Để hàng Việt đứng vững trên thị trường nội địa

Hàng Việt hiện nay đã được đông đảo người tiêu dùng (NTD) tin dùng, nhưng trước sự cạnh tranh quyết liệt của các công ty đa quốc gia và hàng ngoại nhập, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm cùng với việc tổ chức tốt mạng lưới phân phối hàng hóa.


Bị cạnh tranh gay gắt


Tại siêu thị Co.op Mart Lý Thường Kiệt, TP Hồ Chí Minh, chị Trần Ngọc Phương, sinh sống tại quận 10, TP Hồ Chí Minh chọn một sản phẩm dầu ăn mang thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao được đặt trên kệ cùng với hàng loạt thương hiệu đến từ các công ty đa quốc gia và những nhãn hiệu nhập khẩu từ nước ngoài. Chị Phương chia sẻ: “Sau khi biết đến cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt, tôi ngày càng có niềm tin và sử dụng nhiều sản phẩm tiêu dùng của doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng tôi thấy có quá ít thông tin về những sản phẩm này. Chỉ khi mua về sử dụng thì mới thấy sản phẩm của doanh nghiệp trong nước có chất lượng tốt không thua gì những sản phẩm của nước ngoài mà giá lại rẻ. Trong khi những sản phẩm của nước ngoài thì quảng bá hình ảnh rầm rộ khắp mọi nơi”.
 

Người tiêu dùng ngày càng tin dùng hàng Việt.

 

Bà Lê Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Saigon Food nhìn nhận: “Về chất lượng, mẫu mã bao bì hàng Việt Nam ngày càng được nâng cao không thua kém gì hàng ngoại nhập hoặc các tập đoàn đa quốc gia. Nhưng sản phẩm của chúng ta vẫn bị thua kém về các hoạt động quảng cáo, tiếp thị. Nhiều sản phẩm hàng Việt thậm chí không chen chân được vào hệ thống các siêu thị lớn”.


Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày TP.HCM: “Quảng cáo truyền hình cực kỳ hiệu quả mà chi phí quá cao. Không có doanh nghiệp da giày nào đủ lực làm quảng cáo như các công ty đa quốc gia. Ngay cả thương hiệu giày da Bitís được nhiều người tiêu dùng biết đến cũng không đủ tiền làm quảng cáo trên kênh truyền hình TP Hồ Chí Minh mà chỉ đăng quảng cáo trên truyền hình Bình Dương với chi phí thấp hơn.
Bên cạnh đó, tuy có đến 90 - 95% hàng hóa trong siêu thị là hàng Việt nhưng hàng gia công cho siêu thị chiếm đa số nên thương hiệu Việt cứ mất dần. Đặc biệt, hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang có nguy cơ mất dần thị phần ở các siêu thị bởi sự lấn lướt của các sản phẩm mang thương hiệu riêng của siêu thị.


Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), ở kênh phân phối truyền thống, sau gần 2 năm thực hiện chương trình đưa hàng Việt vào chợ truyền thống cho thấy, các công ty đa quốc gia cũng chiếm lĩnh thị trường. Bên cạnh đó, hàng giả, hàng nhái cũng lộng hành khiến doanh nghiệp Việt càng gặp nhiều khó khăn.


Tăng cường khả năng tiếp cận thị trường


Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty MTV Kỹ nghệ súc sản Vissan cho rằng: “Trước thềm hội nhập 2015, ASEAN +1, thuế giảm trong khi các rào cản kỹ thuật thương mại chưa được hình thành thì thị trường sẽ tràn ngập hàng nước ngoài. Sức ép cạnh tranh đối với doanh nghiệp Việt sẽ tăng lên. Do đó, các doanh nghiệp trước hết phải tự thân nâng cao năng lực cạnh tranh của mình và tiếp cận thị trường bằng chất lượng của sản phẩm, uy tín thương hiệu. Nhưng không phải chỉ sản xuất với chất lượng tốt là bán được, mà các doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng kênh phân phối của mình”.
Mặt khác, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết: “Phía BSA luôn hỗ trợ, xúc tiến thương mại để giúp các doanh nghiệp xây dựng, giữ vững thương hiệu, hình thành các hệ thống phân phối. Trong quá trình hỗ trợ, chúng tôi thấy có một vấn đề lớn mà các doanh nghiệp Việt còn yếu là đổi mới về khoa học, công nghệ trong sản xuất và quản trị. Mới đây chúng tôi đã có tổ chức thăm dò 36 doanh nghiệp về nhu cầu này. Thông tin từ cuộc thăm dò này cũng đáng để suy nghĩ, bởi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc kết nối với các đối tác hỗ trợ về đổi mới công nghệ”.


Các doanh nghiệp đều biết rằng, đổi mới công nghệ để tạo ra sản phẩm tốt hơn, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao được sức cạnh tranh là yếu tố quyết định để tiếp tục tồn tại trên thị trường nội địa. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước tạo điều kiện để tiếp cận các thông tin thành tựu công nghệ, giải pháp ứng dụng, xây dựng mạng lưới để trao đổi thông tin cung cầu. Đồng thời các doanh nghiệp cũng kiến nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi, tư vấn chính sách để các doanh nghiệp kết hợp với các Viện, Trường thực hiện công tác nghiên cứu đổi mới sản phẩm, thiết bị.


Bên cạnh đó, việc phát triển hướng đến thị trường nông thôn là một mục tiêu quan trọng của các doanh nghiệp. Để làm được việc này, các doanh nghiệp cần phải xây dựng hệ thống phân phối, phải nghiên cứu nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng nông thôn là gì để có những sản phẩm phù hợp. Bên cạnh đó, Nhà nước nên có những cơ chế, chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp tập trung hơn vào thị trường này.



Bài và ảnh: Anh Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN