh hưởng đến hình ảnh cộng đồng. Có thể thấy như các nước và vùng lãnh thổ: Campuchia, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nga và các nước Đông Âu, Tây Âu, Bắc Mỹ…


Mặt khác, các Hội người Việt Nam truyền thống chậm đổi mới về phương thức hoạt động, chưa thu hút được nhiều lớp trẻ tham gia. Trước tình hình trên, ông Trần Tuấn Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ Kinh tế, Khoa học công nghệ Ủy ban Nhà nước về NVNONN cho rằng, cần có chính sách để thu hút tri thức NVNONN về Việt Nam xây dựng đất nước. Hiện nay, có gần 400.000 chuyên gia, tri thức NVNONN có trình độ đại học trở lên, có kỹ thuật tay nghề cao, tập trung ở các nước phương Tây. Đây được xem là một nguồn lực tiềm năng có thể đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế, giúp Việt Nam tiếp thu nhanh chóng các công nghệ mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, tạo dựng quan hệ hợp tác với các cơ sở kinh tế, khoa học ở các nước.


Tuy nhiên, hàng năm chỉ có gần 300 lượt tri thức kiều bào về đóng góp chuyên môn và tham gia các chương trình hợp tác nghiên cứu phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo… Trong đó, số lượt chuyên gia, tri thức NVNONN về làm việc với cơ quan nhà nước chiếm 55%; về giảng dạy, nghiên cứu khoảng 45%. Theo ông Trần Tuấn Dũng, nguyên nhân chính sách thu hút tri thức kiều bào vẫn còn hạn chế, chưa tạo điều kiện, hỗ trợ thỏa đáng cho tri thức ở nước ngoài về Việt Nam làm việc. Thậm chí, ngay cả chính sách đầu tư cho NVNONN đã được “cởi mở” nhiều, nhưng vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà, gây khó khăn và mất nhiều thời gian, cơ hội đầu tư cho các doanh nhân, doanh nghiệp VNONN khi muốn về Việt Nam đầu tư.


Cần sợi dây liên kết chặt hơn


Tuy nhiên, theo các kiều bào, để thu hút các kiều bào về Việt Nam đóng góp xây dựng đất nước, Chính phủ cần có những sợi dây liên kết chặt hơn, không chỉ về chính sách, văn hóa mà cả về kinh tế. Đây chính là cầu nối quan trọng để các doanh nhân, tri thức kiều bào tham gia đóng góp xây dựng phát triển đất nước.


Ông Nguyễn Ngọc Mỹ (Việt kiều Ôxtrâylia), Chủ tịch Tập đoàn Vabis, chia sẻ: Với 20 năm kinh nghiệm đầu tư về Việt Nam, thực tế cho thấy nhiều kiều bào khi về nước tìm hiểu đầu tư đều thiếu cẩm nang giới thiệu về những tiềm năng của Việt Nam cũng như những chính sách đầu tư, chính sách hỗ trợ cho kiều bào. Theo đó, khi các doanh nhân Việt kiều về nước, họ không biết đầu tư vào đâu, đầu tư vào lĩnh vực nào cho hiệu quả. Vấn đề chính là do Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong nước không có cơ sở dữ liệu hay cẩm nang về các địa chỉ, lĩnh vực đầu tư để giới thiệu cho kiều bào. Vì vậy, để tìm được một lĩnh vực hay dự án đầu tư phù hợp, kiều bào thường mất rất nhiều chi phí, đặc biệt là thời gian để tìm hiểu.


TS. Hoàng Xuân Bình, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan, cho biết: Một số tỉnh, thành phố trong nước có thông tin về các chính sách và danh sách dự án kêu gọi đầu tư, bao gồm cả các dự án đầu tư cho các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, con số này không nhiều, hơn nữa, các dự án kêu gọi đầu tư thường là các dự án lớn, nằm ở vùng khó khăn, nên chưa được doanh nghiệp quan tâm. Ông Bình cũng cho rằng, các địa phương trong nước cần xây dựng hệ thống thông tin chung cho các tỉnh, thành phố, như là cẩm nang về chính sách và các dự án kêu gọi đầu tư hàng năm, được sắp xếp thuận tiện cho tìm kiếm từ địa phương, lĩnh vực, mức vốn, ưu đãi... “Quan trọng hơn, để cẩm nang thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp Việt kiều lại là sự phong phú, đầy đủ của thông tin và phương thức hỗ trợ. Tránh tình trạng các dự án tốt, khả thi đều được “phân phối nội bộ”, số còn lại mới công khai kêu gọi đầu tư”, ông Bình nhấn mạnh. Có thể đề xuất giải pháp tổ chức đấu thầu công khai hàng năm các dự án thu hút đầu tư nhằm khẳng định tính minh bạch, bình đẳng cho mọi doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng nên có trung tâm hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp của kiều bào về thông tin, luật pháp. Chỉ khi nào tạo được niềm tin của doanh nghiệp, thì cẩm nang đầu tư mới có sức sống và giúp ích thiết thực cho doanh nghiệp.


Trong thực tế triển khai đầu tư tại Việt Nam, ông Bình cho rằng, nhìn chung, các chính sách thu hút đầu tư đều rất thông thoáng, những năm gần đây đã giảm bớt thủ tục phiền hà. Tuy nhiên, khi vận dụng chính sách vào thực tiễn, vẫn có vướng mắc trong việc ra quyết định, hay thời gian chờ đợi quá lâu, phải thông qua nhiều môi giới, trung gian... Những hạn chế này khiến một số kiều bào e ngại khi đầu tư về nước. Trước tình hình trên, nhiều doanh nhân kiều bào đã lựa chọn phương thức mua lại các dự án, các công ty, hoặc chuyển sang hình thức đầu cơ tại Việt Nam.

 

Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN