Để trở thành ngành công nghiệp quan trọng của đất nước

Mặc dù thị trường rất tiềm năng nhưng ngành công nghiệp ôtô đang gặp không ít khó khăn. Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, đến nay ngành công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn chưa đem lại những kết quả như mong muốn.

Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 do Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 177/2004/QĐ-TTg với mục tiêu hàng đầu là tăng giá trị sản xuất trong nước, tiến tới phát triển ôtô thương hiệu Việt đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ôtô, thời gian qua Chính phủ đã đưa ra những ưu đãi về thuế để các doanh nghiệp này thu hồi vốn nhanh, tái đầu tư mở rộng sản xuất linh kiện, tăng tỷ lệ nội địa hóa (NĐH). Tuy nhiên, hầu hết tỷ lệ NĐH đều không đạt theo yêu cầu; đặc biệt là những chi tiết và linh kiện quan trọng đều chưa sản xuất được.

Một công đoạn trong dây chuyền lắp ráp ôtô

Những hạn chế trong chiến lược phát triển công nghiệp ôtô nói riêng và phát triển ngành công nghiệp Việt Nam nói chung đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chỉ ra trong buổi làm việc giữa năm 2011 tại Quảng Nam. Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, quy hoạch phát triển công nghiệp vẫn còn có những hạn chế, xa rời và lạc hậu so với thực tiễn. Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ có sự sửa đổi cho phù hợp. Trong đó có việc làm sao để thích ứng với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong khuôn khổ AFTA và trong khuôn khổ các hiệp định khu vực mậu dịch tự do.

Trong dự thảo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã xác định mục tiêu đó là xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam trở thành một ngành công nghiệp quan trọng của đất nước vào năm 2020, đủ khả năng đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước về các loại xe tải, xe khách thông dụng, một số loại xe chuyên dụng và tham gia xuất khẩu nguyên chiếc; đồng thời trở thành nhà cung cấp một số loại cụm chi tiết, phụ tùng linh kiện cho công nghiệp ôtô thế giới; góp phần giảm nhập siêu và thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển.

Một trong những biện pháp để cụ thể hóa, đó là việc khuyến khích các dự án công nghiệp ôtô vào các KCN, các nhà đầu tư quy mô lớn, tập trung; khuyến khích các DN sản xuất, lắp ráp ôtô hiện có đầu tư chiều sâu, bổ sung, nâng cấp công nghệ, nâng cao công suất lắp ráp và tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước.

Trong đó sẽ hình thành một số KCN chuyên sâu/trung tâm cơ khí ôtô đa dụng làm hạt nhân của các cụm liên kết, nhằm thu hút đầu tư phát triển trước hết vào 5 nhóm ngành cơ bản của công nghiệp hỗ trợ (rèn - dập - đúc, nhiệt luyện, mạ và sản xuất khuôn mẫu). Hình thành hệ thống chủ yếu các nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng ôtô, từ đó mở rộng phát triển ra các vùng lân cận. Đẩy mạnh việc hợp tác với các ngành công nghiệp vật liệu đầu vào cho sản xuất linh kiện phụ tùng.

Giai đoạn 2016-2020, tập trung phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất ôtô, đảm bảo đến năm 2020 có khả năng cung ứng 40-45% linh kiện, phụ tùng (về giá trị) cho nhu cầu sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước. Đến năm 2030 khả năng cung ứng 50-60% linh kiện phụ tùng. Về sản lượng đối với dòng xe du lịch dưới 9 chỗ, đến năm 2030 kế hoạch sẽ sản xuất lắp ráp 1,8 triệu xe ôtô, trong đó xuất khẩu 170 ngàn xe.

Một thông tin đáng mừng đó là ngày 10/11/2011 vừa qua trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Tập đoàn ôtô Hyundai (thành phố Ulsan - Hàn Quốc), ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (THACO) đã cùng ông Han Young Choi, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Motor ký kết lần 2 dự án chuyển giao công nghệ sản xuất động cơ. Vốn đầu tư giai đoạn 1 là 136,5 triệu USD. Trong đó, chi phí chuyển giao công nghệ là 400.000 USD và 50 USD cho mỗi động cơ được chế tạo tại Việt Nam. Giai đoạn 2 tiếp tục đầu tư 47,5 triệu USD để nâng tiêu chuẩn khí thải lên Euro 4, 5 & 6 trong những năm tiếp theo.

Đây là bước ngoặt lớn cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam nói chung và Trường Hải – THACO nói riêng khi lần đầu tiên một đơn vị trong nước được chuyển giao công nghệ sản xuất động cơ, làm tiền đề để hình thành Khu Công nghiệp cơ khí đa dụng và ôtô quốc gia tại Khu kinh tế mở Chu Lai.

Sĩ Dũng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN