Để bánh phồng xứ dừa vươn xa hơn

Những ngày giáp Tết, nếu có dịp đến thăm xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, du khách gần xa sẽ rất thích thú với hình ảnh người dân tại đây phơi bánh phồng, một loại đặc sản truyền thống hàng trăm năm của xứ dừa Bến Tre.

Đặc sản xứ dừa

Bên dưới những tán dừa xanh ngút ngàn, những chiếc chiếu mới trải đầy bánh phồng vừa cán xong được đem ra phơi trên những chiếc giàn làm bằng tàu dừa. Mỗi chiếc bánh phồng vừa thể hiện sự tài hoa của những người thợ làm bánh, vừa mang trong mình những nét đặc trưng của ẩm thực Bến Tre, nơi món ăn nào cũng gắn với hình ảnh trái dừa của quê hương xứ sở.

Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc từ lâu đã nổi danh trong câu ca dao: Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh Phồng Sơn Đốc. Đây là câu ca mà nhắc tới thì người dân đồng bằng sông Cửu Long gần như ai cũng biết. Sơn Đốc cũng là làng nghề truyền thống lâu đời bậc nhất tỉnh Bến Tre với hàng trăm năm hình thành và phát triển.

Sản xuất bánh phồng tại cơ sở của ông Võ Trung Hiệp. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN


Ông Võ Trung Hiệp, ngụ ấp 1, xã Hưng Nhượng, đã có gần 20 năm sống bằng nghề làm bánh phồng. Ông Hiệp cho biết trước đây, tất cả các công việc đều được làm thủ công, từ nạo dừa, hấp xôi, quết bột cho đến cán bánh. Trong đó, quết bột là công việc nặng nhọc nhất thường do đàn ông đảm nhận.

Trước đây, việc làm bánh thường bắt đầu từ khoảng 3 giờ sáng để kịp có những mẻ bánh đầu tiên đem phơi khi trời sáng, đó cũng là lúc kết thúc một ngày làm việc của dân làng nghề. Tuy nhiên, hiện nay, một phần nhờ sự hỗ trợ của máy móc, một phần do đang mùa giáp Tết nhu cầu thị trường tăng vọt nên người dân làng nghề tiếp tục công việc này đến trưa. Ông Hiệp cho biết, bây giờ nhiều công việc đã được thay thế bằng máy móc giúp nâng cao năng suất và hạ giá thành sản phẩm. Điều này ngày càng quan trọng trong bối cảnh lao động nông thôn khan hiếm.

Ông Hiệp gọi lò bánh của mình là lò bán tự động, do nhiều công đoạn vẫn thực hiện thủ công, chỉ có việc quết bột là được làm bằng máy. Hiện mỗi ngày lò này làm khoảng 3.000 chiếc bánh, với 5 lao động thường xuyên làm việc từ 5 – 6 giờ. Bánh phồng Sơn Đốc có ba nguyên liệu chính là nếp, nước cốt dừa và đường. Ông cho biết để bánh dễ quết, thơm, dẻo thì phải sử dụng nếp mới, không được pha lẫn gạo. Nước cốt dừa phải được ép từ loại dừa không non quá, cũng không được già quá. Riêng đường thì phải là đường trắng, bánh mới ngon, mẫu mã đẹp và bảo quản được lâu hơn.

Về các công đoạn làm bánh phồng, ông cho biết phải sử dụng nếp hấp cách thủy thành xôi, sau đó quết kỹ với nước cốt dừa, đường. Hỗn hợp này sau đó được chia nhỏ, cán đều thành những chiếc bánh mỏng, đường kính hơn nửa gang tay, đặt lên chiếu mới và đem đi phơi. Nếu trời nắng tốt thì khoảng 3 tiếng bánh khô. Bánh sau đó được nướng lên, cho vào túi ni-lon và đảm bảo độ giòn, thơm ngon khoảng 1 tháng.


Hiện đại hóa để vươn xa


Ông Phạm Văn Hát, ngụ cùng ấp cũng có hàng chục năm gắn bó với nghề làm bánh phồng. Năm ngoái, gia đình ông đã đầu tư số tiền gần 100 triệu đồng để mua máy cán bánh, máy quết bột tự động và xây dựng giàn phơi kiên cố. Ông Hát cho biết, gia đình làm nghề này đã mấy chục năm nay. Sau khi quyết định đầu tư hệ thống này ông mới thấy… khỏe quá. Hầu hết các khâu tốn công sức lao động nhất như quết bột, cán bánh đều được thực hiện tự động với tốc độ cao, nhanh hơn nhiều so với làm thủ công. Mỗi ngày, lò bánh của ông có thể sản xuất khoảng 30.000 chiếc bánh, tương đương với khoảng 1,5 tấn nguyên liệu.

“Hệ thống máy móc của tui trong 5 phút có thể làm xong một mẻ bánh 12 kg, nếu làm thủ công như trước đây thì từ 5 – 7 người phải làm trong nửa tiếng đồng hồ hoặc lâu hơn” – ông chia sẻ. Cũng theo ông Hát, với số lao động tương đương với các lò bán thủ công, hoặc thủ công, lò bánh với máy móc hiện đại có thể làm nhanh hơn khoảng 10 lần. Ông cho biết do mấy ngày nay trời nắng ít, nên ông chỉ sản xuất khoảng 1 nửa công suất, tương đương với khoảng 15.000 bánh mỗi ngày, con số này cũng đã cao hơn gấp đôi so với ngày thường do hiện nay đang là mùa bánh Tết.

Để da dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, bên cạnh bánh phồng truyền thống được làm từ nếp, nước cốt dừa và đường, người dân còn sử dụng các loại nguyên liệu như chuối, mít, trứng gà, sữa, đậu xanh… để làm bánh. Tất cả đều là nguyên liệu tự nhiên, tuyệt đối không sử dụng hóa chất. Việc sử dụng thêm các loại nguyên liệu nêu trên giúp bánh phồng có thêm nhiều hương vị, màu sắc độc đáo, tinh tế theo yêu cầu khách hàng.

Bà Lê Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Nhượng cho biết làng nghề bánh phồng Sơn Đốc có lịch sử hơn 100 năm và đã được công nhận là làng nghề tiêu biểu Việt Nam. Toàn làng nghề hiện có 34 cơ sở sản xuất, trong đó có 16 cơ sở quy mô tương đối lớn; giải quyết công ăn việc làm cho hơn 450 lao động. Sản lượng bánh hàng năm từ 30 – 40 triệu chiếc. Hơn một năm nay, nhờ sự hỗ trợ của các ngành, các cấp từ tỉnh đến huyện, nhiều hộ dân đã trang bị máy quết bột tự động, máy cán, máy sấy… để làm bánh. Nhờ các máy móc này, người dân làm bánh nhanh hơn, đồng đều hơn, đáp ứng được các đơn hàng với số lượng lớn.

Bánh phồng Sơn Đốc là đặc sản nức tiếng của tỉnh Bến Tre. Ngoài người dân xứ dừa, người dân các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Đông Nam bộ cũng khá quen thuộc. Chiếc bánh này cũng đã theo chân nhiều du khách nước ngoài, Việt kiều để xuất ngoại, đến nhiều nơi như Hoa Kỳ, Canada và một số nước châu Âu. Để phát triển làng nghề bền vững hơn, UBND xã Hưng Nhượng đang phối hợp với các đơn vị liên quan xúc tiến thành lập Hợp tác xã bánh phồng Sơn Đốc để đảm bảo có đủ sản lượng ổn định, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường, để bánh phồng Sơn Đốc có thể đi xa hơn nữa.


Hưng Thịnh (TTXVN)
Sản phẩm dừa Bến Tre có thêm nhiều thị trường mới
Sản phẩm dừa Bến Tre có thêm nhiều thị trường mới

Các sản phẩm dừa Bến Tre đã giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và đã có thêm 6 thị trường mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN