'Điểm nghẽn' của ngành dệt may Việt Nam - Bài cuối: Sớm tái cấu trúc ngành dệt may

Muốn phát triển bền vững và có chỗ đứng trong chuỗi cung ứng dệt may thế giới, Việt Nam cần sớm có giải pháp tái cấu trúc lại ngành.

Dây chuyền sản xuất khép kín từ bông, sợi, dệt tại Công ty Cổ phần Dệt may Huế. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

Trong đó, ngành cần phải phát triển cân đối giữa dệt, nhuộm, hoàn thiện vải với cắt may sản phẩm sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế. Đồng thời phải có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ kỹ thuật viên dệt, nhuộm cũng như các nhà thiết kế sản phẩm.

Thu hút đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu

Các chuyên gia cho rằng, tái cấu trúc ngành dệt may theo hướng kết nối, cân bằng giữa sản xuất nguyên phụ liệu với gia công sản phẩm là yêu cầu tất yếu để ngành dệt may Việt Nam tạo ra giá trị mang tính quốc gia. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong ngành dệt, nhuộm, sản xuất vải là thiếu nguồn lực tài chính.

Để có thể đáp ứng được nhu cầu vải và phụ liệu cho các doanh nghiệp gia công sản phẩm đến năm 2025, Việt Nam cần khoảng 22 tỷ USD đầu tư vào ngành dệt, nhuộm. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp dệt may trong nước chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ tập trung vào việc cắt may đơn hàng có sẵn, không tích lũy được nhiều vốn để đầu tư.

Do đó, thu hút đầu tư nước ngoài được xem là một trong những giải pháp gỡ khó cho bài toán thiếu vốn đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt may Việt Nam hiện nay. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã và đang tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt, đồng thời chú trọng phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật để thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp mũi nhọn và công nghiệp phục vụ xuất khẩu, trong đó có dệt may.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, ngoài lợi thế về tiềm lực tài chính, các tập đoàn dệt may nước ngoài còn có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển đồng bộ chuỗi sản xuất dệt may từ xơ, sợi, dệt, nhuộm cho tới thiết kế sản phẩm. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận và học hỏi công nghệ, chiến lược để phát triển lâu dài.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Tp. Hồ Chí Minh nhận định, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã động tích cực đến sự phát triển cả về giá trị thương mại lẫn nội lực của ngành dệt may Việt Nam.

Cụ thể, chính sách ưu đãi thuế quan của các FTA luôn gắn liền với các yêu cầu về quy tắc nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa đang giúp Việt Nam trở thành “địa điểm vàng” thu hút đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu để đáp ứng các nguyên tắc về tỷ lệ nội địa, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa khi xuất khẩu.

Điều này cũng sẽ giúp tháo gỡ một phần khó khăn trong việc phụ thuộc nguyên phụ liệu nước ngoài cho các doanh nghiệp dệt may trong nước.

Ở góc độ là nhà đầu tư nước ngoài, ông Sunny Huang, Giám đốc điều hành New Wide Group chia sẻ, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư vào ngành dệt may, trong đó bao gồm cả quy trình dệt, nhuộm, hoàn thiện vải và sản xuất phụ liệu. Bên cạnh số lượng lao động dồi dào, chi phí thấp, Việt Nam còn có lợi thế về cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông khá hoàn thiện, khả năng cung ứng điện, nước tốt hơn các quốc gia khác trong khu vực.

Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có quan hệ thương mại rộng khắp các khu vục kinh tế quan trọng của thế giới. Nhờ đó, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam vừa có thể tận dụng ưu thế xuất khẩu vừa có thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, về lâu dài, dệt may Việt Nam không thể chỉ hướng đến việc thu hút nhà đầu tư từ bên ngoài, sẽ khiến ngành dệt may Việt Nam trở thành cuộc chơi của các doanh nghiệp nước ngoài có nhà máy tại Việt Nam. Vì vậy, nhà nước và các hiệp hội ngành nghề phải có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước phát triển.

Trong đó, ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất xơ, sợi, dệt, nhuộm... là những khâu mà ngành dệt may Việt Nam đang thiếu và yếu. Ngoài ra, cần phải xây dựng quy hoạch tập trung cho các nhà máy dệt, nhuộm cũng như trung tâm nghiên cứu chuyên ngành để có định hướng phát triển cụ thể phù hợp với nhu cầu thực tế.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Các học viên tham gia lớp đào tạo nghề may của Công ty Dệt may Sơn La tại huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Ảnh: Diệp Anh/TTXVN

Bên cạnh vấn đề huy động vốn, việc đào tạo nguồn nhận lực có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành dệt may trong những năm tới cũng là bài toán mà những nhà hoạch định chiến lược và các doanh nghiệp phải nhanh chóng tìm lời giải.

Ông Nguyễn Hồng Giang cho rằng, để theo kịp tốc độ tăng trưởng cũng như đáp ứng được những yêu cầu về mặt kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, ngoài việc đầu tư vào thiết bị, máy móc các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đầu tư đúng mức để nâng cao năng lực cho đội ngũ vận hành dây chuyền sản xuất.

Theo đó, các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo cần liên kết chặt chẽ trong việc xây dựng các tiêu chí về chuyên môn, kỹ năng đối với lao động trong ngành dệt may nói chung, lao động trực tiếp tham gia dệt, nhuộm nói riêng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm trong việc đầu tư xây dựng nhà xưởng thực hành tại các cơ sở đào tạo hoặc tạo điều kiện để học sinh, sinh viên đến thực hành tại nhà máy để đảm bảo học viên sau khi học có thể đáp ứng ngay các yêu cầu của doanh nghiệp.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Liên,Phó Tổng Giám đốc Công ty may Phong Phú, chia sẻ, để có thể trụ lại trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác, bên cạnh việc huy động vốn để sản xuất, chủ động nguyên phụ liệu, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần tập trung đầu tư các khâu mang lại giá tị gia tăng cao cho sản phẩm.

Theo đó, các doanh nghiệp muốn tạo dựng được thương hiệu riêng phải xây dựng đội ngũ thiết kế, kỹ thuật viên chuyên nghiệp, có khả năng liên tục cải tiến và cung cấp cho khách hàng các sản phẩm mới, mang tính khác biệt. Song song đó, doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng của sản phẩm theo đúng cam kết với khách hàng bằng cách tổ chức đội ngũ quản lý chất lượng chuyên biệt, kiểm soát xuyên suốt quy trình sản xuất.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thay vì chờ đợi sự bắt nhịp giữa sản xuất nguyên phụ liệu và gia công sản phẩm ở quy mô toàn ngành, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nên chủ động tích lũy các nguồn lực để đầu tư hợp lý vào việc sản xuất nguyên phụ liệu, hướng tới mục tiêu cung cấp dịch vụ trọn gói. Có như vậy, ngành dệt may Việt Nam mới có nền tảng vững chắc để phát triển bền vững và tạo được thương hiệu về mặt giá trị trong chuỗi cung ứng dệt may thế giới.

Xuân Anh (TTXVN)
Cơ hội đưa hàng dệt may, thời trang Việt Nam sang thị trường Australia
Cơ hội đưa hàng dệt may, thời trang Việt Nam sang thị trường Australia

Chiều 10/7, tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội phối hợp với Tập đoàn Hội nghị và Triển lãm Quốc tế - International Exhibition and Conference (Australia) tổ chức “Hội thảo giới thiệu tiềm năng xuất khẩu hàng dệt may, da giày, túi xách, hàng thời trang Việt Nam sang thị trường Australia”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN