Doanh nghiệp quốc tế hội tụ đông đảo tại MTA VietNam 2015

Sáng ngày 7/7, triển lãm quốc tế lần thứ 13 về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại tại Việt Nam (MTA VietNam 2015) đã khai mạc tại Trung tâm triển lãm quận 7 (SECC, TP Hồ Chí Minh). Gần 350 doanh nghiệp (DN) đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đến tham gia triển lãm, với 10 nhóm gian hàng trưng bày những công nghệ tiên tiến nhất đến từ Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan…


MTA VietNam 2015 quy tụ nhiều DN nước ngoài tham gia với quy mô lớn hơn so với 2014.


So với năm 2014, triển lãm năm nay quy mô hơn và tăng trưởng gần 9% diện tích triển lãm. Đáng chú ý, hơn 60% DN Nhật Bản đã quay trở lại triển lãm MTA VIENAM 2015 với 22 DN là chuyên gia trong lĩnh vực cắt gọt, tạo hình kim loại, công cụ cắt và đo lường cũng như các hệ thống công cụ như gian hàng Aizaki, Asada, Enomoto, Kira, Konno, Mishima, Segawa, Towa và Rex…


Một trong những DN Việt ít ỏi, Công ty Kỹ thuật Công nghệ Nam tham gia triển lãm.


Theo đánh giá của ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc điều hành Jetro tại TP Hồ Chí Minh, điều này thể hiện tín hiệu tốt về nền kinh tế Việt Nam vì các DN và nhà đầu tư nước ngoài đều mong muốn mở rộng mạng lưới kinh doanh tại đây. Nhất là trong giai đoạn Việt Nam đang bước vào hội nhập thương mại tự do, đòi hỏi các DN Việt Nam phải luôn nâng cao năng lực để cạnh tranh. Theo đó, những giải pháp được thiết kế đặc biệt dành cho thị trường nội địa Việt Nam mà các DN tham gia triển lãm MTA VietNam 2015 hứa hẹn sẽ hỗ trợ cho DN trong nước nâng cao năng suất sản xuất và nâng tầm chất lượng.


Để cạnh tranh năng lực khi hội nhập, nhu cầu về đổi mới công nghệ về cơ khí tại Việt Nam là rất lớn.


Nói về tiềm năng của ngành cơ khí, ông Trần Việt Dũng, Phó GĐ Công ty tổ chức Triển lãm VCCI, cho biết nhu cầu về máy và thiết bị đến năm 2020 và những năm tiếp theo là khá lớn. Có thể thấy, 6 tháng đầu năm 2015, nguồn vốn đầu tư FDI vào ngành công nghiệp gia công và chế tạo đứng đầu danh sách với gần 5,50 tỷ USD, bằng 80,2% so với cùng kỳ. Tính đến nay, cả nước có 757 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là gần 4 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút đầu đầu tiên và nhiều nhất của các nhà đầu tư nước ngoài.


Bên cạnh triển lãm, MTA VietNam 2015 cũng tổ chức các chương trình hội thảo xoay quanh những vấn đề nóng bỏng nhất, xu hướng nhất cho ngành công nghiệp sản xuất trong nước. Trong đó, bao gồm 2 buổi hội thảo được tổ chức bởi Câu lạc bộ Lean 6 Sigma với chủ đề: “Giải pháp ERP cho Doanh nghiệp sản xuất” và “Hiện trạng, giải pháp về cải tiến năng suất chất lượng cho ngành gia công cơ khí chính xác. Ngoài ra, Trung tâm nghiên cứu kĩ thuật đa ngành (MESLAB) – cộng đồng cơ khí và sản xuất lớn nhất Việt Nam cũng tổ chức 2 hội thảo là “Ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển bền vững” và “Phát triển sản phẩm”. 


Triển lãm sẽ kết thúc vào 9/7/2015.

Hải Yên
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN