“Điểm tựa” giúp ngư dân vươn khơi

Không chỉ nổi tiếng về nghề đánh bắt thủy sản xa bờ như cá mập, cá ngừ…, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) còn được biết đến với đội dịch vụ “hậu cần hải sản” (thu mua chế biến hải sản ngay trên biển).


Phú Quý là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước triển khai và phát triển mạnh mô hình này với số lượng tàu thuyền tham gia lên đến hàng trăm chiếc. Chính đội tàu này đã trở thành “điểm tựa” vững chắc cho ngư dân bám biển dài ngày…

 

Một trong những đội tàu “hậu cần hải sản” lớn nhất Bình Thuận hiện nay.


Thế mạnh của Phú Quý là đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Chỉ tính riêng phạm vi trong tỉnh, Phú Quý có các đội tàu đánh bắt xa bờ, đội tàu hậu cần dịch vụ thuộc dạng hùng hậu nhất so với các huyện, thị có biển. Ông Huỳnh Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý cho biết: Nếu chỉ trông chờ vào khai thác kinh tế biển thì sẽ không bền vững, nhất là khi chi phí cho mỗi chuyến đi biển tăng cao như hiện nay. Đây là lý do căn bản để huyện đảo Phú Quý chuyển hướng phát triển kinh tế nông - ngư nghiệp sang thương mại - dịch vụ. Trong hướng phát triển dịch vụ, loại hình dịch vụ thu mua thủy sản trên biển được chú trọng đầu tư và hiện phát triển rất mạnh.


Theo các ngư dân, nghề đi biển ngày càng khó khăn và rủi ro hơn trước do chi phí tăng cao trong khi nguồn lợi từ biển ngày càng cạn kiệt. Trước đây, việc thu mua hải sản ở đảo Phú Quý còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của ngư dân. Nhiều tàu đánh bắt hải sản xa bờ phải vào đất liền tiêu thụ sản phẩm. Hải trình trên biển xa nên người dân phải sử dụng nhiều nhiên liệu, sản phẩm do để lâu ngày, chất lượng giảm, nên giá bán cũng thấp.


Trước mỗi chuyến đi biển, chủ ghe phải bỏ ra một số tiền lớn để mua dầu, thực phẩm, đá, tiền để trả lương cho công nhân, nhưng sau mỗi chuyến ra, tiền thu được chưa chắc đã đủ bù chi. Chỉ riêng dầu mà một cặp ghe phải bỏ ra để đến nơi đánh bắt đã là trên 1.000 lít.


Tuy nhiên, khi có tàu dịch vụ cung cấp dầu và thu mua trên biển, mỗi chuyến ra khơi của ngư dân giảm đến 50% chi phí. Ngư dân đánh bắt cá được đến đâu thì các tàu này thu mua ngay đến đó. Các tàu làm dịch vụ được trang bị máy lạnh, thu mua hải sản của ngư dân và chế biến ngay trên biển, nên hàng hải sản của Phú Quý rất tươi và đảm bảo chất lượng. Không chỉ thu mua hải sản của ngư dân ngay trên biển, các tàu hậu cần còn cung cấp đá ướp lạnh, thực phẩm, dầu… cho các tàu của ngư dân đang đánh bắt trên biển.


Phú Quý hiện có gần 1.400 tàu thuyền làm nghề đánh bắt hải sản, trong đó có khoảng 200 chiếc trên 90 CV chuyên đánh bắt tại các vùng biển xa. Kéo theo đó, đội tàu hậu cần có công suất lớn cũng tăng tương ứng để cùng theo ngư dân ra khơi xa. Hiện số lượng tàu thu mua xa bờ lên đến 84 chiếc. Đây là những con tàu được trang bị hệ thống máy đông lạnh hiện đại, mỗi chiếc công suất 450-700CV, trị giá 3-4 tỉ đồng/chiếc. Việc phát triển đội tàu này đang tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân bám biển dài ngày, tiết kiệm chi phí sản xuất thay cho việc phải vào bờ sau mỗi chuyến đi.


Anh Nguyễn Phước Kim, chủ đội tàu dịch vụ hậu cần Kim Hoa (huyện đảo Phú Quý) cho biết: “Đội tàu hậu cần 4 chiếc (công suất mỗi chiếc từ 400 CV đến 650 CV) của tôi hàng năm thu mua được trên 500 tấn hải sản, rồi vận chuyển vào bờ. Chúng tôi mua của ngư dân với giá như mua tại bờ. Bây giờ, chúng tôi còn có đội sơ chế hải sản ngay trên biển, do đó có thể sản xuất hàng đông lạnh luôn tại chỗ”.


Đội tàu dịch vụ hậu cần thường xuyên bám biển quanh năm ở khu vực quần đảo Trường Sa, nên thu mua được nguồn hải sản ổn định, dù cho ngư trường không còn phong phú như trước. Điều này giúp đảm bảo thu nhập cho ngư dân và lợi nhuận cho doanh nghiệp.


Ông Nguyễn Hoàng Hải, chủ một tàu thu mua hải sản trên biển cho biết: Để có được loại mực ngon, khi câu mực lên, ngư dân Phú Quý không ướp mực ngay vào nước đá, mà bỏ vào nước biển ngâm một thời gian ngắn. Sau đó, mới mang mực ướp đá, giữa lớp mực và lớp đá có lớp ni lông để cho đá không tiếp xúc trực tiếp, làm đông cứng mực. Nhờ vậy, mực Phú Quý rất được thị trường ưa chuộng.


Trong khi các địa phương nan giải với bài toán dịch vụ hậu cần trên biển thì ở huyện đảo Phú Quý dịch vụ này đang hỗ trợ đắc lực cho ngư dân đánh bắt dài ngày. Nhờ sự góp sức của đội tàu hậu cần này mà lượng hải sản của gần 1.400 chiếc tại Phú Quý luôn tươi sống và đủ tiêu chuẩn xuất đi nhiều thị trường khó tính, được bạn hàng đánh giá cao. Hàng năm, sản lượng bình quân khai thác của huyện đảo Phú Quý đạt trên 20.000 tấn hải sản các loại, trong đó hải sản có giá trị cao chiếm tới 60%. Hiện, Bình Thuận đã vươn lên đứng thứ 3 cả nước về sản lượng khai thác hải sản.


Bên cạnh đó, đội tàu làm dịch vụ hậu cần cũng được tập huấn công tác cứu hộ, cứu nạn; thường xuyên nắm bắt được thông tin liên lạc hai chiều giữa đất liền và tàu thuyền đang hoạt động trên biển. Nhờ những “điểm tựa” vững chắc đó, ngư dân yên tâm kiên trì bám biển, góp phần khẳng định mạnh mẽ chủ quyền đối với vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc.


Bài và ảnh: Nguyễn Thanh

Cần giảm bớt thủ tục khi hỗ trợ cho ngư dân
Cần giảm bớt thủ tục khi hỗ trợ cho ngư dân

Để nhận được hỗ trợ từ địa phương, mỗi ngư dân phải trải qua nhiều thủ tục rườm rà. Mức hỗ trợ như hiện nay còn thấp chưa đủ để những ngư dân “đủ sức” để thay đổi cuộc sống và tạo ra nhiều lợi ích kinh tế từ biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN