Điểm sáng liên kết cánh đồng mẫu lớn

Hiện nay 16 doanh nghiệp là hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đang liên kết sản xuất cánh đồng mẫu lớn với nông dân. Nhưng không phải công ty nào cũng thực hiện tốt mô hình này. Công ty Bảo vệ thực vật An Giang là một điểm sáng hiếm hoi được nhiều nông dân tin cậy.

Nông dân được góp cổ phần

Xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang là vùng nguyên liệu cánh đồng mẫu lớn của Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang. Tại đây, nông dân góp ruộng đất cùng công ty tổ chức sản xuất liên kết trên cánh đồng mẫu lớn.

Ông Nguyễn Văn He, một nông dân xã Vĩnh Hanh cho biết: “Gia đình tôi tham gia cánh đồng mẫu lớn của Công ty từ năm 2013, với hơn 13 công ruộng (một công ruộng 1.000 m2). Chúng tôi được công ty bao tiêu sản phẩm, giá cả ổn định bảo đảm có lãi trên 30%”.

“Công ty còn hỗ trợ kỹ thuật trong chăm sóc lúa trong từng giai đoạn nên bà con nông dân có thêm nhiều kiến thức trong canh tác lúa theo các tiêu chuẩn xuất khẩu, bảo đảm năng suất, chất lượng... Từ khi tham gia vào vùng nguyên liệu của cánh đồng mẫu lớn đến nay, tôi thấy vị thế của người nông dân ngày càng được nâng lên, nên chúng tôi rất phấn khởi”, anh He nói.

Cánh đồng mẫu lớn đang là mô hình được nhiều địa phương áp dụng.


Chưa hết, “Chúng tôi còn được ưu tiên mua cổ phiếu của công ty với giá ưu đãi”, anh He cho biết thêm.

Tương tự, nông dân Phạm Đức Thắng (huyện Thoại Sơn, An Giang) cho biết, gia đình ông tham gia cánh đồng mẫu lớn tới nay đã được 9 vụ với 11 công ruộng. Từ khi tham gia cánh đồng mẫu,  nông dân bắt đầu có lời, từng bước vươn lên làm giàu.

“Nhờ tham gia cánh đồng mẫu lớn nên chúng tôi được các kỹ sư của công ty xuống tận ruộng hướng dẫn tận tình. Mỗi khi xuất hiện dịch bệnh đều được tư vấn để xử lý kịp thời, an toàn nên năng suất qua các năm đều tăng lên thấy rõ. Cuộc sống của người nông dân vì thế ngày càng được nâng lên”, anh Thắng nói.

Ban đầu người dân còn nghi ngờ về tính khả thi và hiệu quả của việc liên kết này, nhưng với cách làm việc bài bản, công ty đã thuyết phục được người dân.
“Lúc đầu, tôi chỉ tham gia liên kết với hơn 10 công ruộng, sau năm đầu tiên thấy hiệu quả, tôi đã mạnh dạn thuê thêm ruộng để mở rộng diện tích. Tới nay, sau 3 năm, gia đình chúng tôi đã tăng diện tích liên kết lên gần 20 công ruộng. Đây là một mô hình hay, chúng tôi rất muốn gắn bó lâu dài với công ty”, nông dân Nguyễn Minh Hiếu, xã Vọng The, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cho biết.

Theo ông Hiếu, sau 3 năm tham gia cánh đồng mẫu lớn của công ty, anh đã tiết kiệm được tiền để mua xe, xây nhà mới khang trang. Đặc biệt, vừa rồi được công ty ưu tiên mua cổ phần ông Hiếu càng yên tâm gắn bó với mô hình này của công ty hơn. Vì từ nay, ông đã là cổ đông của công ty; cũng đồng nghĩa là công ty và bà con nông dân sẽ gắn bó chặt chẽ với nhau hơn.

Hợp tác lâu dài

Theo Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, mô hình cánh đồng mẫu lớn sẽ được công ty phát triển theo hướng bền vững. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc của Công ty cho biết: “Chúng tôi hướng tới chuỗi sản xuất lúa gạo an toàn và khép kín. Điều này mang lại sự an tâm cho người nông dân trong khâu tiêu thụ. Bên cạnh đó, khi tham gia vào vùng nguyên liệu lúa gạo (hay cánh đồng mẫu lớn của công ty) thì bà con nông dân còn được cung ứng vật tư đầu vào ổn định, giá cả phải chăng; được hỗ trợ vốn trong quá trình sản xuất với thời gian 120 ngày không tính lãi”.

 Đến khâu phơi sấy, sau thu hoạch, để chống thất thoát; công đã sấy và cho bà con nông dân hoàn toàn miễn phí. Ngay cả khi giá lúa bán ra thấp thì công ty vẫn sẵn sàng cho bà con nông dân mượn kho 30 ngày không tính lãi để bà con tự quyết định giá bán của mình. Từ đó tạo cho người nông dân thế chủ động trong  tiêu thụ và sản xuất lúa gạo”, ông Thòn cho biết thêm.

Cũng theo ông Thòn, vì chuỗi khép kín nên tất cả các khâu đều được gắn thành một chu trình và công ty dễ dàng kiểm soát chất lượng. Bà con nông dân có sổ ghi chép, từ đó dễ truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó, chúng tôi có thể kiểm soát được vi lượng thuốc bảo vệ thực vật, mạnh dạn công bố chất lượng hàng hóa và xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm lúa gạo của công ty. Vì vậy, giá bán thường cao hơn từ 10 - 30 USD/tấn. Hướng sắp tới, chúng tôi sẽ chế biến các sản phẩm sau gạo nhất là cám để có được một giá trị cao hơn”, ông Thòn cho biết.

Theo chuyên gia lúa gạo, GS.TS Võ Tòng Xuân, thực hiện mô hình này, các công ty hợp đồng với nông dân, tập huấn kỹ thuật cho nông dân. Sau đó, họ đưa giống, vật tư và quan trọng nhất là cán bộ công ty thường xuyên đi kiểm tra, thăm đồng, đôn đốc người dân thực hiện và kiểm tra sổ ghi chép của người dân hàng ngày. Với cách làm đó, người dân sẽ có lãi nhiều hơn. Bởi bình thường người dân phải chi phí 3.800 - 4.000 đồng/kg lúa, nhưng nay chỉ còn 2.300 - 2.500 đồng/kg. Bản thân doanh nghiệp cũng phải thu mua lúa cho dân, vì họ đã đầu tư vốn, giống, kỹ thuật, giám sát quy trình từ đầu.




Hữu Vinh - Công Mạo

Liên kết yếu, cánh đồng mẫu lớn vẫn nhỏ
Liên kết yếu, cánh đồng mẫu lớn vẫn nhỏ

Ở một số địa phương, mô hình cánh đồng mẫu lớn vẫn chưa phát huy hiệu quả, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, thực hiện thiếu bài bản...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN