Doanh nghiệp “tính kế” giành thị phần bán lẻ

Trước sức ép cạnh tranh của các nhà bán lẻ nước ngoài, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, cung cấp hàng hóa trong nước đã liên kết với nhau để giành lại thị phần.

Hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm

Mới đây, Trung tâm xúc tiến thương mại TP Hồ Chí Minh đã làm cầu nối cho các DN sản xuất, cung cấp hàng hóa của 21 tỉnh, thành phố phía Nam gặp gỡ để cùng thảo luận về phương án đưa hàng hóa vào các chuỗi cửa hàng, siêu thị bán lẻ, đồng thời tạo được thương hiệu để thu hút người tiêu dùng. Theo đó, các DN đã cùng nhau thống nhất hình thành chuỗi thực phẩm an toàn, chủ yếu là các mặt hàng nông sản - thực phẩm tươi sống như rau củ quả, trái cây, thịt gia súc, gia cầm, trứng, thủy hải sản và các loại thực phẩm chế biến.

Để có thể chen chân vào siêu thị hiện đại, các doanh nghiệp phải chú trọng nâng cao chất lượng, thương hiệu và tổ chức lại hệ thống phân phối.

Theo các nhà phân phối bán lẻ lớn như tập đoàn VinGroup, Saigon Co.op, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - Satra, Lotte, BigC, Metro, Công ty Lương thực TP Hồ Chí Minh; Ban quản lý các chợ đầu mối nông sản thực phẩm (Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn), để hàng Việt có chỗ đứng vững chắc, đồng thời có thể cạnh tranh được với hàng ngoại nhập thì trước hết sản phẩm của các DN sản xuất phải có chất lượng tốt. “Kênh siêu thị luôn có vai trò rất quan trọng trong quá trình phân phối, tiêu thụ sản phẩm và quảng bá thương hiệu của DN. Tuy nhiên, hầu hết DN trong nước là doanh nghiệp quy mô vừa hoặc nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nên họ khó tiếp cận kênh phân phối lớn. Trong khi đó mô hình tự sản xuất, tiếp thị, bán hàng nhỏ lẻ khó có thể giúp DN tạo nên sức mạnh. Do đó, cần có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa DN sản xuất và phân phối”, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Saigon Food chia sẻ.

Để tăng cường liên kết, tiêu chí mà các DN sản xuất, cung ứng hàng hóa hướng tới là phải đảm bảo về chất lượng sản phẩm. Cụ thể, sản phẩm đầu ra phải có các chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn (GlobalGAp, VietGAP, HACCAP...); hay có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm có nhãn mác, bao bì, thông tin về sản phẩm rõ ràng. Riêng với các mặt hàng thịt, cá, gia súc, gia cầm cần có chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y trong qui trình nuôi và giết mổ. Hiện nay, đã có gần 200 đơn vị, trong đó có nhiều loại hình công ty, doanh nghiệp tư nhân, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, tổ sản xuất, trang trại, hộ sản xuất... đăng ký tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. 

Hỗ trợ từ kênh phân phối 

Để hỗ trợ DN tiếp cận nhà bán lẻ, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các nhà bán lẻ phải ưu tiên hàng Việt. Hiện nay, các kênh bán lẻ trong nước như Co.opMart, Satra... đã ưu tiên hỗ trợ các DN sản xuất, cung ứng hàng hóa trong nước. Mới đây, Tập đoàn Vingroup cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với gần 250 DN đến từ 18 tỉnh/thành phố trên toàn quốc. Theo đó, Vingroup hỗ trợ DN Việt đưa hàng vào hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ với các điều kiện ưu đãi hợp lý. Riêng các DN cung ứng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống như thịt, cá, gia cầm, rau củ quả, trái cây... sẽ được hưởng mức chiết khấu bằng 0%. Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, cho biết việc chiết khấu 0% cho các DN với mục đích tạo thêm nguồn kinh phí cho DN, giúp DN tái đầu tư vào chất lượng sản phẩm và có thêm điều kiện thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm và thúc đẩy sản xuất nội địa. 

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ chí Minh, cho rằng việc làm trên tuy có chậm, nhưng là cần thiết để hỗ trợ các DN thoát khỏi sự chèn ép của nhà bán lẻ nước ngoài. Theo đó, nếu các hiệp hội, ngành nghề hợp lực, liên kết các thành viên cùng nhau hành động thì các nhà bán lẻ nước ngoài không còn cơ hội để đòi tăng chiết khấu và các chi phí bất hợp lý khác.

Chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín, ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, cũng đồng tình và khuyến nghị nên nhân rộng mô hình của Tập đoàn Vingroup. Bởi sự tiếp sức của nhà bán lẻ lớn trong nước với các DN sản xuất, cung ứng hàng hóa trong nước rất quan trọng. Để khuyến khích các DN lớn khác cùng tham gia hỗ trợ các DN nhỏ, Chính phủ nên có cơ chế, chính sách hỗ trợ thêm cho các DN lớn như về đất đai, thuế... Có như thế, các DN lớn mới đủ khả năng tiếp sức cho các DN nhỏ lâu dài. 
Bài và ảnh: Hải Yên
Thị trường bán lẻ trước sức ép của doanh nghiệp ngoại - Bài 1
Thị trường bán lẻ trước sức ép của doanh nghiệp ngoại - Bài 1

Với tiềm năng lớn, hấp dẫn, thị trường bán lẻ Việt Nam đang thu hút mạnh mẽ các nhà bán lẻ nước ngoài tham gia đầu tư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN