Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ

Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, năm 2016 tình hình kinh tế trong và ngoài nước dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, theo đó hoạt động điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, có ba thách thức lớn là áp lực vốn đối với hệ thống ngân hàng, biến động của thị trường thế giới tác động mạnh tới tâm lý thị trường về điều hành tỷ giá và áp lực lãi suất.

Khó khăn dồn dập

Nhìn lại trong năm 2015, việc điều hành CSTT của NHNN đã có sự linh hoạt hơn so với những năm trước. Điều này đã thể hiện rõ qua những kết quả tích cực trong diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ năm 2015 và đây cũng là điều kiện thuận lợi để kinh tế Việt Nam tiếp tục khởi sắc.


Chính sách tiền tệ sẽ điều hành linh hoạt hơn trong năm 2016.

Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia tài chính TS Bùi Quang Tín, ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, năm 2016 nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi chất lượng tăng trưởng, hiệu suất, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp. Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động của nền kinh tế vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước diễn ra còn chậm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Tại buổi gặp mặt báo chí mới đây, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng thừa nhận, hiện nguồn vốn phục vụ kinh doanh phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn của ngân hàng, đây là thách thức của điều hành. Mặt khác, với áp lực về vốn, hiện nay thị trường tài chính của Việt Nam vẫn còn yếu, chưa phát triển nên khó đáp ứng được nhu cầu vốn của thị trường. “Việc phát triển thị trường tài chính đang được các cơ quan chức năng có liên quan thúc đẩy trong thời gian tới nên trước mắt, nhu cầu vốn của doanh nghiệp vẫn chưa thể đáp ứng được và hệ thống ngân hàng vẫn phải chịu áp lực này của thị trường”, bà Hồng chia sẻ.

Ngoài ra, nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đã được tích cực xử lý trong thời gian qua nhưng vẫn còn ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống ngân hàng và luân chuyển vốn trong nền kinh tế. TS Bùi Quang Tín cho rằng, tình hình này đòi hỏi CSTT vẫn phải hết sức chú trọng đảm bảo an toàn kinh tế vĩ mô bên cạnh việc tạo dòng vốn thông suốt trong nền kinh tế cũng như phải thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách vĩ mô khác để xử lý nợ xấu một cách căn bản. Chưa kể, lãi suất giảm nhanh có thể làm đảo chiều các dòng vốn đang tận dụng lãi suất cao trong nước.

Về áp lực tâm lý thị trường đối với điều hành tỷ giá, theo bà Nguyễn Thị Hồng, điểm này sẽ gây khó khăn và thách thức cho NHNN trong năm 2016 khi thị trường trong nước chịu nhiều tác động từ thị trường thế giới. “Quan điểm điều hành của NHNN là giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế đồng thời nâng cao vị thế tiền VND. Tuy nhiên, thị trường vẫn chịu nhiều tác động từ thị trường thế giới. Trong khi đó, hoạt động của hệ thống ngân hàng hiện nay vẫn còn sản phẩm huy động và cho vay ngoại tệ, nên nếu vấn đề tâm lý không được giải tỏa thì việc điều hành tỷ giá trong năm nay sẽ khó khăn”, bà Hồng cho biết.

Đồng tình quan điểm này, TS Tín cho rằng tỷ giá là một biến số vĩ mô chịu tác động từ nhiều yếu tố bên ngoài, yếu tố tiền tệ như hoạt động thương mại, chính sách tài khóa... Do vậy, khi yếu tố tâm lý vẫn có tác động lớn đến tỷ giá, hoạt động điều hành tỷ giá, ổn định thị trường ngoại hối thì có thể NHNN sẽ chịu thêm nhiều áp lực trước các biến động của thị trường trong và ngoài nước.Vì thế, sắp tới đòi hỏi cần có sự chia sẻ, phối hợp tích cực, chặt chẽ từ các cơ quan quản lý kinh tế vĩ mô.

Bốn định hướng điều hành

Với những thách thức như trên, TS Bùi Quang Tín cho rằng NHNN cần điều hành CSTT theo bốn định hướng lớn.

Thứ nhất, điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Bởi trong năm 2016, tổng sản phẩm trong nước (GDP) dự kiến tăng khoảng 6,7%, lạm phát dưới 5%. Để đạt được các mục tiêu vĩ mô này, nhất thiết phải có sự phối hợp giữa các chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó đặc biệt là sự phối hợp giữa CSTT và chính sách tài khóa (CSTK). Nguyên nhân, trong ngắn hạn, CSTK có tác động ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới các yếu tố thuộc cơ chế truyền dẫn CSTT như tổng cầu của nền kinh tế thông qua các quyết định thu, chi hoặc thông qua sự tác động lên lãi suất.

Điều đó có xu hướng ảnh hưởng đến tiền lương và giá cả, qua đó tác động lên lạm phát và kỳ vọng lạm phát. Về dài hạn, nếu một CSTT kém bền vững lâu dài sẽ tác động lên mục tiêu của CSTT. Bởi một khi thâm hụt ngân sách lớn và liên tục cộng với nhu cầu nợ lớn của Chính phủ có thể giảm lòng tin vào nền kinh tế và gây rủi ro đến sự ổn định của thị trường tài chính. Thiếu niềm tin vào sự bền vững tài chính của Chính phủ có thể trở thành yếu tố tiềm ẩn gây ra bất ổn cho thị trường trái phiếu, ngoại hối và thậm chí làm sụp đổ cơ chế tiền tệ.

Thứ hai, TS Tín khuyến cáo nên sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và các công cụ, biện pháp khác để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính - tiền tệ trong và ngoài nước. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ. Tăng trưởng dư nợ tín dụng phù hợp, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng.

Theo Quyết định 2730/QĐ - NHNN ngày 31/12/2015, tỷ giá trung tâm của VND với USD đã được ban hành. Cơ chế tỷ giá mới này được áp dụng kể từ ngày 4/1/2016. Theo quy định mới, tỷ giá trung tâm được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các quốc gia có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu của chính sách tiền tệ.

Do đó, nếu áp dụng một cách triệt để việc sử dụng 3 cấu phần trên thì NHNN hoàn toàn có đủ cơ sở để điều hành và kiểm soát tốt tỷ giá USD trong thời gian tới. Và như vậy, với những kết quả đạt được trong năm 2015 cùng với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, lạm phát dưới 5% cho năm 2016, dự kiến mức tăng trưởng tín dụng cho năm nay khoảng 18 - 20% của NHNN có thể đạt được.

Thứ ba, NHNN nên tiếp tục có các biện pháp phù hợp nhằm huy động các nguồn lực vàng, ngoại tệ phục vụ phát triển nền kinh tế; tăng cường kiểm soát việc sử dụng ngoại tệ và vàng trong lãnh thổ; tiếp tục cải thiện quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Lợi ích rõ ràng là huy động được một nguồn lực tài chính lớn, quan trọng trong dân thay vì để bất động. Có thể huy động bằng vàng vật chất thực sự từ người dân hoặc có thể huy động vàng bằng cách phát hành chứng chỉ... Tất cả những công cụ huy động cũng như điều hành thị trường đều là của NHNN, nên việc huy động cũng như xuất, nhập khẩu là có thể điều tiết được khi giá thế giới xuất thấp thì nhập khẩu, ngược lại giá tăng cũng có thể xuất để thu USD. Tuy nhiên, để huy động được nguồn vàng cũng cần qua “cánh tay” các NH thương mại, vì họ có nguồn lực để huy động vàng trong dân.

Bên cạnh đó, đến thời điểm này có thể thấy, thành công lớn nhất của các biện pháp chống đô la hóa thể hiện khá rõ khi mà tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ đã giảm hơn một nửa so với thời điểm 15 năm trước. Có thể thấy, năm 2015 tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ chỉ xoay quanh mức 12%. Điều này đã thể hiện mục tiêu chống đô la hóa của Chính phủ và NHNN đang thu được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, trong năm 2015 yếu tố tâm lý và găm giữ USD vẫn còn, từ đó tạo ra sự khan hiếm giả tạo USD trên thị trường. Với việc ban hành và áp dụng cơ chế tỷ giá mới trong năm 2016, NHNN cần tiếp tục giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế xuống dưới 12% và tăng cường việc kiểm soát việc sử dụng ngoại tệ trong thời gian tới.

Thứ tư, theo TS Tín, NHNN cũng nên theo dõi sát diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế để chủ động có các giải pháp phù hợp nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế quốc tế đến thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước. Các bộ, ban, ngành cần thường xuyên theo sát diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế, khu vực và trong nước; đánh giá tác động, ảnh hưởng đến từng lĩnh vực, nhất là thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, hay thị trường tiền tệ, ngoại hối nói chung; tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành để có đối sách ứng phó phù hợp, phát huy cao nhất những tác động tích cực, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Với bốn định hướng trên, việc thực hiện nhất quán điều hành CSTT trong năm 2016 sẽ có sự chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam.
Bài và ảnh: Hải Yên
Kết quả tích cực từ điều hành chính sách tiền tệ
Kết quả tích cực từ điều hành chính sách tiền tệ

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, trong năm 2014, chính sách tiền tệ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành chủ động, linh hoạt và nhất quán, đã tạo được niềm tin đối với người dân, doanh nghiệp và góp phần quan trọng vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN