Doanh nghiệp bất động sản 'xoay sở' để không chôn vốn vào dự án

Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam (Vnrea) khuyến cáo các doanh nghiệp đầu tư phát triển dự án cần xem xét lại nguồn lực, bán một phần hoặc toàn bộ dự án để giảm gánh nặng chi phí, tạo dòng tiền tái thiết lập bộ máy, thực hiện các dự án khả thi, nhằm hạn chế chôn vốn vào các dự án tồn kho trong bối cảnh thị trường vẫn đứng trước nhiều khó khăn.

Quá nhiều khó khăn

Thống kê của Vnrea cho biết, thị trường BĐS hiện trực tiếp đóng góp 15% tỷ trọng vào GDP của quốc gia, cùng với sức lan tỏa tới 40 ngành nghề chủ chốt của nền kinh tế như: Xây dựng, ngân hàng - tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, du lịch, nông nghiệp… và có vai trò quan trọng trong "hệ sinh thái" kinh tế, tác động đến chuỗi sản xuất và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng, an sinh xã hội, việc làm.

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp bất động sản "xoay sở" để không chôn vốn vào dự án.

Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 5/2022 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, chu kỳ tăng trưởng của thị trường, tăng trưởng kinh tế giảm, cộng với hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, cũng như các vướng mắc về pháp lý trong quá trình triển khai dự án chưa được tháo gỡ, buộc thị trường phải rơi vào trạng thái trầm lắng. Thực tế này khiến "sức khỏe" các doanh nghiệp BĐS ngày càng suy yếu.

Dữ liệu khảo sát của Vnrea đưa ra nhận định, nếu tình hình thị trường vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn, có tới 23% doanh nghiệp chỉ duy trì hoạt động được tới hết quý III/2023, 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm 2023. Nếu không tìm được “lối thoát” kịp thời, thị trường sẽ phải đối mặt với kịch bản ra đi của hàng loạt doanh nghiệp đầu tư, phát triển BĐS, kinh doanh dịch vụ BĐS, môi giới BĐS và quan ngại hơn là nhiều người lao động liên quan sẽ mất việc làm, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Nguyễn Hoàng Hải, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp BĐS phản ánh gặp nhiều thách thức trong hoạt động kinh doanh. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý; trong đó, phần lớn doanh nghiệp phải tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động... Thậm chí, nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn.

Còn số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra còn số, đến tháng 6/2023, số lượng doanh nghiệp kinh doanh BĐS thành lập mới là 1.744 đơn vị, giảm tới hơn 61% so với cùng kỳ năm 2022; số doanh nghiệp BĐS giải thể gần 560 đơn vị, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Hết quý II/2023, các doanh nghiệp BĐS vẫn tiếp tục khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng, dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai dự án.

Doanh nghiệp BĐS phải tự cứ mình

Theo ông Lê Xuân Nga, Tổng Giám đốc BHS Group, chủ đầu tư các dự án BĐS đang là đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà ngay cả một số doanh nghiệp có tiềm lực, dự án chất lượng cũng gặp trở ngại. Mặc dù hạ lãi suất cho vay, nhưng nhiều ngân hàng xem xét đến yếu tố dự án có đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường, khả năng bán được hàng hay không, mới xét duyệt hồ sơ. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay bình quân ở mức 11 - 13%/năm vẫn cao, khiến các doanh nghiệp BĐS cân nhắc. Chưa kể, các doanh nghiệp còn phải mất nhiều thời gian mới hoàn thành thủ tục vay vốn ngân hàng bởi điều kiện vay, việc thẩm định cho vay hiện nay siết chặt hơn.

Chính phủ đã ban hành hàng loạt các chính sách giúp doanh nghiệp BĐS giãn, hoãn các khoản nợ. Tuy nhiên, các chuyên gia BĐS cho rằng, để tự cứu lấy mình, các doanh nghiệp phải chủ động xem xét lại nguồn lực, rà soát lại các dự án đang có, chỉ nên giữ lại các dự án tiềm năng đủ năng lực triển khai, kêu gọi đầu tư liên doanh, liên kết và bán một phần hoặc toàn bộ dự án không thể tiếp tục triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm các khách hàng/nhà đầu tư hoặc liên hệ qua các đơn vị chuyên nghiệp để hỗ trợ kết nối với các đối tượng có nhu cầu hợp tác đầu tư hoặc mua lại dự án. Để sớm đạt được thỏa thuận, các doanh nghiệp BĐS cần giảm bớt kỳ vọng có lãi, nhằm tạo dòng tiền tái cơ cấu. Thực tế cho thấy, có không ít doanh nghiệp hiện nay chỉ vì cố gắng cầm cự, trong khi khả năng không đủ, đã tự đẩy mình vào bước đường cùng với đủ các khoản “lãi mẹ đẻ lãi con” và những khoản nợ khổng lồ, mà tiền lãi cao gấp nhiều lần nợ gốc.

Vnrea kiến nghị, để có dòng vốn tạo "cú hích" cho thị trường trong quý III/2023, các cơ quan chức năng cần tiếp tục cải thiện khung pháp lý, cũng như các chính sách khuyến khích đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam. Song song với đó, Nhà nước cần tiếp tục có các giải pháp nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc pháp lý cho các dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, ưu tiên các dự án cấp thiết, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Thanh Vân/Báo Tin tức
Các kịch bản thị trường bất động sản Việt Nam quý II/2023
Các kịch bản thị trường bất động sản Việt Nam quý II/2023

Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam tiếp tục ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng kể từ cuối tháng 5/2022 đến hết quý I/2023. Hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, cũng như các vướng mắc về pháp lý chưa được tháo gỡ triệt để, khiến các doanh nghiệp BĐS đều rơi vào trạng thái “chờ đợi”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN