Điều chuyển tuyến xe từ Mỹ Đình về Nước Ngầm có hợp lý?

Sở GTVT Hà Nội đang lên kế hoạch điều chuyển một số tuyến vận tải khách liên tỉnh từ Bến xe Mỹ Đình về Bến xe Nước Ngầm, nhằm đảm bảo quy hoạch tuyến vận tải và giảm tải cho các bến xe, cũng như hạn chế nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và hành khách chưa đồng tình về kế hoạch này.

Vì sao phải điều chuyển?

Theo Kế hoạch số 1339/SGTVT của Sở GTVT Hà Nội gửi các sở GTVT địa phương và cơ quan chức năng, Sở GTVT Hà Nội sẽ điều chuyển luồng tuyến xe khách trong 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 dự kiến trong tháng 7/2016 hoặc tháng 1/2017, dự kiến sẽ lựa chọn các tuyến vận tải có cự ly 240 km trở lên từ Bến xe Mỹ Đình đi các tỉnh phía Nam điều chuyển về Bến xe Nước Ngầm, với tổng số tuyến chuyển 75 lượt xe/ngày, chủ yếu là các tuyến Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk - Hà Nội... Giai đoạn 2 trong tháng 1/2017 hoặc tháng 7/2017, dự kiến điều chuyển các tuyến cự ly từ 145 km trở lên từ Mỹ Đình đi Thanh Hóa về Bến xe Nước Ngầm, với 68 lượt xe/ngày.

Nhiều “xe dù” không vào bến mà chạy chậm lòng vòng đón khách trước cổng Bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Tiến Hiếu

Theo nhận định của Sở GTVT Hà Nội, tình hình giao thông trên những tuyến đường gần các bến xe hiện diễn biến phức tạp, chưa hợp lý; nhiều tuyến xe khách liên tỉnh chạy xuyên tâm thành phố gây mất trật tự an toàn giao thông (ATGT), tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông. Ngoài ra, xe khách chạy sai tuyến, chạy vòng vo, dừng, đỗ, đón trả khách sai quy định xung quanh các bến xe, nhất là trước cổng Bến xe Mỹ Đình, tuyến đường vành đai 3 trên cao, đường Phạm Hùng, đường Phạm Văn Đồng, đường Giải Phóng... gây xáo trộn giao thông.

Bên cạnh đó, Công an Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch kiểm tra, xử lý xe khách vi phạm trật tự ATGT tại các khu vực trên nhưng tình trạng vi phạm vẫn tiếp diễn. Do vậy, Công an thành phố cũng kiến nghị UBND TP Hà Nội sắp xếp, điều chuyển một số tuyến từ Bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Lương Yên về các bến xe còn mặt bằng để khai thác theo đúng hướng tuyến.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Việc điều chuyển này phù hợp với lộ trình hướng tuyến, quy hoạch của thành phố và Bộ GTVT, nhằm giảm tải, hạn chế ùn tắc giao thông và tình trạng mất trật tự ATGT tại các bến xe. Mục đích của kế hoạch nhằm từng bước triển khai quy hoạch vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Bộ GTVT phê duyệt; đồng thời sắp xếp lại một số chuyến từ bến xe có lưu lượng phương tiện cao sang bến xe có mặt bằng để khai thác theo đúng hướng tuyến. Về quy trình, sở GTVT Hà Nội đang lấy ý kiến các Sở GTVT có phương tiện thuộc diện điều chuyển, tổng hợp phản ánh của các doanh nghiệp vận tải, để báo cáo Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch. Nếu các sở, ngành liên quan cùng quản lý tuyến chấp thuận và Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh thì mới tiến hành điều chuyển.

Người dân và nhà xe đều kêu

Theo kế hoạch của Sở GTVT Hà Nội: Bến xe Nước Ngầm tiếp nhận các tuyến xe có hướng QL1 từ phía Nam, từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, QL5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và QL18 đi qua cầu Thanh Trì. Bến xe Mỹ Đình tiếp nhận các tuyến có hướng từ QL32, QL2, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, một phần các tuyến đi theo QL3, QL18 đi cầu Thăng Long, đại lộ Thăng Long... Để tạo thuận tiện và từng bước điều chỉnh thói quen đi lại của người dân, Sở GTVT Hà Nội đề nghị Bến xe Nước Ngầm tổ chức tuyến xe trung chuyển miễn phí từ Bến xe Mỹ Đình sang Bến xe Nước Ngầm và ngược lại trong thời gian 6 tháng nếu thực hiện kế hoạch này.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, nhiều hành khách cũng như doanh nghiệp vận tải đều kêu ca rằng việc điều chuyển các xe khách tuyến đi Nghệ An, Hà Tĩnh ở Bến xe Mỹ Đình về Bến xe Nước Ngầm sẽ làm xáo trộn việc đi lại của người dân, đồng thời gây khó khăn cho doanh nghiệp. Những ngày qua, các doanh nghiệp vận tải đang tham gia khai thác tại Bến xe Mỹ Đình đồng loạt gửi đơn lên Sở GTVT Hà Nội “kêu cứu”, không đồng tình với kế hoạch điều chuyển.

Ông Đinh Quang Thắng, đại diện nhà xe Anh Thắng ở Hà Nội đang hoạt động tại Bến xe Mỹ Đình cho rằng: “Các đơn vị vận tải đã quen khách và luồng tuyến, nếu điều chuyển thì vô tình hạn chế hoạt động của doanh nghiệp... hầu hết doanh nghiệp vận tải hoạt động trên các tuyến này không ủng hộ. Bên cạnh đó, trước nhu cầu đi lại của người dân gia tăng, việc cạnh tranh đón trả khách của các nhà xe sẽ làm gia tăng tình trạng xe dù, bến cóc khó kiểm soát trên cac tuyến đường. Từ năm 2004, khi Bến xe Mỹ Đình vắng khách, các nhà xe đã chấp nhận bù lỗ hàng tỷ đồng đầu tư phương tiện, khai thác tuyến. Đến nay, các tuyến đã hoạt động thì đột ngột điều chuyển sẽ khiến doanh nghiệp kinh doanh khó khăn...”.

Đại diện nhà xe Phú Quý ở Nghệ An, ông Lê Dũng Thúy đang khai thác tuyến tại Bến xe Mỹ Đình cũng cho hay: Việc chuyển tuyến về Bến xe Nước Ngầm đồng nghĩa với việc nhà xe sẽ phá sản, vì phải cạnh tranh không bình đẳng với các nhà xe khác đã và đang hoạt động tại Bến xe Nước Ngầm. Bên cạnh đó, nguyên nhân gây ùn tắc tại khu vực Bến xe Mỹ Đình không phải do các nhà xe chạy đúng tuyến gây ra, mà chủ yếu do xe dù, bến cóc và lưu lượng tham gia giao thông...”.

Về phía hành khách, nhiều người cũng phàn nàn rằng vì ở phía Tây thành phố, nên nếu di chuyển đến Bến xe Nước Ngầm sẽ phải qua nhiều chặng, mất thêm chi phí và thời gian. Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, ở phố Trần Quốc Hoàn, quận Cầu Giấy (Hà Nội) thường xuyên về quê ở Nghệ An nói: “Tôi thường đi từ nhà ra bến Mỹ Đình bắt xe mất 20.000 đồng xe ôm, nếu phải đi thêm khoảng 12 km sang Bến xe Nước Ngầm sẽ tăng gấp 5 lần, nhiều hơn cả tiền đi xe khách về Nghệ An. Do đó, chủ trương này có vẻ không hợp lý”.

Nhiều chuyên gia giao thông cũng nhận định: Nói rằng các xe khách hoạt động trên tuyến Hà Tĩnh, Vinh - Mỹ Đình và ngược lại đang chạy xuyên tâm thành phố là chưa chính xác, vì các xe khách rời bến Mỹ Đình sẽ đều lên đường vành đai 3 trên cao để ra thẳng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, nên ít khi gây ùn tắc. Vì vậy, kế hoạch điều chuyển tuyến cần phải cân nhắc.
Nhóm PV
Nghẹt người bến xe Giáp Bát sau dịp nghỉ lễ dài
Nghẹt người bến xe Giáp Bát sau dịp nghỉ lễ dài

Sau dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 4 ngày, từ trưa chiều ngày 3/5, hàng ngàn người từ khắp tỉnh thành đã đổ về bến xe Giáp Bát, trở lại Thủ đô để làm việc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN