Doanh nghiệp căng thẳng vì kết nối Internet kiểu 'rùa bò'

Trong gần 1 tuần gần đây, khách hàng của các nhà mạng viễn thông rất búc xúc vì chất lượng dịch vụ Internet không đảm bảo do 3 tuyến cáp quang biển quốc tế kết nối với Việt Nam bị sự cố.

Theo anh Nguyễn Ngọc Duy, ngõ 32 phố An Dương, từ hôm qua, mạng Internet Viettel đã dần ổn hơn. “Mấy hôm trước, tôi không thể truy cập được vào mạng xã hội cũng như tra Google”, anh Duy chia sẻ. Còn theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, nhiều thuê bao mạng VinaPhone trong thời gian qua ít bị trục trặc hơn khi xảy ra sự cố đứt cáp.

Tuyến cáp quang biển châu Á - Thái Bình Dương (APG) được đưa vào khai thác từ giữa tháng 12/2016 được kỳ vọng sẽ giảm tải và thay thế cho tuyến cáp AAG (Nguồn ảnh: CMC Telecom)

Trao đối với phóng viên báo Tin Tức ngày 16/1, chủ cửa hàng kinh doanh trò chơi trực tuyến, chị Nguyễn Tuyết Nhung ở ngõ Tự Do, phố Đại La (Hà Nội) nói: Nếu như tuần trước, hàng loạt khách phản ánh về tình trạng máy Internet bị đơ, mạng bị giật khi chơi thì 1- 2 hôm nay, không thấy khách kêu ca nữa. Hiện, hệ thống cửa hàng của chị Nhung đang sử dụng mạng Internet của doanh nghiệp FPT và CMC.

Còn chị Vương Lan Anh, công tác tại Công ty Oreen Travel cho hay, do đặc thù công việc kinh doanh du lịch nên chị hay phải vào mạng để đặt phòng cho khách đi nước ngoài. Vừa qua, mạng Internet bị chập chờn nên có lúc công việc liên hệ cũng bị gián đoạn. Vì vậy Lan Anh đã phải gọi điện thoại ngay với đối tác nước ngoài để xử lý công việc cho khách hàng nên công việc vẫn ổn nhưng lại bị bị phát sinh cước điện thoại quốc tế.

Cũng kinh doanh trong mảng du lịch, Giám đốc điều hành CEO của Phương Nam SunTravel, Nguyễn Tiến Hào chia sẻ: Trong lần trao đổi với đối tác khách hàng hôm qua, khách hàng thông báo trong 2 tiếng sẽ xác nhận "đồng ý" qua mạng Internet. Đây là cuộc mời chào dịch vụ khá quan trọng nên chị Hào đã phải chỉ đạo các nhân viên bật hết sóng điện thoại 3G để tránh không nhận được thông tin.

Trước đó, đại diện Công ty TNHH VT- TM CAN (quận 2, Tp.Hồ Chí Minh) phản ánh với báo giới, công ty ông đang sử dụng mạng cáp quang của Viettel. Có thời điểm, mang bị chập chờn, không thể vào được mạng. Tất cả trang mạng trong và ngoài nước, email của công ty ông với tên miền đuôi .vn của FPT cũng không thể nhận và gửi email được. Còn bác sỹ quân y H.Hải có 2 con đi ở học nước ngoài cho hay: Cuối tuần qua, gia đình sử dụng ứng dụng Viber, Facebook trên cả điện thoại để nói chuyện nhưng sóng rất chập chờn, tiếng nghe không rõ.

Do đặc thù công việc phải vào mạng liên tục để quảng cáo hàng, đặc biệt là sản phẩm Tết; đồng thời phải trả lời trực tuyến khách hàng nên việc gián đoạn Internet thời gian qua khiến công việc kinh doanh của những người làm online cũng có phần ảnh hưởng, gây tâm lý bức xúc. "Có những thông tin phải đăng đi đăng lại mà vẫn không hiển thị trên trang Fanpage, khách hàng vào mạng chậm nên cũng ngại ngần không kích vào sản phẩm cũng như đặt mua. Tính đến hôm nay 16/1, tình trạng "rùa bò" Internet đã được cải thiện hơn", Minh Châu bán hàng qua mạng Nho'house nói.

Trước những sự cố trên, đại diện Viettel đã gửi lời xin lỗi đến khách hàng vì sự cố đứt cáp quang biển ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ; đồng thời chia sẻ: Hiện, Viettel Telecom đã đáp ứng gần 95% nhu cầu sử dụng dịch vụ kết nối quốc tế vào giờ cao điểm, hoàn thành bổ sung dung lượng 200 Gbps, trong đó có 70 Gbps qua hướng cáp đất liền đi Trung Quốc - Hồng Kông, 100 Gbps qua hướng APG nhánh đi Hong Kong và 30 Gbps qua đất liền hướng đi Lào, Campuchia và Thái Lan.

Phía Viettel cũng đã khẩn trương phối hợp với các đối tác tại Nhật Bản để đẩy nhanh tiến độ đưa vào sử dụng, khai thác thêm 100 Gbps dung lượng quốc tế. Dự kiến khi đó sẽ đảm bảo dung lượng tương đương như trước khi xảy ra sự cố và khách hàng Viettel có thể sử dụng dịch vụ bình thường.

Theo ông Hoàng Sơn, Tổng Giám đốc Viettel Telecom, Viettel đã tập trung mọi nguồn lực về tài chính, nhân sự và công nghệ để triển khai giải pháp ứng cứu, định tuyến kết nối, đảm bảo 100% chất lượng cho các dịch vụ sử dụng lưu lượng quốc tế như 3G, thuê kênh, roaming, VoIP (truyền giọng nói trên giao thức IP, Internet có các nội dung Google đã được lưu trữ tại hệ thống máy chủ đặt ở Việt Nam và một phần lưu lượng cho dịch vụ cố định. Bên cạnh đó, Viettel cũng nhanh chóng đẩy lưu lượng cache (lưu trữ dữ liệu) cho gần 100 server máy chủ của Facebook đã được lắp đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, song song với việc bổ sung dung lượng quốc tế.

Còn đại diện VNPT VinaPhone cho biết: mạng Internet của VNPT vẫn còn duy trì ba hướng cáp đi quốc tế, đảm bảo duy trì tốt các hướng đi các nước châu Á, Âu, Mỹ, các kết nối với Google và Facebook.

Ngay khi sự cố xảy ra với cáp quang AAG vào ngày 8/1, VNPT đã định tuyến lưu lượng Internet sang các hướng khác: CSC (cáp đất liền qua Trung Quốc) và SMW3 (tuyến cáp châu Á sang Ấn Độ vào Châu Âu) đảm bảo thông suốt mạng lưới, phối hợp với các đối tác quốc tế để bố trí dung lượng ứng cứu kết nối khắc phục sự cố gián đoạn đường truyền tới khách hàng. VNPT VinaPhone đã lập danh sách các khách hàng cần đặc biệt ưu tiên để đảm bảo tốc độ truy cập Internet hướng quốc tế.

“Chúng tôi đang triển khai các biện pháp nhằm duy trì dịch vụ, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt cho khách hàng, đồng thời chủ động liên lạc để thông tin và hỗ trợ khách hàng. Thời gian khắc phục dự kiến từ ngày 23/1 đến ngày 7/2”, đại diện VNPT VinaPhone nói.

Theo các nhà mạng, các tuyến cáp biển sẽ lần lượt được sửa chữa nhưng dự kiến phải đến ngày 7/2 (11 tháng Giêng), tuyến cáp quang biển đi quốc tế chủ lực của Việt Nam là AAG mới khắc phục được sự cố, khôi phục lại tốc độ internet như bình thường.

Tuyến APG vừa đưa vào sử dụng tháng 12/2016 bị 2 sự cố đồng thời vào ngày 31/12/2016 (tại Singapore và Chongming- Trung Quốc dẫn tới mất lưu lượng đi Singapore). Dự kiến ngày 23/1 được khắc phục xong.

Tuyến AAG bị sự cố ngày 8/1 dẫn tới mất lưu lượng từ Việt Nam, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore và Mỹ, dự kiến hoàn tất việc sửa chữa là ngày 29/1. Trong khi đó, tuyến cáp quang biển Liên Á (IA) bị lỗi sự cố tại nhánh đi Hong Kong vào ngày 10/1, tuy nhiên ngay trong ngày đã cấu hình lại nguồn nên đã hoạt động trở lại. Thế nhưng vào ngày 11/1 lại phát hiện tiếp lỗi rò rỉ nguồn tại nhánh đi Singapore. Hiện nay chưa có thông báo từ Ban Quản lý tuyến cáp về lịch trình sửa chữa.

Theo Luật thương mại, điều 302 quy định: “Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do việc vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm". Tuy nhiên, theo điều 294, "bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng". Tuy nhiên, trong hợp đồng ký với khách hàng, các nhà cung cấp Internet thường đưa vào điều khoản miễn trừ trách nhiệm trong các trường hợp hư hỏng do thiên tai.

Minh Phương
Viettel, VinaPhone khắc phục đứt cáp quang do bão
Viettel, VinaPhone khắc phục đứt cáp quang do bão

Do sự cố bất khả kháng ảnh hưởng của bão số 2 trên Biển Đông, vào lúc 17h35 ngày 2/8, một phân đoạn tuyến cáp quang AAG từ Việt Nam đi Hong Kong gặp sự cố, gây ảnh hưởng đến kết nối Internet Việt Nam. Hai nhà mạng VinaPhone và Viettel đã triển khai khắc phục ngay sự cố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN