Điểm mới trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp

Nhằm hỗ trợ, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp (DN) trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) về những điểm mới trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2015, Cục Xúc tiến Thương mại đầu tư TP Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo thông tin đến DN những định hướng mang tính tích cực, có lợi trong việc thực thi và áp dụng những điểm mới trong 2 luật này.


Ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đối với đầu tư tại Việt Nam, thay đổi quan trọng nhất của Luật Đầu tư 2014 là việc tạo lập cơ sở pháp lý minh bạch để bảo đảm thực hiện quyền tự do đầu tư kinh doanh của công dân trong các ngành, nghề mà luật không cấm thông qua các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư và đầu tư kinh doanh có điều kiện.


Loại bỏ gần 165 ngành, nghề kinh doanh trùng lặp


Trên cơ sở rà soát, loại bỏ các ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh trùng lặp theo các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Thương mại, Luật Đầu tư 2014 quy định 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh bao gồm: kinh doanh các chất ma túy; kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật độc hại; kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã, mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm Nhóm I có nguồn gốc từ tự nhiên; mại dâm; mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người; các hoạt động liên quan đến sinh sản vô tính trên người.

Những điểm mới trong luật đầu tư và luật doanh nghiệp giúp tạo lập pháp lý minh bạch hơn


Với 386 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trên cơ sở rà soát Luật Đầu tư 2014 đã loại bỏ gần 120 ngành, nghề và điều kiện đầu tư kinh doanh không hợp lý, không rõ ràng, tạo ra gánh nặng chi phí tuân thủ đối với nhà đầu tư. Đồng thời, sửa đổi một số điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng giảm thiểu hình thức cấp phép


Theo đó, danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại Phụ lục 4 của Luật chỉ còn 267 ngành, nghề. Như vậy, kể từ ngày Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực 1/7/2015, ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác sẽ hết hiệu lực thi hành. Các điều kiện áp dụng đối với 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2014 đang được quy định tại các văn bản dưới nghị định tiếp tục được áp dụng cho đến ngày 1/7/2016.


Cắt giảm thủ tục rườm rà


Ông Quách Ngọc Tuấn cho biết thêm, Luật Đầu tư 2014 còn cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, như bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước (Điều 36), đơn giản hoá hồ sơ, trình tự, thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài với thời hạn tối đa 15 ngày thay cho 45 ngày như trước đây (Điều 37).


Cùng với cải cách thủ tục hành chính, Luật Đầu tư 2014 đã bổ sung, hoàn thiện một số quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện dự án đầu tư, như bổ sung quy định về bảo đảm nghĩa vụ thực hiện dự án của nhà đầu tư dưới hình thức ký quỹ, về giám định chất lượng máy móc, thiết bị, công nghệ nhập khẩu để thực hiện dự án đầu tư; hoàn thiện các quy định về chuyển nhượng dự án đầu tư, giãn tiến độ đầu tư, tạm ngừng hoạt động đầu tư, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư…


Một điểm đáng chú ý nữa là việc cải cách quy trình thành lập DN FDI theo hướng bãi bỏ yêu cầu cấp giấy chứng nhận đầu tư, đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để tách bạch hoạt động đầu tư theo dự án với hoạt động đăng ký kinh doanh. Theo hướng này, sau khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư FDI được phép thành lập DN tại cơ quan đăng ký kinh doanh như nhà đầu tư trong nước.


Luật Đầu tư 2014 cũng cải cách quy trình góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài theo hướng cho phép nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện thủ tục thay đổi thành viên theo quy định của pháp luật về DN mà không phải thực hiện thủ tục đầu tư. Để cải cách quy trình này, Luật Đầu tư 2014 cũng đã phân định rõ phạm vi điều chỉnh với Luật Chứng khoán trong hoạt động mua cổ phần, hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài và làm rõ điều kiện phải tuân thủ của nhà đầu tư nước ngoài.


Ưu đãi thu hút đầu tư


Luật Đầu tư 2014 cũng đã hoàn thiện các quy định về ngành, nghề ưu đãi đầu tư nhằm bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng vào các ngành sử dụng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại, dự án sản xuất có quy mô lớn, dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng nhiều lao động, dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, dự án thực hiện trong các các lĩnh vực xã hội hóa đầu tư (y tế, giáo dục, dạy nghề, văn hóa…).


Đối với đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, Luật Đầu tư 2014 quy định trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc huy động các nguồn vốn (bao gồm cả ngoại tệ), bổ sung một số quy định về thủ tục triển khai hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm giám sát nguồn vốn chuyển ra nước ngoài để đầu tư.


Nói về Luật Doanh nghiệp 2014, ông Phan Đức Hiếu – Trưởng ban phụ trách Ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhấn mạnh Luật mới ban hành đã thể chế hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp 2013, giảm rủi ro và tăng tính chủ động, nhanh nhạy trong hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp.


Nhằm tạo thuận lợi tối đa cho quá trình gia nhập thị trường, Luật Doanh nghiệp cũng đã có nhiều cải cách quan trọng, như: bãi bỏ yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định trong hồ sơ đăng ký thành lập DN; rút ngắn thời hạn giải quyết thủ tục đăng ký DN hay thay đổi nội dung đăng ký DN xuống tối đa không quá 3 ngày; kết hợp đồng thời các thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký lao động và đăng ký bảo hiểm xã hội; thay đổi phương thức quản lý và bãi bỏ thủ tục về đăng ký mẫu dấu của doanh nghiệp.

Hải Yên (Tin Tức)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN