Điều chỉnh tỷ giá là 'chung lưng' cùng doanh nghiệp xuất khẩu

“Dường như ngành ngân hàng đang “chung lưng” cùng doanh nghiệp trong khó khăn. Những điều chỉnh từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa qua dường như thấu hiểu hơn những vướng mắc của doanh nghiệp, điều mà trước đây hiếm thấy. Hướng điều chỉnh tỷ giá như vừa rồi là có lộ trình và minh bạch nên doanh nghiệp chủ động được; điều đó đang hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp”. Đó là nhận định của ông Trần Anh Vương, Giám đốc Công ty thép Bắc Việt khi trao đổi với phóng viên về việc NHNN điều chỉnh tăng 1% tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ .

 

Khách hàng giao dịch tại BaoVietBank chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Trong lần điều chỉnh tỷ giá này, mục tiêu chính mà NHNN đưa ra là để hỗ trợ xuất khẩu. Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) lý giải, trên thực tế, sức cầu và sức hấp thụ của nền kinh tế còn thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh còn khó khăn, trong khi đó xuất khẩu vẫn đang khả quan, cho nên việc NHNN điều chỉnh tỷ giá thêm 1% sẽ góp phần hỗ trợ xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đề ra.


Sự hỗ trợ gián tiếp đó cũng được Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành ngân hàng mới đây. "Là người mua bán sau cùng, NHNN lẽ ra thực hiện cơ chế mua gốc - bán ngọn, tức là chỉ mua vào ở giá sàn và bán ra ở giá trần. Nhưng thời gian qua, NHNN nâng giá mua vào như vậy là để hỗ trợ cho xuất khẩu", Thống đốc nói.


Sau gần một tháng thực hiện điều chỉnh tỷ giá, khẳng định việc điều chỉnh tỷ giá lần này tác động không quá lớn đối với sản xuất nhưng ông Trần Anh Vương cho rằng đó là điều tốt đối với doanh nghiệp. Xét về lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu đương nhiên có tăng. Bởi lợi nhuận khi thu về tính bằng tiền đô la Mỹ không đổi nhưng khi chuyển sang tiền đồng Việt Nam thì con số đã được cộng thêm. Điều đó đồng nghĩa với lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tăng lên.


Tuy nhiên, theo ông Vương, nếu tính toán thì việc tăng đó là không đáng kể bởi còn phải tính đến cả yếu tố đầu vào bị chi phối bởi điều chỉnh tỷ giá nhưng cũng có một số yếu tố khác không bị chi phối bởi đồng đô la Mỹ như lương của công nhân, giá điện. Mà yếu tố đầu vào chịu chi phối bởi tỷ giá chỉ chiếm 30% tại doanh nghiệp của ông Vương, chính vì vậy nếu tính toán hết các yếu tố thì lợi nhuận của doanh nghiệp không nhiều khi tỷ giá chỉ tăng 1%.


Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Quang Huy, giám đốc Công ty cổ phần CMC cũng nhận định, việc tăng tỷ giá đồng ngoại tệ mang lại nhiều lợi ích đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu chỉ tăng 1% như hiện nay thì tác động không lớn nhưng đó vẫn là điều tốt cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

 

Trong khi đó, với doanh nghiệp nhập khẩu thì việc tăng tỷ giá lại là điều mà họ không mong muốn. Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Công ty TNHH và Đầu tư Anh Dũng, doanh nghiệp chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi cho biết, tỷ giá tăng sẽ dẫn đến các chi phí dịch vụ tại cảng cũng sẽ tăng, bởi ở đây chủ yếu giao dịch bằng đô la Mỹ. Do đó, chi phí sản xuất sẽ tăng và doanh nghiệp sẽ phải tính toán lại giá sản phẩm.


Dưới góc nhìn của các chuyên gia, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, việc NHNN tăng tỷ giá đồng đô la Mỹ như vừa qua là cần thiết và đúng quy luật cung cầu của thị trường. Quan trọng là quyết định tăng tỷ giá lên 1% cho thấy sự thận trọng trong chính sách điều hành của NHNN, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay. Tuy nhiên, xét về mặt chuyên môn, việc tăng hay giảm trong biên độ 1% thì khả năng tác động đến nền kinh tế là rất thấp.


Đồng quan điểm này, TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá vừa qua thể hiện sự linh hoạt của NHNN. Việc điều chỉnh này nằm trong dự báo và không phải là thay đổi chính sách tỷ giá. Điều chỉnh này chỉ liên quan đến cung cầu trên thị trường và phù hợp với sự trượt giá trong vài năm gần đây của tiền Việt Nam. Về tác động xuất khẩu, mức điều chỉnh 1% không có tác động lớn. Với tình hình thị trường cung cầu ngoại tệ hiện nay và tiềm năng dự trữ của NHNN, việc kiểm soát giá nằm trong tầm của cơ quan này.

 

Trên thực tế, định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong đó có định hướng điều hành tỷ giá đã được NHNN đề ra ngay từ đầu năm. Do đó, bản thân các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng đã cân nhắc đến những định hướng này trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh của mình. Và sau lần điều chỉnh ngày 19/6 vừa qua, thị trường ngoại hối dần ổn định lại. Những ngày gần đây, tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ lại trong xu hướng điều chỉnh giảm. Đáng chú ý, có nhiều thời điểm giá đô la Mỹ trên thị trường tự do liên tiếp giảm xuống thấp hơn cả giá của các ngân hàng thương mại. Trước diễn biến này, NHNN đã nâng mạnh giá mua đô la Mỹ tại Sở Giao dịch ngân hàng. Động thái này thể hiện chính sách nhất quán của nhà điều hành nhằm chặn đà rơi của đồng đô la Mỹ trên thị trường và gián tiếp hỗ trợ cho xuất khẩu.

 

Đỗ Huyền

Nhân rộng mô hình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp
Nhân rộng mô hình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp

Với hiệu quả của chương trình kết nối NH - DN tại TP Hồ Chí Minh, liên tục trong quý II/2014 nhiều địa phương trên cả nước đã bắt đầu vào cuộc, chủ động tham gia và bước đầu phát huy hiệu quả rất tích cực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN