Đề xuất chuyển gói lãi suất 2% sang miễn, giảm thuế hoặc hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội

Các doanh nghiệp đã vào guồng chu kỳ sản xuất kinh doanh năm 2023, trong đó, vấn đề vốn cho doanh nghiệp luôn được đặt lên hàng đầu. Một số chuyên gia kinh tế đề xuất: Trong bối cảnh gói hỗ trợ lãi suất 2% ‘ế”, số tiền còn lại chưa được giải ngân nên chuyển sang sang mục đích chi khác để gói hỗ trợ này được hấp thụ tốt hơn.

Chú thích ảnh
Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây, xã Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội chuyên sản xuất giày xuất khẩu thu hút hàng ngàn lao động. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

E ngại hậu kiểm và nguy cơ “trục lợi chính sách”

Theo thông tin mới nhất từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 12/2022, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ đạt hơn 52.000 tỷ đồng; dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 35.000 tỷ đồng; số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 135 tỷ đồng, cho hơn 1.700 khách hàng. Có thể thấy, so với mục tiêu đề ra, kết quả hỗ trợ vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Trong Talk show: “Khơi thông gói hỗ trợ lãi suất 2%” do Tin tức TV thực hiện mới đây, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: Mặc dù ngành Ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ với tinh thần quyết liệt và khẩn trương, kết quả gói hỗ trợ 2% lãi suất còn thấp. Qua rà soát của các ngân hàng thương mại (NHTM), trong số các khách hàng đáp ứng điều kiện được hưởng hỗ trợ lãi suất, chỉ có 7% khách hàng nộp hồ sơ (đã được hỗ trợ lãi suất) và đang hoàn thiện hồ sơ; 26% khách hàng chưa có phản hồi; và 67% khách hàng phản hồi không có nhu cầu hỗ trợ lãi suất.

Phía các NHTM cho rằng, không phải ngân hàng “làm khó” doanh nghiệp mà quy định của Nghị định 31 khá khắt khe, đối tượng hỗ trợ lãi suất theo Nghị định khá hẹp và nhiều quy định chưa rõ, doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề khó chứng minh đồng vốn vay được sử dụng cho lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất… “Mặc dù nằm trong nhóm đối tượng được hỗ trợ lãi suất 2%, song chúng tôi không nộp đơn xin hỗ trợ với lý do là sợ khâu ‘hậu kiểm’ sau khi được hỗ trợ, chưa kể thủ tục để được hỗ trợ cũng khá rườm rà”, lãnh đạo doanh nghiệp du lịch cho biết.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Mạc Quốc Anh - Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp cho biết: Trong quá trình triển khai có nhiều khúc mắc. Theo đó, khi tiếp cận gói này, đa số doanh nghiệp phải lắc đầu vì không đủ điều kiện. Cụ thể: Doanh nghiệp không được giải ngân vì thiếu tài sản thế chấp, không có hóa đơn đỏ theo yêu cầu mà chỉ có hóa đơn bán lẻ, địa phương chưa có quy định về thu nhập thấp nên không biết căn cứ vào đâu để xác định…

Bà Hà Thu Giang thừa nhận: “Trong quá trình triển khai, một số hộ kinh doanh có nhu cầu hỗ trợ lãi suất nhưng chưa có đăng ký kinh doanh nên không đáp ứng đủ điều kiện. Một số khách hàng đáp ứng đủ điều kiện vay thì cũng e ngại, cân nhắc về lợi ích cũng như chi phí mang lại sau khi tham gia bởi chương trình hỗ trợ này từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) nên phải tuân thủ các thủ tục. Theo đó, các bên phải lưu trữ hồ sơ, chứng từ, đảm bảo đúng quy định; đồng thời phải tuân thủ các cái quy định về hậu kiểm sau này của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng e ngại, trường hợp được hưởng gói hỗ trợ lãi suất, sau này cơ quan hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán vào lại thu hồi hoặc yêu cầu doanh nghiệp hoàn trả vì lý do nào đó, doanh nghiệp rất khó xoay sở vì lợi nhuận hay là cổ tức đã chia hoàn tất. “Mặt khác, họ e ngại có thể bị đánh giá là trục lợi chính sách. Theo thống kê của NHNN, 67% doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn lại không có nhu cầu hỗ trợ lãi suất 2%”, bà Hà Thu Giang chia sẻ.

Là một trong những NHTM thực hiện hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2%, ông Trần Hoài Nam - Giám đốc Trung tâm Phát triển giải pháp tài chính khách hàng VietinBank cho biết: Việc đánh giá thế nào là "khả năng phục hồi" thực sự chỉ mang tính định lượng. Có những ngành đặc thù, ngay thời điểm COVID-19 có thể tăng trưởng nhưng sau đó từ năm 2021, 2022, có thể lại bị sụt giảm.

Qua khảo sát thực tế từ khách hàng, nhiều lãnh đạo NHTM chia sẻ: Bản thân khách hàng mặc dù có khả năng trả nợ, song cũng không dám khẳng định “có khả năng phục hồi”. Hiện, các tiêu chí để đánh giá khả năng phục hồi thường là những kết quả định lượng như: Doanh thu, sản lượng, lợi nhuận kinh doanh phải tăng; hoặc các tiêu chí định tính như diễn biến, chiều hướng, triển vọng kinh doanh của khách hàng…Trong bối cảnh hiện nay, các tiêu chí này là rất khó đánh giá, đặc biệt điều kiện kinh tế thế giới đang có nhiều bất ổn, chi phí sản xuất gia tăng và phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu các loại nguyên liệu đầu vào, áp lực lạm phát…

Theo ông Trần Hoài Nam, hiện nhiều doanh nghiệp hoạt động đa ngành, đa nghề nên phải bóc tách từng lĩnh vực, từng chi phí  để xem xét có thuộc diện được hỗ trợ hay không? họ phải thu thập các cái chứng từ liên quan nên khá vất vả khi muốn làm hồ sơ thủ tục vay vốn.

“Trước năm 2019, thông thường, doanh nghiệp kinh doanh từ 1 tới 2 sản phẩm vẫn gặp thuận lợi. Tuy nhiên những năm gần đây, nếu doanh nghiệp không kinh doanh đa ngành nghề sẽ rất khó cạnh tranh được trong khu vực cũng như ngay tại thị trường nội địa. Vì vậy, Nghị định 31 sửa đổi cần mở rộng các lĩnh vực để doanh nghiệp kinh doanh đa ngành có thể tiếp cận nguồn vay hỗ trợ lãi suất 2%. Theo quy định, doanh nghiệp được hỗ trợ phải “đạt điều kiện là có khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi”. Mặc dù phía NHTM ban đầu có thể đánh giá doanh nghiệp có khả năng trả nợ nhưng không thể trả lời có thể phục hồi hay không trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động lớn, đặc biệt tổng cung, cầu sụt giảm từ tháng 6/2022. Ngoài ra, những khoản nợ cũ của hệ thống doanh nghiệp chưa được giải quyết triệt để sẽ ảnh hưởng khoản vay mới khi giải ngân gói lãi suất ưu đãi 2%”, ông Mạc Quốc Anh cho biết.

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Văn Thân - Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVV) Việt Nam cho rằng: Hiện có một số điểm của Nghị định 31 chưa sát thực tế. “Các NHTM phải chứng minh được doanh nghiệp phải có khả năng trả nợ; thu hồi vốn. Trong lúc vay, doanh nghiệp có thể chứng minh được khả năng phục hồi, vậy đến thời kỳ không trả được nợ được thì sẽ quy định trách nhiệm của ngân hàng, như vậy, ngân hàng cũng rất e ngại”. 

Trải qua đợt hỗ trợ lãi suất năm 2009, các doanh nghiệp e ngại hồ sơ thủ tục phải hoàn thiện để phục vụ thanh, kiểm tra sau này có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, một số vướng mắc trong hạch toán lợi nhuận, chia cổ tức, khi thanh tra kiểm toán yêu cầu phải thu hồi, thì doanh nghiệp khó cân đối để trả lại số tiền đã hỗ trợ". “Vì vậy không ít doanh nghiệp, ngân hàng lo về khâu chịu trách nhiệm sau này, đặc biệt phía hệ thống ngân hàng”, đại diện Hiệp hội DNNVV băn khoăn.

Sửa đổi nút thắt của chính sách, đề xuất điều chỉnh nguồn chi khác hiệu quả hơn

Theo các chuyên gia kinh tế, gói hỗ trợ lãi suất 2% sử dụng ngân sách, nên có sự chặt chẽ, thận trọng về mặt quy định là dễ hiểu. Tuy vậy, sự thiếu linh hoạt sẽ khiến gói hỗ trợ này khó giải ngân. “Chính phủ nên trình Quốc hội chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất 2% chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay”, ĐBQH Trần Hoàng Ngân đề xuất.

PGS TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng: Ngân hàng không thể hạ chuẩn tín dụng để cho vay nhưng để khơi thông được gói hỗ trợ, cần có quy định mở rộng đối tượng cho vay. Cùng với đó, có thể sử dụng nguồn lực từ gói hỗ trợ này cho các chính sách khác khả thi hơn. Một phương án khác là trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chuyển phần dự toán không sử dụng hết của chương trình này sang các nhiệm vụ chi/các hình thức hỗ trợ khác. “Tôi phải nói rất thẳng thắn, Nghị định 31 dứt khoát phải sửa đổi, tức là phải mở rộng các đối tượng được hỗ trợ, ông Nguyễn Văn Thân

Đồng tình quan điểm này, ông Mạc Quốc Anh cho rằng: Bên cạnh sửa đổi một số điều kiện bất cập, tạo điều kiện mở rộng cho các đối tượng được thụ hưởng gói hỗ trợ nhưng cũng cần đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng thì chúng ta cũng cần tính phương án chuyển ngân sách sang chương trình hấp thụ vốn tốt hơn. 

"Trước tình trạng gói hỗ trợ lãi suất 2% đang bị 'ế', có nhiều điều kiện cản trở sự tiếp cận các chính sách cho doanh nghiệp, vì vậy, tôi cho rằng, nên điều chỉnh vốn của gói này sang chương trình khác để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, chẳng hạn như giảm thuế, phí. Việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp càng nhanh chóng bao nhiêu thì càng nâng cao được sức cạnh tranh cho doanh nghiệp đồng nghĩa giải quyết được bài toán tăng trưởng lợi nhuận cho doanh nghiệp từ 10 – 15%, gián tiếp tạo nhiều công ăn việc làm, cơ hội kinh doanh; môi trường cung và cầu gặp nhau thì sự hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ban ngành sẽ có hiệu ứng tích cực", ông Mạc Quốc Anh đề xuất. 

                  Ngân hàng Nhà nước đang chờ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Tin tức về tiến độ sửa đổi Nghị định 31 tại Talk show: “Khơi thông gói hỗ trợ lãi suất 2%” do Tin tức TV thực hiện mới đây, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: "NHNN đã gửi dự thảo Nghị định sửa đổi để lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành liên quan; đồng thời gửi hồ sơ sang Bộ Tư pháp để thẩm định. Vừa rồi, Bộ Tư pháp cũng đã tổ chức Hội đồng thẩm định để xem xét. NHNN đang chờ ý kiến thẩm định bằng văn bản của Bộ Tư pháp, sau đó sẽ hoàn tất dự thảo Nghị định để trình Chính phủ theo đúng tiến độ".

Trả lời câu hỏi của báo Tin tức về việc có nên điều chuyển nguồn tiền của gói hỗ trợ sang các nhiệm vụ chi khác có khả năng hấp thụ tốt hơn?, ông Nguyễn Văn Thân nói: "Tôi ủng hộ gói hỗ trợ này nên chuyển sang hỗ trợ người có thu nhập thấp có nhu cầu nhà ở xã hội và trực tiếp giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp".  

Còn chuyên gia Đinh Trọng Thịnh đề xuất: "Gói hỗ trợ này có quy mô 40.000 tỷ đồng từ NSNN thực hiện trong 2 năm 2022 - 2023. Chúng ta nên mở rộng thê đôi tượng được thụ hưởng gói hỗ trợ hoặc có thể chuyển sang hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng như một khoản đầu tư công tăng thêm trong năm 2023. Ngoài ra, có thể sử dụng gói hỗ trợ này cho việc miễn giảm thuế, giãn hoãn thuế cho các doanh nghiệp. Trường hợp khác, có thể dành một phần của gói lãi suất 2% cho chương trình an sinh xã hội là hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội, phù hợp với việc khơi thông thị trường bất động sản năm nay".

Chính phủ vừa yêu cầu NHNN khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 31/2022/NĐ-CP trong tháng 02/2023 để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống các NHTM. Đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền cho điều chuyển phần dự toán không sử dụng hết sang các nhiệm vụ chi hoặc hình thức hỗ trợ phù hợp khác.

 

PV/Báo Tin tức
Dành gói tín dụng 120.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho phát triển nhà ở xã hội
Dành gói tín dụng 120.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho phát triển nhà ở xã hội

Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững diễn ra ngày 17/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua thị trường bất động sản có tăng trưởng cao, nhưng hiện nay thị trường này đang gặp một số khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN