Điểm sáng ngành công nghiệp TP Hồ Chí Minh

Trong 7 tháng đầu năm 2017, kinh tế TP Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt, đặc biệt chỉ số phát triển công nghiệp có mức cao hơn so với cùng kỳ, trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung của thành phố. Cùng với đó, các lĩnh vực thương mại dịch vụ, thu ngân sách, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài… cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Chỉ số phát triển công nghiệp tăng cao

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, chỉ số phát triển công nghiệp 7 tháng đầu năm 2017 của thành phố ước tăng 7,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,05%); trong đó, bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) tiếp tục mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, có mức tăng 10,48 %, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành.

Sản xuất linh kiện nhựa tại Công ty cổ phần công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên (Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Đánh giá cụ thể về ngành này, ông Phan Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho biết, ngành cơ khí - chế tạo thành phố tiếp tục tập trung để tăng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, ước tăng 21,03% so với cùng kỳ, đã chuyển dịch mạnh mẽ với việc đầu tư nhiều trang thiết bị mới có khả năng cạnh tranh trong khu vực.

Mặt khác, ngành điện tử - công nghệ thông tin thành phố ước tăng 12,4%, ngày càng phát triển thông qua việc tiếp thu trình độ khoa học - kỹ thuật cao từ các dự án của các tập đoàn kinh tế thế giới đầu tư sử dụng công nghệ bán dẫn, công nghệ vi mạch, bo mạch điện tử…

Cùng với đó, ngành chế biến tinh lương thực - thực phẩm ước tăng 5,69%; đã chủ động mở rộng thị trường, chuyển sang tinh chế, những công nghệ sản xuất mới, công nghệ chế biến tiên tiến đã được ứng dụng vào sản xuất và đã cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao. Đồng thời, giảm dần việc đầu tư phát triển theo chiều rộng, tập trung đầu tư phát triển chiều sâu bằng các công nghệ hiện đại, tạo ra những sản phẩm tinh chế, có chất lượng và giá trị gia tăng lớn.

Để có những kết quả tích cực trên, theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương Tp.Hồ Chí Minh, Thành phố ban hành và triển khai nhiều chương trình, chính sách có tác động mạnh, thúc đẩy ngành công nghiệp thành phố phát triển. Điển hình, việc tạo cầu nối gắn kết doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh; tiến hành kêu gọi, thu hút đầu tư có chọn lọc vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn và xây dựng các cụm liên kết sản xuất...

 Về một số lĩnh vực kinh tế khác, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm đạt 527.310 tỷ đồng, tăng 10,7%. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố ước đạt 20,1 tỷ USD (tăng 15,1% so với cùng kỳ).

Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong 7 tháng đạt 24,2 tỷ USD (tăng 18,1%) so với cùng kỳ. Một số ngành hàng nhập khẩu chủ yếu là trang thiết bị, nguyên vật liệu cho sản xuất như sản phẩm điện tử, linh kiện tăng gần 36%, kim loại tăng gần 40%, chất dẻo nguyên liệu tăng gần 18%...

Phân tích thêm về tình hình xuất nhập khẩu, ông Phạm Thành Kiên cho rằng, thời gian qua, việc Tp.Hồ Chí  Minh nhập siêu là điều dễ hiểu vì thành phố còn nhập cho các tỉnh, thành khác. Mặt khác, mặt hàng nhập siêu chiếm chủ yếu là linh kiện phục vụ sản xuất (chiếm 78,6%), nghĩa là nhập siêu chủ yếu phục vụ sản xuất chứ không phải nhập siêu phục vụ cho tiêu dùng.

Cải thiện môi trường đầu tư

Thông qua nhiều giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, từ đầu năm 2017 đến nay, TP Hồ Chí Minh đạt nhiều kết quả quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, phát triển mới doanh nghiệp trong nước.

Dây chuyền sản xuất ốc vít tại Công ty cổ phần sản xuất thương mại Vĩ Nam Việt (Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Huyện Bình Chánh). Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Ông Sử Ngọc Anh cho biết, tính chung cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, trong 7 tháng đầu năm 2017, thành phố thu hút được 2,75 tỷ USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ.


Song song đó, thành phố có 22.972 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 297.140 tỷ đồng, tập trung nhiều nhất ở Quận 1, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh. Thành phố tiếp tục triển khai hỗ trợ và khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp, đến nay đã có gần 850 hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.

Đối với hoạt động thu hút nguồn lực đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, nỗ lực triển khai nhiều giải pháp thu hút đầu tư, môi trường đầu tư, cải cách về thủ tục hành chính đạt được kết quả tích cực. Vốn đầu tư tập trung vào các ngành công nghệ cao, công nghệ chế biến chế tạo…

Về một số giải pháp cụ thể, TP Hồ Chí Minh tập trung hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo bằng những giải pháp cụ thể, thiết thực; tiếp tục nâng chất các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tranh thủ nguồn vốn đầu tư nước ngoài để phát triển công nghiệp hỗ trợ, tham gia chuỗi toàn cầu. Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhằm nâng dần cơ cấu doanh nghiệp thành lập mới thuộc lĩnh vực cung cấp dịch vụ, sản xuất.

Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế chung của thành phố, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ của thành phố tiếp tục phát triển, duy trì sản xuất ổn định góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của thành phố. Ông Phong lưu ý, ngành công thương cần chú ý đẩy mạnh tốc độ phát triển của ngành công nghiệp, vì đây là ngành chiếm tỷ trọng lớn, ảnh hưởng đến tổng giá trị sản phẩm của thành phố, góp phần hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng của thành phố.

Liên quan đến phát triển ngành bán lẻ, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị, ngành công thương phối hợp với các đơn vị bán lẻ lớn của thành phố như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn tổ chức hội thảo tìm giải pháp để phát triển thị trường bán lẻ TP Hồ Chí Minh, gắn với tổ chức hoạt động sản xuất. Qua đó, tìm cách khắc phục những điểm yếu về quản trị, năng lực tài chính, dịch vụ hậu cần… để phát triển thị trường bán lẻ bền vững, xây dựng TP Hồ Chí Minh thành trung tâm mua sắm của khu vực.

Anh Tuấn (TTXVN)
Nghịch lý ở ngành công nghiệp chế biến cao su
Nghịch lý ở ngành công nghiệp chế biến cao su

Mặc dù Việt Nam là nước đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu cao su thiên nhiên, thế nhưng hàng năm các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu một số chủng loại cao su nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, sản xuất, chế biến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN