Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn Đông – Wang Liang, Sơn Đông là một trong những tỉnh, thành phố đứng nhóm đầu toàn quốc về phát triển kinh tế, dân số vượt quá 100 triệu dân, quy tụ nhiều trường Đại học, Cao đẳng hàng đầu Trung Quốc. Thế mạnh của tỉnh Sơn Đông tập trung vào ngành hải dương, công nghiệp, sáng tạo, du lịch, dịch vụ hiện đại... Các lĩnh vực, quy mô hợp tác ngày càng gia tăng, đặc biệt là hợp tác với các nước Đông Nam Á.
Ông Wang Liang cho biết, Việt Nam trở thành đối tác quan trọng nhất, lớn nhất của tỉnh Sơn Đông, hàng nhập từ Việt Nam chủ yếu là dầu thô, hàng điện tử; ngược lại, tỉnh Sơn Đông xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng điện lạnh, điện tử, dệt may, thiết bị, máy móc..., Tổng kim ngạch giữa Việt Nam và tỉnh Sơn Đông đạt 38 tỷ nhân dân tệ. Về đầu tư, các doanh nghiệp Sơn Đông đầu tư tại Việt Nam gia tăng chủ yếu ở gia công dệt may, cao su...
“Bước vào giai đoạn mới, cơ hội hợp tác giữa tỉnh Sơn Đông và Việt Nam còn tiềm năng rất lớn, nắm bắt cơ hội này, hai bên sẽ tăng cường hợp tác đầu tư cùng có lợi. Chúng tôi sẽ ủng hộ hơn nữa các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam – Sơn Đông tăng cường hợp tác trực tiếp, với trọng tâm thúc dẩy hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch, tài chính, giáo dục, y tế, đấu thầu công trình...”, ông Wang Liang nói.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, buổi tọa đàm sẽ là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu về các cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp của tỉnh Sơn Đông trong các lĩnh vực: nông nghiệp, thực phẩm, vật liệu xây dựng, sắt thép, thiết bị điện, thiết bị y tế, thủy hải sản, tài chính năng lượng, đèn LED, nội thất, lốp xe.
Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam hiểu thêm về tình hình kinh tế tỉnh Sơn Đông, lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài, chính sách hỗ trợ của tỉnh Sơn Đông và nhu cầu mong muốn hợp tác với Việt Nam.
“Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ tạo các điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên gặp gỡ và tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư...”, ông Phòng khẳng định.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Hồ Tỏa Cẩm – Tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cũng cho biết, Đại sứ quán Trung Quốc sẽ tiếp tục phối hợp với VCCI và các bên liên quan, tạo điều kiện tốt nhất cho các bên gặp gỡ, hợp tác, thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp hai bên nói riêng và hai nước nói chung.
Theo thông tin từ VCCI, Việt Nam cam kết tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh theo các chuẩn mực quốc tế, tiếp tục tạo dựng các yếu tố tạo lợi thế cạnh tranh về thể chế đầu tư, kết cấu hạ tầng, phát triển hệ thống tài chính, cải cách giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, Cục này sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc cung cấp thông tin; thu xếp các cuộc gặp gỡ, làm việc hai bên; phối hợp với các bộ ngành để giải quyết khó khăn trong đầu tư; hướng dẫn về chính sách, giải quyết kho khăn cho các nhà đầu tư...
Sau buổi tọa đàm, doanh nghiệp hai bên Việt Nam - Sơn Đông (Trung Quốc) đã có buổi gặp gỡ, tìm hiểu lẫn nhau để tiến tới hợp tác tác.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc năm 2018 đạt gần 104,6 tỷ USD, tăng 11,75% so với năm 2017; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 41,2 tỷ USD, tăng 16,37%; kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc là 63,4 tỷ USD, tăng 8,94%.