Đi đầu tái cơ cấu nền kinh tế

Hơn 3 năm thực hiện tái cơ cấu kinh tế theo đề án của Chính phủ, kinh tế TP Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã có sự chuyển biến rõ rệt khi tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm: Tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Với nhiều đột phá trong áp dụng các chính sách, thành phố hiện nay đi đầu trong việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế.


Chủ động tái cơ cấu


Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội, cho biết thực tế TP.HCM đã thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế từ năm 2002. Theo đó, UBND TP.HCM đã tập trung đầu tư từ chiều rộng sang chiều sâu, tiếp tục thực hiện vai trò trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ĐBSCL, Tây Nguyên. Cụ thể, trên tinh thần Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị, UBND TP.HCM đã đưa chương trình tái cấu trúc, tái cơ cấu kinh tế thành một trong những chương trình đột phá đầu tiên của thành phố. Ba năm qua kinh tế của thành phố luôn đạt những kết quả tích cực. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, GDP TP.HCM tăng 8,2% so với cùng kỳ, cao gần gấp đôi cả nước. Theo chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm, thành viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, TP.HCM có nhiều điểm mới khi thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.

 

Công ty cổ phần chế biến gỗ Đức Thành (Thành phố Hồ Chí Minh) chuyên sản xuất dụng cụ nhà bếp, đồ gia dụng và đồ chơi trẻ em bằng gỗ. Sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tạo việc làm ổn định cho hơn 1.000 công nhân. 6 tháng đầu năm 2014, công ty đã sản xuất và xuất khẩu hơn 600.000 sản phẩm đồ gỗ sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu... doanh thu đạt 120 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2013. Trong ảnh: Sản xuất các sản phẩm đồ gỗ tại công ty.
Ảnh: An Hiếu - TTXVN

 

Trong đó, tái cơ cấu đầu tư công mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân phát triển hạ tầng, phát triển các ngành, các sản phẩm có lợi thế, tiềm năng. Nhờ đó, vốn đầu tư ngoài ngân sách tăng lên, trong khi vốn ngân sách để tái cơ cấu đầu tư công giảm dần. Cụ thể: Vốn ngoài nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội có xu hướng tăng dần, từ 59,9% năm 2011 lên 62,7% năm 2013; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng từ 15,5% năm 2011 lên 16,1% năm 2013. Vốn trong khu vực nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ 24,3% năm 2011 đã giảm còn 20,9% năm 2013.


Bên cạnh đó, việc phân bổ và giao vốn trái phiếu Chính phủ trung hạn giai đoạn 2012 - 2015 đã tạo điều kiện cho thành phố và các đơn vị, địa phương chủ động sắp xếp, bố trí nguồn lực theo thứ tự ưu tiên. Trong đó, tập trung bố trí vốn cho các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2012 - 2013. Nhờ vậy, không còn tình trạng yêu cầu doanh nghiệp ứng vốn thi công khi chưa có nguồn vốn, không sử dụng vốn vay từ ngân sách địa phương để khởi công khi chưa có nguồn vốn bảo đảm thực hiện.


Về tái cơ cấu DNNN, TP.HCM đã phê duyệt đề án tái cơ cấu 14 tổng công ty, công ty và cổ phần hóa 3 DNNN. Theo kế hoạch, trong năm 2014 - 2015, TP.HCM sẽ cổ phần đúng thời hạn 29 DN. Riêng năm 2014, thành phố đưa ra phương án cổ phần hóa đối với 3/15 DN. Đầu tư tài chính ngoài doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2011 - 2013 đạt 10,483 tỷ đồng/năm và TP.HCM dự kiến giá trị thoái vốn ra ngoài ngành kinh doanh chính của doanh nghiệp trong năm 2014 là 1.480 tỷ đồng.


Sẽ không còn ngân hàng yếu kém


Nhờ tái cơ cấu, hiện vốn điều lệ của 14 ngân hàng có trụ sở chính trên địa bàn TP.HCM đạt khoảng 86.000 tỷ đồng, với tổng tài sản hơn 1.192.000 tỷ đồng. Trong đó, NH Sài Gòn Thương Tín có mức vốn điều lệ cao nhất là 12.425 tỷ đồng. Các ngân hàng còn lại bảo đảm mức vốn điều lệ tối thiểu theo quy định.

Trong các điểm nhấn của TP.HCM về thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế thì tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được xem là nhiệm vụ ưu tiên. Theo đó, đã có 11/14 ngân hàng thương mại cổ phần (NHTM) trên địa bàn TP.HCM được phê duyệt phương án tái cơ cấu. Hiện còn 3 ngân hàng chưa được phê duyệt là Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, NHTM Phát triển Thành phố và Ngân hàng Phương Nam.


Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 không còn ngân hàng hoạt động yếu kém, UBND TP.HCM đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng lại phương án tái cơ cấu cho 3 ngân hàng còn lại. Hiện NH Phương Nam đã được chấp thuận chủ trương là sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín. NHTM Phát triển Thành phố đã hoàn tất kế hoạch mua lại Công ty Tài chính SGVF và sát nhập với NHTMCP Đại Á. Sau khi sát nhập, vốn điều lệ của NHTMCP Phát triển Thành phố đạt 8.000 tỷ đồng (gấp 1,6 lần vốn điều lệ trước khi sát nhập).


Ngoài ra, trong năm 2012, thành phố cũng đã hợp nhất 3 NHTMCP (Ngân hàng Đệ Nhất, Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa, Ngân hàng Sài Gòn) thành NHTMCP Sài Gòn. Bên cạnh đó, NHTMCP Nam Việt đang triển khai thực hiện các nội dung theo đề án tái cơ cấu đã được Thống đốc NHNN phê duyệt dưới sự giám sát của NHNN chi nhánh TP.HCM. Đến nay, hoạt động của hai ngân hàng này vượt qua giai đoạn khó khăn về thanh khoản và từng bước đi vào ổn định, nguy cơ đổ vỡ hệ thống đã được đẩy lùi.


Còn nhiều khó khăn


Theo ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, TP.HCM đã có nỗ lực trong việc triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế là một trong các địa phương đi đầu trong cả nước về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và DNNN. Tuy nhiên, vẫn có những hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện.

Sacombank là một trong những ngân hàng đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng lại phương án tái cơ cấu. Ảnh: Hoàng Hải


Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng sau tái cơ cấu vẫn không giảm mà có chiều hướng tăng. Tính từ đầu năm đến nay, nợ xấu của các NHTM trên địa bàn TP.HCM là trên 47.000 tỷ đồng. Trong đó, có 8 ngân hàng sau tái cơ cấu có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dự nợ lớn hơn 3%. Bên cạnh đó, hiệu quả sinh lời của 14 ngân hàng cũng thấp.


Đối với tái cơ cấu DNNN, mặc dù TP.HCM đã tích cực triển khai thực hiện nhưng vẫn không tránh khỏi một số hạn chế nhất định như kết quả thực hiện thoái vốn của các tổng công ty, công ty mẹ - con ra khỏi lĩnh vực không phải ngành nghề kinh doanh chính còn thấp do khó khăn trong việc tìm đối tác mua, nhượng lại cổ phần do kinh tế còn khó khăn. Đặc biệt, các công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch Upcom. Do đó, tiến độ thoái vốn theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt còn chậm.


Ở lĩnh vực tái cơ cấu đầu tư công, bà Lê Thị Quỳnh Mai, Phó GĐ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, cho biết khả năng cân đối vốn đầu tư đối với nhiều dự án đầu tư trọng điểm còn nhiều bất cập. Điều này đã gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư và phát triển kinh tế của TP.HCM như: Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng xây dựng tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài; dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên và dự án mở rộng xa lộ Hà Nội; dự án xây dựng đường nối Đại lộ Đông Tây và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây…


Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà cũng thừa nhận, TP.HCM vẫn đang khá lúng túng trong việc tái cơ cấu nền kinh tế. Chính vì vậy, TP.HCM rất thận trọng và sẽ tập trung vào các lĩnh vực cần tái cơ cấu và sẽ hoàn thành đề án tái cơ cấu trong thời gian sớm nhất và đúng mục tiêu đề ra.


Hải Yên

Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và tái cơ cấu doanh nghiệp
Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và tái cơ cấu doanh nghiệp

Ngày 6/8, tại Hà Nội, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị giao ban, sơ kết về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước 7 tháng đầu năm. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tham dự và chủ trì Hội nghị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN