Doanh nghiệp bán lẻ gặp khó trên “sân nhà”

Sau 5 năm Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ theo các cam kết hội nhập, doanh nghiệp (DN) bán lẻ ngoại đã không đổ bộ vào thị trường Việt Nam như dự đoán, nhưng sức ép cạnh tranh với DN trong nước đã ngày một lớn dần. Tại buổi làm việc của Bộ Công Thương với các DN bán lẻ lớn trong nước diễn ra tại Hà Nội ngày 13/3, nhiều DN bán lẻ Việt Nam cho rằng, chính sách phân cấp đầu tư trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và quy hoạch ngành kém là nguyên nhân khiến các DN bán lẻ Việt Nam yếu thế trước đối thủ cạnh tranh nước ngoài.

Sụt giảm doanh số bán hàng vì doanh nghiệp ngoại

Cùng với việc thực hiện chính sách mở cửa thị trường dịch vụ phân phối, các tập đoàn lớn trên thế giới như Metro (Đức), Big C (Pháp), Parkson (Malaixia), Lotte (Hàn Quốc)... đã và đang tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động của mình với các mô hình phân phối hiện đại, quản lý tiên tiến. Số lượng cơ sở của DN phân phối có vốn đầu tư nước ngoài đã tăng lên đáng kể, trong đó, Metro Cash & Carry đã có 17 siêu thị, Big C có 18 siêu thị... Hiện nay, các đại giá bán lẻ của thế giới như Walmart, Carrefour, Tesco... cũng đang dòm ngó thị trường Việt Nam.

Theo ông Hoàng Văn Năm, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), việc mở cửa thị trường phân phối là một trong những yếu tố góp phần phát triển các loại hình phân phối mới ở Việt Nam theo hướng văn minh, hiện đại. Đến cuối năm 2011, cả nước đã có 638 siêu thị tại 59/63 tỉnh, thành phố (tăng 12,52% so với năm 2010) và 117 trung tâm thương mại tại 32/63 tỉnh, thành phố (tăng 23,15% so với năm 2010). Số lượng siêu thị thành lập mới 5 năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO tăng hơn 20%, số lượng trung tâm thương mại thành lập mới tăng hơn 72%. Ngoài ra, còn có hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi (theo mô hình hiện đại của các nước tiên tiến) phân bổ rộng khắp cả nước.

Tuy nhiên, với các DN bán lẻ, càng mở cửa thì sức ép cạnh tranh ngày càng lớn. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Coop, cho rằng: Trong lúc DN trong nước còn thiếu kinh nghiệm phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại thì DN nước ngoài với tiềm lực mạnh lại tổ chức nguồn hàng hóa và có dịch vụ rất tốt nên lực mua bán rất mạnh, thậm chí còn thu mua hàng hóa trong nước để xuất khẩu qua hệ thống của họ hoặc đặt hàng sản xuất từ nước họ để bán tại Việt Nam. Các tập đoàn nước ngoài có quy mô lớn với nhiều loại hình kinh doanh, cả bán lẻ, bán buôn thì DN Việt Nam chủ yếu phát triển ở quy mô vừa và nhỏ. Ngoài ra, DN Việt Nam không đủ vốn để mua đất, xây dựng những siêu thị trên diện tích hàng ngàn hécta… Do tính cạnh tranh không cao nên giá bán của các nhà bán lẻ Việt Nam thường cao hơn giá bán của DN nước ngoài. Đó là những yếu kém trong cạnh tranh của DN Việt Nam.

Bà Vũ Thị Hậu, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Nhất Nam (Fivimart) tỏ ra lo lắng bởi nếu DN nước ngoài vào Việt Nam và họ lại được ưu tiên về mặt bằng tại các trung tâm thì DN trong nước khó tồn tại. Vì DN nước ngoài mạnh về tài chính nên họ có thể đàm phán được với các nhà cung cấp về giá, chiết khấu nhiều và đương nhiên, các DN trong nước sẽ khó cạnh tranh. Ngoài ra, hiện nay, các DN Việt Nam còn hạn chế về nghiệp vụ, chuyên môn, đa phần các DN trong nước không thực sự quan tâm nhiều tới các yếu tố quảng bá, trưng bày sản phẩm trong khi các DN nước ngoài làm điều này rất bài bản.

Người dân mua sắm tại siêu thị Coopmart Quảng Trị. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN


Gần đây, việc một siêu thị của Fivimart ở TP Hồ Chí Minh phải đóng cửa được bà Hậu cho biết nguyên nhân là do chủ thuê địa điểm tăng giá quá cao nên DN phải đóng cửa để tìm một địa điểm khác. Nhưng, có thêm một lý do khiến Fivimart phải đóng cửa điểm bán hàng trên là do cách đó không xa đại siêu thị Lotte mới được mở khiến doanh số bán hàng của Fivimart sụt giảm. Các siêu thị Intimex, Hapro cũng cho rằng, khi ở cùng khu vực kinh doanh mà có thêm sự xuất hiện của DN ngoại thì doanh số bán hàng của DN trong nước sẽ bị sụt giảm. “Các DN ngoại có tiềm lực vốn lớn sẵn sàng chấp nhận chịu lỗ trong một thời gian dài để thu hút khách hàng và mở rộng thị phần. Nhưng, DN trong nước trong điều kiện hiện nay khó có thể làm được như vậy”, đại diện một DN lý giải.

Cần xây dựng những DN phân phối đủ mạnh

Việc mở cửa thị trường phân phối là xu thế không thể đảo ngược do nhu cầu tự thân của nền kinh tế, của người tiêu dùng. Theo Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc cam kết WTO thậm chí còn mở rộng hơn và sâu hơn, sớm hơn nữa cho các nhà bán lẻ nước ngoài. Các thành viên Hiệp hội cũng đã chuẩn bị tinh thần về mặt nhận thức là trong tương lai, khi Việt Nam thực hiện cam kết TPP, FTA thì sức ép cạnh tranh sẽ còn lớn hơn nữa. “Hiện nay, các DN bán lẻ trong nước cũng đã có bước phát triển mạnh mẽ so với trước. Tuy nhiên, do các cam kết mở cửa thị trường Việt Nam trong tương lai sẽ còn sâu rộng hơn trong cam kết WTO nên các DN bán lẻ Việt Nam phải tìm cách vươn lên mạnh mẽ hơn nữa”, Tổng thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan đề xuất.

Để các DN trong nước vươn lên lớn mạnh hơn nữa, các DN bán lẻ trong nước kiến nghị Nhà nước cần có chính sách quan tâm đến việc phát triển thị trường bán lẻ cũng như sự sống còn của DN bán lẻ. Diễn biến thị trường bán lẻ thời gian qua cho thấy, các DN bán lẻ đủ mạnh sẽ là công cụ đắc lực của Nhà nước trong việc đảm bảo cung - cầu, bình ổn thị trường hàng hóa, giá cả. Do đó, theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, trong chiến lược phát triển thị trường trong nước, cần có chính sách quan tâm xây dựng những nhà phân phối nội địa đủ mạnh, làm nòng cốt cho sự phát triển của thị trường.

Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Phan Thế Ruệ cho rằng, các DN trong nước cần được gỡ khó về tiếp cận về đất đai, thuế và cả định hướng về chính sách phát triển. Các DN trong nước khi muốn triển khai hệ thống phân phối, bán lẻ ở các tỉnh gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận với đất đai, mặt bằng. “Hiện nay, việc cấp phép cho các nhà bán lẻ được giao cho các địa phương, trong khi đó, do thực hiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, nhiều địa phương còn ưu tiên mặt bằng cho các DN nước ngoài hơn DN trong nước”, ông Ruệ nhận xét.

Đại diện Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng cho rằng, để tạo điều kiện cho sự phát triển của DN bán lẻ trong nước, cần có sự thống nhất giữa Trung ương và địa phương, nhất là về mặt bằng xây dựng. Đồng thời, Nhà nước cũng cần cân nhắc về các chính sách cho những DN tiên phong trong mở thị trường bán lẻ ở các tỉnh vùng xa. Bên cạnh đó, các DN trong nước nên tăng cường liên kết, hợp tác để tận dụng lợi thế của nhau để có thể phát triển kinh doanh hiệu quả và thúc đẩy sản xuất trong nước và giữ vững thị trường nội địa.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: “Chú trọng phát triển hệ thống phân phối nội địa”
Hệ thống phân phối và bán lẻ Việt Nam có vai trò quan trọng và có tác động to lớn đến phát triển kinh tế, phát triển sản xuất và ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng chục triệu người tiêu dùng Việt Nam. Hiện lĩnh vực phân phối bán lẻ đóng góp 13 - 15% GDP, đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng, góp phần bình ổn thị trường, tạo điều kiện cho thu nhập và việc làm cho hàng triệu người lao động, góp phần hình thành hệ thống thương mại văn minh, hiện đại. Vì thế, cần đề cao việc phát triển thương mại nội địa. 5 năm qua, mặc dù thị trường trong nước phát triển với quy mô lớn nhưng vẫn có dấu hiệu thiếu bền vững, vì nếu trừ yếu tố tăng giá thì thương mại trong nước chỉ tăng trưởng khoảng 4%. Để thị trường phát triển bền vững, cần thực hiện một số giải pháp: Nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ từ Chính phủ những chính sách mà không vi phạm cam kết quốc tế như hỗ trợ đào tạo năng lực quản lý và kỹ năng bán hàng; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, ứng dụng các phương pháp quản lý hiện đại, thông tin thị trường. Về xúc tiến thương mại cần hỗ trợ thông qua các chương trình, các quỹ khuyến nông, khuyến công được phép lồng ghép và chương trình xúc tiến thương mại do các nhà bán lẻ trong nước tổ chức. Về mặt bằng cơ sở hạ tầng, thông qua hình thức thuê, mượn, trả dần tiền thuê… tạo điều kiện thuận lợi cho DN phân phối trong nước tiếp cận các mặt bằng kinh doanh có vị trí thuận lợi, quy mô phù hợp với từng loại hình phân phối. Quy hoạch xây dựng các trung tâm logicstic tập trung, xây dựng phần mềm quản lý miễn phí. Tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn vay và có cơ chế vay vốn ưu đãi đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại; nhất là vốn để phục vụ công tác bình ổn thị trường, tiêu thụ nông sản cho nông dân… Có chính sách khuyến khích để các DN liên doanh với các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới lập cơ sở bán lẻ tại Việt Nam để qua đó học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu trình độ quản lý và công nghệ tiên tiến. Bộ trưởng nhấn mạnh, cần hoàn thiện chính sách, luật pháp về mở cửa thị trường, dịch vụ phân phối, đặc biệt phải xây dựng một chiến lược tổng thể phát triển thị trường. Trước mắt, cần khẩn trương nghiên cứu và cụ thể hóa ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế) để tránh tình trạng thiếu minh bạch, thiếu nhất quán giữa Trung ương và địa phương…


Thu Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN