Điều chỉnh quy hoạch tính đến hiệu quả và yếu tố bền vững

Thời gian qua, nhiều ngành, địa phương đã xây dựng quy hoạch cho cả một thời gian dài để từ đó làm căn cứ và nền tảng cho sự phát triển của đơn vị. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan dẫn đến khá nhiều quy hoạch đã “lỗi thời” buộc phải điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế. Những chia sẻ dưới đây của một số chuyên gia, đại diện doanh nghiệp với phóng viên TTXVN đã làm rõ hơn vấn đề này.

Ông Lê Văn Tới, nguyên Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng: Đặt mục tiêu rõ ràng cho quy hoạch xi măng

Việt Nam hiện có nguồn tài nguyên làm nguyên liệu để sản xuất xi măng rất dồi dào với trữ lượng đá vôi trên 12,5 tỷ tấn. Hiện tại, công suất toàn ngành xi măng đang vượt nhu cầu sử dụng trong nước từ 20-25%. Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù tiêu thụ trong nước vẫn tăng, nhưng cần xem xuất khẩu không chỉ là giải pháp trước mắt mà phải là kế hoạch lâu dài để giúp cân bằng lượng hàng sản xuất dư thừa khoảng 20 triệu tấn mỗi năm.

Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011 (Quy hoạch 1488) đã đáp ứng kịp thời, hiệu quả cho ngành xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 đến nay. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Quy hoạch 1488, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đưa 14 dự án xi măng quy mô công suất nhỏ dưới 2.500 tấn clanhke/ngày tương đương 0,91 triệu tấn xi măng/năm ra khỏi Quy hoạch phát triển xi măng, hoãn triển khai 9 dự án, giãn tiến độ đầu tư 7 dự án. Đồng thời, cho phép nâng công suất, bổ sung 6 dự án xi măng.

Vì vậy, Bộ Xây dựng đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc lập Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2017-2025 và định hướng đến năm 2035 thay thế Quy hoạch 1488. Mục tiêu đặt ra là phải bám sát tình hình kinh tế - xã hội, cung - cầu của thị trường, thực tế triển khai các dự án trong quy hoạch. Đặc biệt là điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án bảo đảm tính khả thi và rà soát điều chỉnh tiến độ các dự án trong quy hoạch được duyệt nhằm đáp ứng cân đối cung cầu.

Điều chỉnh quy hoạch xi măng cần phải tính đến hiệu quả và yếu tố bền vững, tránh phung phí tài nguyên và xuất khẩu xi măng bằng mọi giá. Hiện một số nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng mua lại nhà máy sản xuất xi măng hiện đại của Việt Nam để xuất khẩu về nước họ. Theo tính toán, các doanh nghiệp này được lợi thế nhờ miễn thuế xuất nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng… Mặt khác, họ vừa không mất tài nguyên mà còn tránh được ô nhiễm và còn có sản phẩm tốt, giá rẻ.

Bởi vậy, quy hoạch xi măng thời gian tới cần đặt mục tiêu rõ ràng, phù hợp với chiến lược lâu dài; trong đó có tính toán kỹ lưỡng đến các yếu tố tiêu thụ nội địa phục vụ phát triển kinh tế và xuất khẩu. Đây chính là bài toán cần giải quyết khi điều chỉnh quy hoạch xi măng.

Trên khai trường mỏ than Khánh Hoà, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN.


Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV): Tiết kiệm nguồn nguyên than của đất nước

Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 60/QĐ-TTg ngày 9/1/2012 đặt ra mục tiêu sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành đến năm 2015 đạt 55-58 triệu tấn. Năm 2020 đạt 60-65 triệu tấn; năm 2025 đạt 66-70 triệu tấn và năm 2030 đạt trên 75 triệu tấn. Nhưng, do tình hình khó khăn cả về sản xuất và tiêu thụ đã khiến sản lượng khai thác hạn chế. Việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn do giá than xuống thấp và sản lượng than năm 2015 không đạt được theo dự kiến trong quy hoạch mà chỉ đạt 37,6 triệu tấn; than tiêu thụ đạt trên 35,5 triệu tấn…

Bởi vậy, Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Chính phủ điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Theo đó, sản lượng khai thác than sẽ được điều chỉnh đạt từ 41- 44 triệu tấn trong năm 2016; đạt từ 51-54 triệu tấn vào năm 2020 và từ 55-57 triệu tấn vào năm 2030. Quan điểm phát triển tại quy hoạch mới được điều chỉnh là khai thác đáp ứng tối đa cho tiêu thụ trong nước; chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước; đóng góp tích cực vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước; đảm bảo xuất nhập khẩu hợp lý theo hướng giảm dần xuất khẩu và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng.

Phải nói rằng, ngành than đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong 10 năm trở lại đây. Dự kiến năm nay sản lượng than giảm khoảng 3 triệu tấn so với năm 2015, việc này ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động cũng như những ngành nghề liên quan đến địa bàn. Từ nay đến năm 2020, TKV đã xác định 2 cụm nhà máy nhiệt điện sử dụng than antraxit là cụm Nhiệt điện Thái Bình và Nhiệt điện Vĩnh Tân I, mỗi cụm sử dụng khoảng 4,5 triệu tấn than. Như vậy, đến năm 2020, sản lượng của TKV cũng phải tăng thêm 9 triệu tấn mới đủ đáp ứng cho 2 nhà máy này. Chúng tôi đang xây dựng thêm mỏ mới để đáp ứng đủ than cho nền kinh tế.

Trong bối cảnh hiện nay, đối mặt với nhiều khó khăn như tài nguyên hạn chế, giá năng lượng nói chung và giá than nói riêng giảm, để đảm bảo được mục tiêu đặt ra, TKV sẽ chủ động hội nhập sâu rộng vào thị trường than thế giới. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh các hoạt động điều tra cơ bản, thăm dò, đánh giá tài nguyên và trữ lượng than trong nước để chuẩn bị cho sự phát triển bền vững của ngành. TKV cũng nghiên cứu phát triển, ứng dụng các công nghệ tiến bộ trong thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng than; áp dụng các biện pháp kỹ thuật và quản lý tiên tiến để giảm tỷ lệ tổn thất trong khai thác than.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam : Tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do
 
Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì đến năm 2020, ngành dệt may sẽ xuất khẩu đạt 20 tỷ USD, nhưng đến năm 2015, Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu 27,5 tỷ USD và dự kiến năm nay là 29 tỷ USD. Trong 5 năm (2010-2015), ngành dệt may đã duy trì đà tăng trưởng vững chắc và ổn định với mức tăng kim ngạch xuất khẩu 15%/năm.

Như vậy với những con số trên cho thấy, từ thực tế đến quy hoạch hiện đã có một khoảng cách khá xa và quy hoạch không còn phù hợp. Bởi vậy, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đã kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan đánh giá lại Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2020.

Để giúp doanh nghiệp dệt may tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức từ các hiệp định thương mại tự do mang lại, Vitas kiến nghị Chính phủ điều chỉnh chiến lược, quy hoạch phát triển ngành dệt may đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 36/2008/QĐ-TTg ngày 30/3/2008 và Quyết định số 3218/QĐ-BCT ngày 11/4/2014 của Bộ Công Thương, cho phù hợp với tốc độ hội nhập sâu, rộng của Việt Nam. Việc điều chỉnh sẽ theo hướng dài hạn hơn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2040.

Hiệp hội kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chiến lược quy hoạch ngành dệt may gắn với quy hoạch các khu công nghiệp tập trung. Bởi các doanh nghiệp dệt may nhỏ lẻ, hiện nằm rải rác khắp các tỉnh, thành phố, do vậy việc tập trung về một khu giúp giải quyết vấn đề xử lý nước, quản lý nước thải. Yếu tố này liên quan đến sự bền vững của ngành dệt may và đảm bảo môi trường.

Ngành công nghiệp dệt may Việt Nam được dự báo vẫn có lợi thế để phát triển trong vòng 10 năm tới và quan trọng hơn, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương... nên ngành cần có những điều chỉnh nhằm đáp ứng tình hình mới. Việc xây dựng điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là cần thiết, trên cơ sở kế thừa quy hoạch đã có, đánh giá lại, bổ sung cho phù hợp với thực tế.
Thu Hằng - Thảo Nguyên - Thúy Hằng (Thực hiện)
Cần quy hoạch lại vùng nuôi tôm,  lựa chọn con nuôi chủ lực
Cần quy hoạch lại vùng nuôi tôm, lựa chọn con nuôi chủ lực

Ngày 5/12, tại Bạc Liêu, đoàn công tác Chính phủ, do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm trưởng đoàn, cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã đến làm việc với các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre và Trà Vinh về tình hình quy hoạch, sản xuất, xuất khẩu, tiêu thụ giống, điện, tín dụng và chính sách hỗ trợ thủy sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN