Dệt may “loay hoay” với thị trường nội địa

Nhiều năm nay, bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu thì các doanh nghiệp dệt may đã nhen nhóm kế hoạch nâng thị phần ở trong nước. Tuy nhiên, đến nay có thể nói kế hoạch này vẫn chưa thành công.

Theo ước tính của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp (DN) dệt may trong nước chỉ chiếm khoảng 20% thị phần nội địa, phần còn lại thuộc về hàng ngoại nhập và các nhà may nhỏ gia công trong nước.

Ít cải tiến mẫu mã

Nhiều cơ sở may gia công và DN trong nước chỉ đầu tư vào số lượng chứ chưa chú ý đến chất lượng cũng như xây dựng thương hiệu. Chính vì vậy, nhiều DN dệt may dù đã có tên tuổi trên thị trường quốc tế về hàng xuất khẩu nhưng chỗ đứng trong lòng người Việt Nam dường như chưa được là bao. Thực tế, người tiêu dùng dù muốn ủng hộ dệt may trong nước cũng khó tìm các sản phẩm phù hợp.

Người tiêu dùng mong muốn mua được những sản phẩm phù hợp mang nhãn hiệu Việt.

Đi dọc tuyến phố Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội) để chọn cho mình một bộ quần áo công sở, anh Nguyễn Tuấn Anh (nhân viên văn phòng) không khỏi hoa mắt vì số lượng cửa hàng thời trang quá nhiều và lối bài trí rất bắt mắt của các shop. Tuy nhiên, đa phần đồ ở đây là hàng Quảng Châu (Trung Quốc). Tìm mãi mới thấy cửa hàng P.N bán đồ công sở “made in Việt Nam”, tuy nhiên anh Tuấn Anh lại không chọn được bộ đồ ưng ý do kiểu dáng khá “già”. “Tôi thấy hàng Việt Nam thường chậm đổi mới kiểu dáng hơn so với hàng Trung Quốc, Thái Lan nên sẽ khó thu hút các bạn thanh niên. Hàng may mặc của Việt Tiến, Nhà Bè chất lượng rất tốt nhưng kiểu dáng lại già, chỉ phù hợp với người trung niên”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

Tại Hà Nội, các cửa hàng quần áo “made in Cambodia”, “made in Thailand” xuất hiện ngày càng nhiều. Với lợi thế gần Việt Nam, chi phí sản xuất thấp, hàng may mặc các nước này đang cạnh tranh quyết liệt với hàng may mặc Việt Nam ở phân khúc hàng bình dân.

Theo các chuyên gia về thời trang, hàng dệt may Việt Nam yếu thế không chỉ về kiểu dáng, mẫu mã mà cả chất lượng đường kim, mũi chỉ. Chẳng hạn, với hàng nhập ngoại, vải màu gì thì họ vắt sổ màu đó, còn hàng Việt Nam chỉ có vắt sổ màu đen và nâu, đường may lại xộc xệch. Có ý kiến còn cho rằng, hàng đẹp thì các DN dành để xuất khẩu còn hàng xấu thì bán cho người tiêu dùng trong nước.

Phân phối kém hiệu quả

Đối với phân khúc cao hơn, những sản phẩm của DN có thương hiệu lại gặp khó ở chính khâu phân phối. Có những DN đã rất nỗ lực để mở kênh phân phối của riêng mình nhưng không hiệu quả. Ở đây có thể kể đến Tổng công ty May 10 với thương hiệu M10Mart, một trong những DN đi đầu trong việc xây dựng kênh phân phối. Cuối năm 2010, DN này đã khai trương siêu thị tại Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội với diện tích trên 2.000 m². Ngoài các sản phẩm thời trang của công ty, siêu thị này còn bày bán các mặt hàng bánh kẹo, hóa mỹ phẩm, văn phòng phẩm. Đến nay sau gần 6 năm hoạt động, siêu thị M10mart Long Biên luôn trong tình trạng đìu hiu, hoạt động cầm chừng; sản phẩm lèo tèo, khách hàng cũng lèo tèo. Sự thất bại của mô hình siêu thị này một phần từ việc chọn địa điểm xa trung tâm, dân cư thưa vắng. Cùng với siêu thị này thì M10Mart còn có mặt tại Thái Bình và Quảng Bình. Sản phẩm May10 thuộc dòng trung và cao cấp, nếu bày bán tại những tỉnh còn khó khăn như vậy thì hiệu quả khó có thể cao.

Tương tự, hồi tháng 4 năm ngoái, chuỗi hệ thống siêu thị Vinatexmart của Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã phải chuyển nhượng cho Tập đoàn Vingroup. Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn cho biết, hệ thống siêu thị Vinatexmart chọn địa điểm chưa tốt. Sản phẩm dệt may của các đơn vị trong Tập đoàn được định vị là sản phẩm loại khá trở lên nhưng địa điểm bán hàng lại đặt nhiều ở vùng nông thôn - nơi có nhu cầu tiêu dùng hàng giá cả phải chăng.

Như vậy có thể thấy, mặc dù các DN lớn đã quan tâm đến việc phát triển hệ thống phân phối của riêng mình song sự thất bại của các hệ thống Vinatexmart, M10Mart cho thấy chiến lược phát triển kênh phân phối của các DN còn nhiều vấn đề.

Ông Phạm Xuân Hồng, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP Hồ Chí Minh: Cần tăng tỷ lệ nội địa hóa Thị trường nội địa rất tiềm năng đối với các DN dệt may Việt Nam. Nhưng vấn đề đặt ra là để có chỗ đứng bền vững ở thị trường này là điều khó khăn đối với các DN. Hiện sức mua tại thị trường nội địa vẫn yếu nên các DN không mặn mà quay lại sân nhà, để hàng của Trung Quốc và các nước trong khu vực làm mưa làm gió. Hàng dệt may trong nước cần tăng tỷ lệ nội địa hóa. Khó nhất của ngành may chính là nguyên liệu. 80% nguyên phụ liệu phải nhập từ nước ngoài. Hoặc nguyên liệu sản xuất được tại Việt Nam thì lại đắt hơn hàng nhập ngoại, nhất là từ Trung Quốc, Hàn Quốc khiến nhiều DN vẫn chọn nhập khẩu nguyên phụ liệu. Do đó, hàng dệt may Việt Nam mang tiếng là sản xuất trong nước, hướng đến thị trường nội địa song nguyên liệu phần lớn lại là ngoại nhập. Nhà nước cần có các chính sách để quy hoạch, khuyến khích hỗ trợ ngành dệt, nhuộm bởi nếu không có nguyên liệu tốt trong nước thì không thể có hàng dệt may Việt Nam chất lượng cao phục vụ người Việt Nam. 

Ông Nguyễn Văn Vinh, đại diện Công ty May X20: Sẽ phát triển thêm kênh phân phối Hiện chúng tôi có khoảng 50% hàng tiêu thụ nội địa nhưng mới có 5 - 6 điểm giới thiệu sản phẩm trên cả nước. Sắp tới chúng tôi sẽ phát triển thêm các kênh phân phối. Trước tiên phải tính toán, xác định được các điểm bán hàng. Việc bố trí cụ thể địa điểm bán hàng phải dựa vào từng khu vực dân cư, hệ thống giao thông… Việc bố trí lượng hàng cho từng điểm cũng không cố định mà sẽ linh hoạt thay đổi theo biến động của thị trường. 

Ông Nguyễn Khánh Quyền, Giám đốc điều hành Công ty Dệt Minh Khai: Nhà nước cần quan tâm hơn Hiện nay các DN tiếp cận vốn rất khó khăn. Những DN liên quan đến xuất khẩu thì còn có thể vay được, còn lại rất khó vay vốn hoặc phải vay với lãi suất cao. Nhà nước không nên chỉ quan tâm đến các công ty lớn mà cần đầu tư cho các công ty nhỏ. Riêng đối với bản thân DN dệt may, để nâng thị phần nội địa, các nhà sản xuất cần liên kết với các DN phân phối nội địa bởi khâu phân phối tiêu thụ nội địa không hề dễ đối với DN vốn quen xuất khẩu.


Hoàng Dương
Cần quan tâm hơn đến thị trường dệt may trong nước
Cần quan tâm hơn đến thị trường dệt may trong nước

Kim ngạch xuất khẩu dệt may trong những năm qua đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các DN dệt may trong nước đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới, đặc biệt là các đơn hàng sơ mi, quần, jacket.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN