Để thị trường sữa “sạch hơn”

Sữa là một mặt hàng có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống người tiêu dùng (NTD), đặc biệt là với trẻ em và người già, những đối tượng NTD dễ bị tổn thương nhất. Tuy nhiên, NTD Việt Nam vẫn thiệt thòi khi phải dùng sữa với giá cao, thậm chí, vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị lừa dối vì chất lượng sữa không được như công bố.

Băn khoăn về chất lượng sữa

Tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng sữa ngày một tăng lên, NTD ngày càng quan tâm đến các vấn đề về chất lượng sữa cũng như có nhiều sự lựa chọn hơn khi thị trường sữa có sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải NTD nào cũng hiểu biết đúng và đầy đủ để có thể lựa chọn được sản phẩm sữa tốt nhất.

Bà Kim Yến, đại diện Hội Người tiêu dùng nữ của TP Hà Nội cho biết, thị trường sữa có đến hàng trăm loại của cả doanh nghiệp nội và ngoại sản xuất. Các sản phẩm sữa thường được quảng cáo là tốt nhất, có bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng. Nhưng, thị trường sữa đã từng xảy ra nhiều trường hợp làm ăn gian dối, ví dụ như doanh nghiệp quảng cáo không đúng về sản phẩm, tức là hàm lượng dinh dưỡng và các chất có trong sữa thấp hơn quảng cáo, sữa hoàn nguyên thì nói là sữa tươi… nên NTD rất hoang mang. “Sữa là mặt hàng liên quan đến sức khỏe và sự phát triển của thể chất, nhưng chất lượng sữa lại do doanh nghiệp tự công bố... thì liệu việc đánh giá chất lượng có đảm bảo?”, bà Yến đặt câu hỏi.

Sau sự cố sữa bột và sản phẩm từ sữa có nhiễm chất melamine (chất độc này có thể gây ung thư và nhiều bệnh khác) được phát hiện vào năm 2008, NTD có xu hướng chuyển sang sử dụng các sản phẩm sữa tươi và doanh nghiệp liên tục công bố tăng tỷ lệ sữa tươi. Tuy nhiên, ngay chính các doanh nghiệp trong ngành sữa cũng nghi ngờ. “Do chăn nuôi bò sữa ở nước ta chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu sản xuất sữa nên tỷ lệ sữa tươi (chiếm 99% là sữa tươi nguyên chất) chỉ có thể chiếm rất nhỏ so với sữa hoàn nguyên (sữa được chế biến từ sữa bột). Nhưng trên thị trường sữa nước ta, tỷ lệ sữa bán trên thị trường được công bố là sữa tươi lại nhiều hơn sữa hoàn nguyên”, đại diện một doanh nghiệp đặt vấn đề. Cái khó với người tiêu dùng, theo doanh nghiệp này, là khi được xử lý ở nhiệt độ cao (trên 140 độ C), rất khó để người tiêu dùng phân biệt được đâu là sữa tươi, đâu là sữa hoàn nguyên vì mùi vị của hai loại sữa này không khác gì nhau.

Ông Lê Danh Vĩnh, Thứ trưởng thường trực Bộ Công Thương cho biết: Trong những năm gần đây, ngành sữa luôn dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực thực phẩm ở Việt Nam, với mức tăng trưởng doanh thu trung bình đạt 18%/năm. Giai đoạn 2000 – 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9%/năm. Kinh doanh sữa trở thành một ngành có khả năng đem lại lợi nhuận cao, mà hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh đã tham gia vào quá trình sản xuất, nhập khẩu, phân phối mặt hàng này. “Yêu cầu về an toàn thực phẩm, cách thức sử dụng, bảo quản, vận chuyển đối với các sản phẩm sữa là rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất sữa đã không đáp ứng đủ yêu cầu trên, thậm chí cố tình không thực hiện đúng và đầy đủ dẫn đến chất lượng sữa cung cấp đến tay NTD không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe của NTD”, Thứ trưởng Vĩnh thừa nhận.

Để người tiêu dùng yên tâm sử dụng sữa

Tiêu thụ sữa bình quân đầu người tại Việt Nam từ mức 8,09 lít/người/năm vào năm 2000 đã lên tới 14,81 lít/người/năm vào năm 2010, với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 9%/năm trong giai đoạn 2000 - 2010. Tuy nhiên, so với một số nước khác trong khu vực như Thái Lan, tiêu thụ sữa của Việt Nam còn thấp hơn nhiều. Với mức tăng dân số, tỷ lệ tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân đầu người ngày một tăng..., tiềm năng phát triển của thị trường sữa tại Việt Nam còn rất lớn.

Tuy nhiên, ngành sữa Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức như an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng sữa, bởi chất lượng sữa thành phẩm khi được đưa ra thị trường phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất và quy chuẩn bán hàng... Trong khi đó, tại Việt Nam, các quy trình trên hiện vẫn chưa được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn, những hộ chăn nuôi bò còn thực hiện theo cách thủ công không đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng thức ăn cho bò cũng chưa đảm bảo khiến nguồn sữa không đạt chất lượng tốt nhất. Bên cạnh đó, dây chuyền sản xuất của nhiều nơi trên cả nước đều không đạt chuẩn, dẫn đến tình trạng sữa thành phẩm đến tay NTD chưa đạt được tiêu chuẩn chất lượng như mong muốn.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới cần cụ thể hóa quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam trên các địa bàn tỉnh, thành phố; đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất và kiểm nghiệm chất lượng sữa với trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao chất lượng thành phẩm.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc kinh doanh của Hanoimilk cho biết, để xây dựng niềm tin với NTD, doanh nghiệp sản xuất sữa cần phải trung thực và minh bạch trong việc công bố thông tin về sản phẩm. Đặc biệt, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc phấn đấu đạt các chứng chỉ quốc tế về sản xuất sữa. Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng, cần phải coi việc đạt các chứng chỉ quốc tế là việc làm nâng cao chất lượng sản phẩm chứ không phải là chiêu PR của doanh nghiệp. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần tăng cường kiểm soát với sữa ngoại hiện đang được nhập một cách ồ ạt vào Việt Nam qua nhiều con đường như nhập khẩu, hàng xách tay, buôn lậu...

Bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng Ban Bảo vệ quyền lợi NTD (Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương) khuyến cáo, việc thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD sẽ buộc các doanh nghiệp phải quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng sữa và trung thực khi công bố thông tin về sản phẩm đến với NTD. Trong trường hợp gặp các vấn đề về chất lượng sữa, NTD có thể phản ánh trực tiếp với người bán hàng cũng như doanh nghiệp sản xuất và các cơ quan chức năng để giải quyết.

Thu Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN