DN Việt chủ động kiện và tham gia kiện

Qua 10 năm thực hiện pháp lệnh về chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và 8 năm thực hiện Hiệp định chống bán phá giá của WTO, Việt Nam đã đối mặt với 100 vụ kiện phòng vệ thương mại, trong đó có 50 vụ kiện chống bán phá giá.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Sóc Trăng.



Tuy nhiên, chỉ có một vụ do Việt Nam khởi kiện và thắng kiện. Đó là vụ điều tra bán phá giá thép không gỉ cán nguội nhập khẩu của hai công ty POSCO VST (Hàn Quốc) và công ty Inox Hòa Bình đối với các doanh nghiệp của Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và Indonesia.

Nếu DN Việt Nam nắm luật và chủ động kiện hay tham gia kiện, DN có thể kiện PVTM tốt. Nhất là hiện nay, các nước thường xuyên thay đổi thông lệ của họ trong PVTM, điển hình như Hoa Kỳ là họ đã gia tăng kiện nhằm tạo gánh nặng và khó khăn cho DN xuất khẩu của các nước đang phát triển. Vì thế, bà Nguyễn Chi Mai, Phòng Điều tra vụ kiện PVTM của DN trong nước (Cục Quản lý cạnh tranh), cho rằng các DN Việt nên chủ động tham gia các vụ kiện là biện pháp tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của DN. Vì theo nguyên tắc điều tra PVTM, cơ quan điều tra phải cung cấp đầy đủ các điều kiện và cơ hội để các nước bị điều tra được trình bày. Nếu DN không dùng quyền lợi này thì coi như đã từ bỏ quyền lợi của mình.

Theo ông Nguyễn Hữu Trường Hưng, Phòng điều tra các biện pháp PVTM trong nước (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương), Cục Quản lý cạnh tranh sẵn sàng hỗ trợ các DN khi họ đứng trước các vụ kiện chống bán phá giá. Tuy nhiên, các DN Việt cũng phải kêu gọi sự ủng hộ của các DN cùng ngành sản xuất trong nước để tạo sự đồng thuận vì hiện nay DN Việt được coi là mạnh ai nấy làm, không hợp tác với nhau. Nguyên nhân là trong một vụ kiện thì bao giờ cũng phải là một nhóm DN, nhưng khi tiến hành làm hồ sơ phải công khai số liệu. Điều này khiến nhiều DN cùng tham gia kiện e ngại vì trên thị trường họ lại là đối thủ cạnh tranh. “Do vậy, số liệu này sẽ được Cục Quản lý cạnh tranh giữ bí mật và điều cốt lõi là giúp DN thắng kiện”, ông Hưng cho hay.

Đồng tình quan điểm, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết hiện nay VASEP đang được xem là đơn vị luôn đồng hành cùng DN trong các vụ kiện chống bán phá giá kéo dài suốt nhiều năm nay. Gần đây nhất là vụ kháng kiện chống bán phá giá tôm. VASEP cũng đại diện cho 30 DN xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ kháng cáo về việc áp mức thuế phi lý đối với các DN xuất khẩu tôm Việt Nam.

Trước kinh nghiệm đồng hành về các vụ kiện chống phá giá, phía VASEP khuyến cáo DN Việt Nam nên đa dạng thị trường xuất khẩu, giảm bớt mức độ lệ thuộc vào một thị trường nào đó và cần phải được tiến hành ngay. Theo đó, nếu mô hình này được các hội ngành nghề nhân rộng và đồng loạt triển khai, kịp thời đồng hành cùng DN sẽ là cách hỗ trợ DN rất hiệu quả góp phần nâng cao vai trò hội đoàn.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, DN nên tìm hiểu rõ các cam kết của Việt Nam khi tham gia WTO. Đồng thời, DN cùng với hiệp hội ngành hàng cần liên kết chặt chẽ với nhau, nếu phát hiện sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng nhập khẩu phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công thương để yêu cầu giải quyết.

Hải Yên (thực hiện)

Xuất khẩu đối mặt phòng vệ thương mại
Xuất khẩu đối mặt phòng vệ thương mại

Việt Nam đang tăng cường mở cửa thị trường thông qua các hiệp định thương mại tự do khu vực và thế giới nên việc kiện và bị kiện là không tránh khỏi khi các nước có xu hướng tăng cường sử dụng nhiều hàng rào thuế quan để bảo vệ hàng hóa trong nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN