Doanh nghiệp đương đầu với tranh chấp thương mại

Nhưng năm 2010 là năm “khó quên” khi Việt Nam phải đương đầu liên tiếp với những vụ tranh chấp thương mại trên thị trường thế giới.

Từ những vụ điều tra chống bán phá giá đầu tiên

Vụ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Mỹ tiến hành đối với túi nhựa PE Việt Nam (tháng 4/2009) đi đến quyết định chính thức với mức thuế chống bán phá giá rất cao đã mở màn cho hàng loạt vụ kiện chống trợ cấp, chống bán phá giá đối với một số sản phẩm xuất khẩu (XK) của Việt Nam. Sản phẩm bị kiện là túi đựng hàng trong các siêu thị, hiệu thuốc, cửa hàng.


Theo đánh giá của Hội đồng tư vấn về chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), đây là vụ việc có tác động lớn đến XK Việt Nam ở khía cạnh lần đầu tiên hàng hóa XK Việt Nam phải đối mặt với một vụ điều tra chống trợ cấp và chống bán phá giá.


Các luật sư và chuyên gia cho rằng, trong vụ kiện này, kết quả điều tra đối với bị đơn bắt buộc có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của rất nhiều bị đơn khác trong vụ kiện, vì vậy chỉ cần bị đơn bắt buộc có cách hành xử không đúng, có kết quả bất lợi thì hệ quả sẽ nhân rộng ra tất cả các bị đơn khác.


Ngày 22/9/2010, tại Hà Nội, Bộ Công Thương Việt Nam đã khai trương website cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong ảnh: Đại diện các doanh nghiệp truy cập website cảnh báo. Ảnh: Trần Việt – TTXVN


Theo ý kiến của các luật sư tư vấn, việc tập hợp các doanh nghiệp (DN) từ đầu vụ kiện để thống nhất hành động, tham gia ý kiến với Phòng Thương mại Mỹ (DOC) trong việc lựa chọn bị đơn bắt buộc và các bị đơn được lựa chọn điều tra có sự cam kết tham gia đầy đủ là rất quan trọng.


Các bản trả lời của các bị đơn nên được gửi trước cho các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam để luật sư tư vấn có thể kiểm soát trước và khuyến nghị điều chỉnh phù hợp để đạt được kết quả thống nhất.


Nếu không hợp tác đầy đủ, DOC sẽ có quyền sử dụng thông tin sẵn có bất lợi, và khi đó kết quả bất lợi cho bị đơn liên quan là không tránh khỏi. Vì vậy, việc hợp tác đầy đủ và trọn vẹn với các cơ quan điều tra của các DN là bị đơn bắt buộc là rất quan trọng và có ý nghĩa đến kết cục toàn bộ cuộc điều tra.

Từ vụ việc này, mặc dù không đạt được kết quả như mong muốn nhưng kinh nghiệm cũng như bản lĩnh của các DN Việt Nam cũng như các cơ quan chức năng đã có bước hoàn thiện để tự tin tự vệ trước các vụ tranh chấp thương mại lớn hơn về sau.

Rào cản sẽ ngày càng nhiều

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh, trong những năm tới các loại rào cản thương mại sẽ ngày càng đa dạng và tinh vi hơn. Bên cạnh các rào cản về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, trợ cấp XK với các sản phẩm công nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm hay dư lượng kháng sinh với hàng nông, thủy sản thì những quy định về xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn môi trường cũng sẽ ngày càng nhiều và gây khó khăn hơn cho DN Việt Nam.


Ngoài ra, việc một số nước đã thực hiện sửa đổi, bổ sung các bộ luật không ngoài mục đích hạn chế nhập khẩu (NK), đã làm cho nhiều DN XK của Việt Nam trở nên khó khăn hơn.

Tại thị trường châu Âu (EU), thách thức lớn nhất của các DN khi thâm nhập thị trường này là việc công bố xuất xứ hàng hóa. Lý do chính là vì hầu hết các mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam như đồ gỗ, dệt may, da giày đều phụ thuộc vào nguyên phụ liệu NK. Nếu không minh bạch trong việc công bố xuất xứ hàng hóa thì nhiều khả năng sẽ bị vướng vào các vụ kiện tụng. Hậu quả để lại cho các ngành sản xuất bị kiện là vô cùng lớn và phải mất rất nhiều thời gian mới có thể hồi phục.

Các thị trường NK đồ gỗ lớn của Việt Nam là Mỹ và EU đang xây dựng các rào cản thương mại nhằm bảo hộ sản xuất trong nước. Đạo luật Lacey của Mỹ đã có hiệu lực từ ngày 1/4/2010, được triển khai theo ba bước, trong đó bước đầu tiên thực hiện trong năm 2010 và DN phải khai theo bảng khai do hải quan Mỹ yêu cầu.


 Tiếp đó Luật Flegt của EU sẽ có hiệu lực vào năm 2012 và Việt Nam đang từng bước chuẩn bị ứng phó. Một số rào cản thương mại mới khác cũng được các nước tăng cường áp dụng, phải kể đển tiêu chuẩn REACH - quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) về hóa chất và sử dụng an toàn hóa chất, gồm các nội dung đăng ký, xem xét, cấp phép và hạn chế với hóa chất.

Các DN XK thủy sản cũng đang gặp khó khăn do Luật IUU (những quy định về hạn chế các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp không có báo cáo và không theo quy định), đã được EU áp dụng từ ngày 1/1/2010.


Đạo luật cải tiến an toàn sản phẩm tiêu dùng (CPSIA) có hiệu lực từ 10/2/2010 áp dụng đối với ngành dệt may cũng được Mỹ ban hành. Inđônêxia cũng đã ban hành quy định yêu cầu các nhà XK trái cây, rau quả sang Inđônêxia phải có giấy chứng nhận phân tích an toàn vệ sinh thực phẩm (CoA) do cơ quan kiểm dịch cấp.

Chủ động bảo vệ thương hiệu

Thời gian qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cục Quản lý cạnh tranh, các hiệp hội ngành nghề cùng nhiều cơ quan khác đã tư vấn hỗ trợ các DN XK để giảm thiểu thiệt hại do các vụ kiện chống bán phá giá gây ra đối với hàng hóa XK, chủ động phòng tránh các vụ kiện có thể xảy ra.

Cục Quản lý cạnh tranh đã xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm đối với các vụ kiện chống bán phá giá của nước ngoài đối với hàng hóa XK của Việt Nam. Theo đó, hệ thống đã cung cấp cơ sở dữ liệu cho các ngành hàng chủ lực của Việt Nam như da giày, dệt may, thủy, hải sản, đồ nội thất, dây cáp điện cũng như cảnh báo các nguy cơ có thể bị kiện. Việt Nam cũng đã kiện vụ Mỹ áp thuế phá giá tôm lên WTO.


Đây là lần đầu tiên Việt Nam khởi xướng vụ kiện tranh chấp kể từ khi gia nhập tổ chức này vào năm 2007. Việc Việt Nam chủ động kiện Mỹ ra WTO cho thấy, nếu chủ động theo đuổi các vụ kiện, các DN Việt Nam có thể giảm thiểu được những thiệt hại. Đối với mặt hàng cá tra, Việt Nam đã lên tiếng phản đối Quỹ quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) khi họ đưa mặt hàng này vào “danh sách đỏ” trong cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản ở một số nước châu Âu. Sau một thời gian ngắn, WWF đã đưa cá tra ra khỏi danh sách này trở lại nguyên trạng.

Với những nỗ lực tự vệ và chống bán phá giá của các ngành hàng XK Việt Nam, năm 2010, một số nước đã dỡ bỏ thuế hoặc giảm chống bán phá giá cho Việt Nam. Ủy ban châu Âu bãi bỏ thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng xe đạp vào tháng 7/2010; Mỹ giảm thuế cho mặt hàng tôm; EU xem xét giảm thuế chống bán phá giá vít thép của Việt Nam.

Việt Nam cũng đã thành công ở hai vụ việc tự vệ liên quan đến hóa chất STPP và sản phẩm xe đạp từ Ấn Độ và Phillípin. Tại những vụ này, các DN đã chứng minh cho cơ quan có thẩm quyền điều tra 2 mặt hàng NK nói trên không gây thiệt hại đến ngành công nghiệp nội địa.


Việc giảm thuế hoặc dỡ bỏ thuế chống bán phá giá này trước hết sẽ giúp người tiêu dùng nước sở tại giảm được gánh nặng thuế chống phá giá phải trả trước đây đối với các mặt hàng bị áp thuế. Bên cạnh đó, lệnh dỡ bỏ thuế chống bán phá giá cũng góp phần giúp DN Việt Nam vượt qua những khó khăn dẫn đến phải phá sản hoặc duy trì sản xuất cầm chừng. Đây cũng là kết quả của những nỗ lực, phối hợp hiệu quả giữa các hiệp hội, DN, cơ quan quản lý nhà nước trong việc đối phó với các rào cản thương mại.

Đỗ Thảo Nguyên
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN